Multimedia Đọc Báo in

Chia sẻ ý tưởng, sáng kiến góp phần thúc đẩy phát triển khu vực ASEAN

08:07, 15/09/2018
Từ 11 đến 13-9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018. Tham dự hội nghị có các nguyên thủ, lãnh đạo các nước ASEAN và các nước đối tác cùng hơn 1.000 đại biểu là thành viên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới; các doanh nghiệp ASEAN, thế giới và Việt Nam.

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã cử Trợ lý Tổng Thư ký Liên hiệp quốc về điều phối chiến lược làm Đặc phái viên đọc thông điệp của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc tế gửi đến Hội nghị. Đây là một cử chỉ rất đặc biệt, lần đầu tiên có tại Hội nghị WEF ASEAN năm nay; khẳng định sự ủng hộ và quan tâm của Liên hiệp quốc nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung đối với vị thế, vai trò của ASEAN và Việt Nam.

Bám sát chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0", với 60 phiên họp, Hội nghị WEF ASEAN tập trung thảo luận, đề xuất ý tưởng, định hướng, chính sách khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và sự năng động của doanh nghiệp và người dân, hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vì người dân, năng động, vững mạnh, thịnh vượng. Đặc biệt, nhiều nội dung thiết thực được trao đổi, bàn luận sâu sắc như đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, mô hình kinh doanh mới, phát triển kinh tế số, tri thức và kỹ năng số, đào tạo và giải quyết việc làm, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm nghèo bền vững.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu thảo luận về chủ đề “Công nghệ ngày mai: Xe tự hành”.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu thảo luận về chủ đề “Công nghệ ngày mai: Xe tự hành”.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF Klaus Schwab khẳng định, đây là Hội nghị thượng đỉnh cao cấp nhất từng có về ASEAN. Chủ tịch WEF cho rằng, dù còn nhiều khác biệt nhưng “không nên quên rằng chúng ta có mối quan tâm chung và trách nhiệm chung với thế giới". Theo Chủ tịch Klaus Schwab, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ thay đổi mô hình kinh doanh, tính kinh tế, xã hội một cách cơ bản và mang tính đột phá. Sự cạnh tranh toàn cầu được xác định bởi năng lực cạnh tranh chứ không còn bởi giá thành. Trong bối cảnh đó, các quốc gia đã thành công trong làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có hệ sinh thái sáng tạo và hệ sinh thái doanh nhân.

Chủ tịch Klaus Schwab cho rằng, để có thể định hướng thành công trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi chính phủ các nước ASEAN cần tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sự cộng tác giữa chính phủ và doanh nghiệp là rất quan trọng để đạt được tiến bộ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ông Klaus Schwab tin tưởng, các quốc gia ASEAN với tầm nhìn phù hợp, với chính sách tối ưu, dân số trẻ và tinh thần kinh doanh cao sẽ là những người đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Là nước chủ nhà và đồng tổ chức Hội nghị WEF ASEAN, Việt Nam đã tạo được dấu ấn khi đưa vấn đề cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào nội hàm chủ đề của hội nghị, cũng như lồng ghép nhiều vấn đề Việt Nam và các nước ASEAN quan tâm vào nội dung nghị sự của hội nghị như: khởi nghiệp sáng tạo, hạ tầng và đô thị thông minh, lao động - việc làm trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp công nghệ cao…

Trong phát biểu khai mạc, phân tích những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho các nước ASEAN, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến sự đột phá về năng suất trên năm ngành công nghiệp lớn: điện tử, hóa chất và dầu khí, hàng tiêu dùng, thực phẩm và dược phẩm. Bên cạnh đó là thúc đẩy tăng trưởng bao trùm hơn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc trên cơ sở ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra kết nối và chia sẻ các giá trị và sự sáng tạo mới. Ngoài ra, cách mạng 4.0 còn mở ra cơ hội kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa với các thị trường xuyên quốc gia và toàn cầu. ASEAN cũng có thể vượt qua các giai đoạn phát triển công nghiệp truyền thống bằng cách mạnh dạn phát triển trí tuệ nhân tạo, robot, tự động hóa, máy bay không người lái, thiết bị vệ tinh, hệ thống cảm biến… nhằm nâng cao năng suất, sử dụng hiệu quả nguồn lực và tài nguyên.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch sáng lập WEF Klaus Schwab (thứ ba, từ phải sang) và các trưởng đoàn tham dự hội nghị chụp ảnh chung.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch sáng lập WEF Klaus Schwab (thứ ba, từ phải sang) và các trưởng đoàn tham dự hội nghị chụp ảnh chung.

Về những thách thức mà ASEAN phải đối mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ nguy cơ mất việc làm khi áp dụng tự động hóa. Thủ tướng cho rằng, cách mạng 4.0 có tiềm năng làm tăng tốc thu nhập đối với người dân và quốc gia có tài năng và có trí thức, làm tăng khoảng cách thu nhập và nguy cơ về bất ổn xã hội…

Đứng trước những cơ hội và thách thức đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất các quốc gia ASEAN ưu tiên các lĩnh vực như kết nối số, chia sẻ dữ liệu, hài hòa môi trường kinh doanh, thúc đẩy hình thành và kết nối các vườn ươm sáng tạo; tìm kiếm phát huy tài năng và hình thành mạng lưới giáo dục ASEAN và hệ thống học tập suốt đời. Với dân số hơn 640 triệu người, chiếm 8,5% dân số thế giới, ASEAN giờ đây đã là nền kinh tế lớn thứ ba châu Á và thứ năm của thế giới. Trên nền tảng ấy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phát huy thị trường nội khối ASEAN là một thị trường đủ lớn cho các chiến lược phát triển, hướng đến thị trường ASEAN 2025 - một ASEAN mở, hợp tác đa dạng; trong đó có vai trò quan trọng và sự hợp tác tích cực của WEF - nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng chiến lược sáng tạo toàn cầu.

Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018 được dư luận và báo chí quốc tế quan tâm. Nhiều tin, bài phân tích về thách thức đối với kinh tế của khối ASEAN trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, cũng như những thành công mà Việt Nam đạt được thời gian qua.

Diễn đàn Kinh tế thế giới một lần nữa chọn Việt Nam để tổ chức hội nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ đối tác Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới, cũng như giữa Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Trước đó là Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực Đông Á năm 2010 và Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực Mekong năm 2016. Vì thế, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 góp phần tích cực củng cố sự đoàn kết và quảng bá hình ảnh một ASEAN phát triển năng động, sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hồng Hà (Theo TTXVN)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.