Thượng đỉnh Nga - Mỹ: Nhiều cam kết chung, ít giải pháp cụ thể
Các nội dung hội đàm tương tự như những gì mà báo chí dự đoán trước đó, tập trung vào các vấn đề song phương trong quan hệ Mỹ - Nga như nỗ lực cải thiện quan hệ hai nước, cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và cách thức giải quyết một số vấn đề quốc tế như Ukraine, Syria, kiểm soát vũ trang, tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và cuộc chiến chống khủng bố.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, Tổng thống Trump cho biết hai bên đã thảo luận thẳng thắn, cởi mở và hiệu quả về hàng loạt các vấn đề quan trọng đối với cả hai nước. Mặc dù bất đồng giữa Nga và Mỹ là điều rõ ràng nhưng nếu tiếp tục giải quyết các vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt thì hai nước sẽ phải tìm ra cách thức hợp tác theo đuổi lợi ích chung. Đổi lại, Tổng thống Putin cho rằng quan hệ song phương đang trải qua giai đoạn khó khăn, hai nước đều phải đối mặt với các thách thức hoàn toàn khác biệt và chỉ có thể đối phó bằng cách gắn kết nỗ lực của cả hai bên.
Về tương lai quan hệ song phương, lãnh đạo hai nước đã đưa ra những tuyên bố hết sức tích cực nhưng với các vấn đề gai góc khác thì mới chỉ có các cam kết chung chung mà không đưa ra được giải pháp cụ thể mang tính khả thi. Đối với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, ông Putin thẳng thừng phủ nhận trong khi ông Trump dường như không đứng về phía nước Mỹ khi cho rằng mặc dù tin tưởng vào cộng đồng tình báo nước này nhưng các tuyên bố của lãnh đạo Nga là rất mạnh mẽ và cứng rắn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Helsinki, Phần Lan ngày 16-7. |
Về khủng hoảng Syria và cuộc chiến chống khủng bố, cả hai nhà lãnh đạo khẳng định Mỹ và Nga có thể đóng vai trò tiên phong trong sứ mệnh này. Nga cũng đề xuất thành lập lại nhóm chuyên viên chung về chống khủng bố cũng như cung cấp hậu cần cho sứ mệnh nhân đạo tại Syria. Về kiểm soát vũ trang và vũ khí hạt nhân, trong khi ông Putin cho rằng hai nước phải chịu trách nhiệm duy trì an ninh toàn cầu, thúc đẩy chương trình giải trừ vũ trang, hợp tác về quân sự và công nghệ thì ông Trump thông báo kết quả hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên. Mặc dù đánh giá cao vai trò cá nhân của lãnh đạo Mỹ và cam kết ủng hộ nhưng ông Putin đơn giản cho rằng các vấn đề này mới bắt đầu được giải quyết. Về khủng hoảng Ukraine, lãnh đạo hai nước đã không nhắc đến trong phần họp báo chung cũng như tránh trả lời trực tiếp các câu hỏi của phóng viên.
Kết thúc thượng đỉnh với các tuyên bố thành công, nhưng sóng gió lớn nhất đang chờ đợi Tổng thống Trump lại nằm ở chính nước Mỹ. Ngay sau khi thượng đỉnh kết thúc, hàng loạt nghị sĩ cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa và nhiều chính trị gia đã lên tiếng chỉ trích với những ngôn từ mạnh mẽ nhất như xấu hổ, yếu kém, đáng hổ thẹn, tồi tệ, Nga không phải là đồng minh... Các lãnh đạo đảng Dân chủ đã tổ chức họp báo chỉ trích cuộc gặp thượng đỉnh trong khi cộng đồng tình báo Mỹ cũng ra thông cáo đáp trả tuyên bố của Trump khi khẳng định về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016 cũng như các nỗ lực phá hoại nền dân chủ nước này.
Trở về nước sau hội nghị Nga - Mỹ, Tổng thống Trump đã tìm cách xoa dịu “những cái đầu nóng” ở bên trong nước Mỹ. Ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng đã bất ngờ lên tiếng công nhận kết luận của cơ quan tình báo nước này về sự can dự của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố đưa ra trước đó tại Helsinki, mà ông cho là do “cách diễn đạt”. Tuy nhiên, ông Donald Trump cũng khẳng định, sự can thiệp của Nga không ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử, đồng thời cam kết chính quyền Mỹ sẽ làm mọi cách để bảo vệ cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới.
Lời cải chính được Tổng thống đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông Donald Trump lên Twitter mô tả cuộc gặp thượng đỉnh của ông với người đứng đầu nước Nga Vladimir Putin là “thành công to lớn” và nói rằng “thậm chí còn tốt hơn” là cuộc họp với các đồng minh NATO trước đó.
Cần phải nhắc lại, chuyến công du châu Âu của người đứng đầu nước Mỹ đã cho thấy một nghịch lý khá rõ ràng, đó là khi gặp các đồng minh, ông Donald Trump đã tỏ rõ quyết tâm “đánh gục” họ, còn tại Helsinki, ông lại mong muốn tìm kiếm một “tình bạn” với nước Nga, bất chấp những căng thẳng và bất đồng giữa hai nước.
Hiện vẫn chưa rõ liệu những phát biểu tại Helsinki của ông Donald Trump có phải là “lỡ lời” hay không, cũng như không một ai biết được là liệu cách thức hoạt động ngoại giao của Tổng thống Mỹ có phá hủy mối quan hệ giữa đôi bờ Đại Tây Dương hay không, song một điều chắc chắn là người đứng đầu nước Mỹ đang tìm cách thu phục lá phiếu của cử tri cho các cuộc bầu cử sắp tới.
Hiện quyền kiểm soát của đảng Cộng hòa ở cả Hạ viện và Thượng viện đang bị lung lay. Kết quả của cuộc bầu cử tháng 11 tới đây có thể ảnh hưởng sâu sắc đến nhiệm kỳ Tổng thống của ông Donald Trump và ông không thể không để ý tới.
Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc