Multimedia Đọc Báo in

Những tín hiệu lạc quan trên bán đảo Triều Tiên

07:47, 28/07/2018
Mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đang được kỳ vọng sẽ sớm được thực hiện khi những ngày gần đây liên tiếp xuất hiện những diễn biến tích cực với việc cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều tỏ rõ thiện chí thay đổi cục diện trên bán đảo này.

Trong bước đi đầu tiên được cho là để giữ “lời hứa” đã đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6 vừa qua, Triều Tiên dường như đã bắt đầu phá dỡ những hạ tầng chính tại một địa điểm trước đây được sử dụng để phát triển động cơ cho tên lửa đạn đạo của nước này. Trang The 38 North – chuyên trang theo dõi các hoạt động ở Triều Tiên có trụ sở tại Washington (Mỹ) mới đây công bố những hình ảnh vệ tinh cho thấy phía Triều Tiên đang thực hiện việc phá dỡ một tòa nhà được sử dụng để lắp ráp các thiết bị phóng vệ tinh vào không gian và một trạm thử động cơ tên lửa thường được dùng để phát triển các động cơ chạy bằng nhiên liệu lỏng cho tên lửa đạn đạo và thiết bị phóng tên lửa ở gần đó.

Ngay sau những thông tin về việc Triều Tiên bắt đầu tháo dỡ bãi thử tên lửa Sohae, thì phía Hàn Quốc ngày 24-7 cũng thông báo sẽ cắt giảm sự hiện diện quân sự dọc biên giới liên Triều, bao gồm việc giảm bớt số binh sĩ và các thiết bị tại các đồn canh gác. Đây cũng là một phần kết quả đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4, nhằm chấm dứt các hành động thù địch và giảm căng thẳng. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng một lần nữa khẳng định sẽ thúc đẩy kế hoạch biến khu vực Đường giới hạn phía Bắc, ranh giới trên biển giữa hai nước thành “một vùng biển hòa bình”, cũng như thiết lập khu vực đánh bắt cá chung cho người dân hai nước. Mục đích của kế hoạch này là nhằm ngăn chặn xung đột hải quân và đảm bảo an toàn cho hoạt động đánh bắt, chế biến hải sản.

Thứ trưởng  Bộ Giao thông Hàn Quốc Kim Jeong-ryeol (trái) và Thứ trưởng Bộ Đường sắt  Triều Tiên  Kim Yun-hyok (phải)  tại cuộc họp  đàm phán  về cách thức kết nối và hiện đại hóa  các tuyến  đường sắt qua  biên giới hai miền.  (Ảnh: Yonhap/AP/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Giao thông Hàn Quốc Kim Jeong-ryeol (trái) và Thứ trưởng Bộ Đường sắt Triều Tiên Kim Yun-hyok (phải) tại cuộc họp đàm phán về cách thức kết nối và hiện đại hóa các tuyến đường sắt qua biên giới hai miền. (Ảnh: Yonhap/AP/TTXVN)

Nhiều hoạt động hợp tác giữa hai miền cũng đã được xúc tiến trong thời gian gần đây. Ngày 24-7, một nhóm quan chức Hàn Quốc đã đến Triều Tiên để kiểm tra tình trạng của hệ thống đường sắt ở khu vực phía Tây bán đảo Triều Tiên, một phần trong nỗ lực nhằm hiện đại hóa và tiến tới kết nối đường sắt xuyên biên giới liên Triều. Nhóm này cùng với các quan chức Triều Tiên tiến hành kiểm tra chung các tuyến đường sắt chạy từ thị trấn biên giới Kaesong của Triều Tiên tới Đường ranh giới quân sự (MDL) giữa hai miền.

Hàn Quốc cũng đang lên kế hoạch khởi động thủ tục trong nước trong năm nay hướng tới mục tiêu kết nối lại tuyến đường sắt và đường bộ với Triều Tiên. Trong một báo cáo trình Quốc hội, Bộ Đất đai - Cơ sở hạ tầng và Giao thông đã phác thảo kế hoạch, qua đó xúc tiến dự án khôi phục một số phần bị hư hỏng nặng tại Hàn Quốc, bao gồm khu vực dài 104,6 km thuộc tuyến đường sắt phía Đông và khu vực dài 11,8 km thuộc tuyến đường cao tốc phía Tây. Hàn Quốc và Triều Tiên cũng đã khôi phục hoàn toàn đường dây liên lạc quân sự giữa hai nước ở khu vực phía Tây bán đảo Triều Tiên.

Chính phủ Mỹ ngay lập tức đánh giá cao thông tin Triều Tiên bắt đầu thực hiện những cam kết của nước này. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, các báo cáo cho rằng Triều Tiên đã bắt đầu dỡ bỏ các cơ sở tại một bãi thử tên lửa Sohae "hoàn toàn phù hợp với cam kết" được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra tại cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên hồi tháng 6 vừa qua.

Cả hai nước cũng đã trao đổi các kết quả tìm kiếm trong nhiều tuần qua đối với các gia đình ly tán do cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) để chuẩn bị cho sự kiện đoàn tụ dự kiến diễn ra cuối tháng 8 tới. Hai bên nhất trí tổ chức sự kiện này với sự tham gia của 100 người mỗi bên.

Đây là những hoạt động mà Hàn Quốc và Triều Tiên nỗ lực thúc đẩy nhằm hiện thực hóa thỏa thuận giữa lãnh đạo hai miền sau cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 4-2018, theo đó mở rộng liên lạc và tích cực giao lưu liên Triều. Tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều diễn ra hồi tháng 4 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhất trí hướng tới chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh trong năm nay; xây dựng một hiệp định hòa bình thay thế thỏa thuận ngừng bắn chấm dứt tình trạng thù địch kéo dài ba năm; tiến hành các cuộc đàm phán 3 hoặc 4 bên với sự tham gia của nước lớn như Mỹ trong việc thiết lập hòa bình và ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Giây phút đoàn tụ của các gia đình ly tán trong chiến tranh Triều Tiên . (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Giây phút đoàn tụ của các gia đình ly tán trong chiến tranh Triều Tiên . (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ngày 24-7, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon đã bày tỏ lạc quan về triển vọng hai miền Triều Tiên chính thức kết thúc tình trạng chiến tranh "trong năm nay", khẳng định các cuộc tham vấn liên quan giữa hai bên và Mỹ đang được xúc tiến. Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh vì hai bên mới chỉ ký một thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1953.

Viễn cảnh về một bán đảo Triều Tiên hòa bình và phi hạt nhân hóa có lẽ không còn quá xa vời khi thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện những tia hy vọng mới trên bán đảo này. Dẫu vậy tình hình sẽ tiến triển đến đâu thì vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí và hành động cụ thể của từng bên. Hiện các nỗ lực ngoại giao tích cực thời gian qua cũng được trông đợi ít nhiều sẽ đem lại những kết quả tươi sáng hơn cho bán đảo Triều Tiên.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc