Mỹ đưa IRGC vào danh sách khủng bố: Nguy cơ leo thang căng thẳng ở Trung Đông
“Động thái chưa từng có tiền lệ này, do Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra, thừa nhận thực tế rằng, không chỉ Iran là quốc gia bảo trợ khủng bố, mà IRGC còn tích cực tham gia vào việc cung cấp tài chính, tài trợ khủng bố như một công cụ cho nhà nước. Đây là lần đầu tiên Mỹ từng liệt một cơ quan của nước ngoài vào danh sách các tổ chức khủng bố”, Tổng thống Trump tuyên bố sáng 8-4. Một cựu quan chức Mỹ cho biết, các chính phủ trước của Mỹ cũng từng cân nhắc liệt IRGC vào danh sách khủng bố nhưng chần chừ vì cho rằng việc này gây ra rủi ro quá lớn đối với các lực lượng của Mỹ ở nước ngoài. Hiện Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối bình luận về những việc mà quân đội Mỹ sẽ thực hiện để bảo vệ các lực lượng của Mỹ khỏi động thái trả đũa bởi IRGC hoặc các lực lượng ủng hộ Iran.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tại lễ duyệt binh ở Tehran ngày 22-9-2018. |
Tuyên bố này của Mỹ lập tức vấp phải phản ứng từ phía Iran. Ngày 9-4, Hội đồng An ninh Quốc gia tối cao Iran (SNSC) do Tổng thống Hassan Rouhani đứng đầu đáp trả bằng việc tuyên bố coi lực lượng quân đội Mỹ là tổ chức khủng bố và Mỹ là quốc gia tài trợ khủng bố. Bộ Tư lệnh đặc trách miền Trung của Mỹ, viết tắt là CENTCOM, cũng bị Iran gọi là tổ chức khủng bố. Theo ông Hassan Rouhani, sai lầm này của Mỹ sẽ khiến người dân Iran đoàn kết hơn và IRGC sẽ ngày càng lớn mạnh tại nước Cộng hòa Hồi giáo này. Ngoài ra, Tehran cũng cảnh báo sẽ ngăn các chuyến tàu chở dầu đi qua eo biển Hormuz tại vùng Vịnh, nếu Mỹ tìm cách gây sức ép với nền kinh tế Iran thông qua việc ngăn nước này xuất khẩu dầu.
Từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, IRGC đã lớn mạnh và có ảnh hưởng không chỉ đối với các chính sách khu vực của Iran mà còn là một tổ chức hoạt động kinh tế có tiềm lực. Các nhà nghiên cứu của Tổ chức Rand từ 10 năm trước đã đánh giá rằng ảnh hưởng của IRGC bao trùm “mọi ngóc ngách trong đời sống chính trị - xã hội ở Iran” khi tham gia vào các ngành công nghiệp từ sản xuất ô tô tới phẫu thuật mắt công nghệ laser, cùng nhiều hoạt động khác. Giám đốc CIA năm 2017, khi đó là Mike Pompeo, cũng đã thừa nhận rằng, “Dù không rõ ràng, nhưng khoảng 20% nền kinh tế Iran do lực lượng này kiểm soát”.
Tuyên bố mới nhất của Mỹ đồng nghĩa với việc bất cứ ai làm ăn kinh doanh ở Iran cũng có nguy cơ bị truy tố hình sự ở Mỹ với cáo buộc hỗ trợ cho một tổ chức khủng bố. Về mặt lý thuyết, ngay cả một doanh nhân châu Âu dù chỉ xem xét đầu tư vào các dự án phẫu thuật mắt bằng công nghệ laser cũng vi phạm trừng phạt của Mỹ và có thể bị truy tố hình sự. Điều này khác với các lệnh trừng phạt hiện có nhằm vào IRGC từ Bộ Tài chính vốn chủ yếu liên quan đến các án phạt tài chính.
Nhiều người cho rằng, động thái mới của Mỹ là không cần thiết, thậm chí nó có thể trở nên khiêu khích và đặt binh sĩ Mỹ trong khu vực vào rủi ro. Richard Nephew, một chuyên gia về các lệnh trừng phạt, làm việc cho nhóm đàm phán với Iran dưới thời Tổng thống Barack Obama cho rằng, các biện pháp trừng phạt hiện hành cũng đủ khiến Iran lao đao. Lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ Iran đã tụt dốc sau khi chính quyền Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran giữa năm 2018, nền kinh tế Iran vì thế cũng chịu nhiều hệ lụy. Mỹ không cần thiết phải liệt IRGC vào danh sách khủng bố để gây sức ép tối đa với Iran, vì điều đó sẽ chỉ phiền phức thêm.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran huấn luyện. Nguồn: jns.org |
Theo giới chuyên gia phân tích chính trị, việc Mỹ coi IRGC là một "tổ chức khủng bố nước ngoài" có thể phá vỡ các liên kết kinh tế, ngoại giao của Mỹ trên toàn cầu và làm leo thang căng thẳng ở Trung Đông.
Trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã về động thái trên, ông Wayne White, cựu Vụ phó Vụ tình báo Trung Đông của Bộ Ngoại giao Mỹ, lưu ý rằng: "Vì IRGC có mối liên kết với rất nhiều cá nhân và tổ chức ở nước ngoài (chủ yếu thông qua đế chế kinh tế dân sự của lực lượng này), nên một động thái có ảnh hưởng sâu rộng như vậy cũng có thể phá vỡ mọi thứ từ các liên kết kinh tế - ngoại giao của Mỹ đến một loạt các liên kết toàn cầu".
Truyền thông Mỹ dẫn lời các nhà phân tích cho rằng động thái này của Mỹ, cùng với sự trả đũa có thể có từ Iran và các lực lượng Hồi giáo dòng Shi'ite ở các quốc gia Trung Đông, sẽ tiếp tục làm leo thang cuộc đối đầu trong khu vực, và làm phức tạp nhiệm vụ của các lực lượng và giới ngoại giao Mỹ trong khu vực, vốn phải liên kết với các chính phủ có mối liên hệ mật thiết với Iran và thậm chí với chính Iran về một nhóm các vấn đề nhạy cảm.
Lầu Năm Góc và cộng đồng tình báo Mỹ cũng lo ngại rằng động thái trên của ông Trump có thể dẫn đến sự phản ứng dữ dội nhằm vào các lực lượng Mỹ trong khu vực mà "không hề gây tổn hại như dự tính đối với nền kinh tế Iran". |
Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV, SGGP)
Ý kiến bạn đọc