Multimedia Đọc Báo in

Khủng hoảng Venezuela: Chuyển hướng sang mặt trận ngoại giao

06:03, 25/05/2019
Cuộc khủng hoảng Venezuela đang chứng kiến sự chuyển hướng mạnh mẽ trong cuộc chiến chính trị, với ưu tiên tập trung vào mặt trận ngoại giao.

Một phái đoàn của Chính phủ Venezuela và đại diện phe đối lập tại nước này cuối tuần qua đã có cuộc tiếp xúc tại Oslo (Na Uy). Theo kết quả thông báo từ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, đoàn đàm phán của chính phủ đã trở về từ Na Uy với "tin tốt lành" rằng cuộc đàm phán với phe đối lập đã có một khởi đầu tốt đẹp.

Ngày 21-5, Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza khẳng định người dân nước này ủng hộ việc giải quyết các xung đột trong nước hiện nay thông qua con đường đối thoại, dân chủ và hiểu biết khi phát biểu tại Hội nghị lần thứ 18 Hội đồng Chính trị của Liên minh Bolivar cho châu Mỹ - Hiệp định thương mại của các dân tộc (ALBA-TCP) diễn ra tại thủ đô La Habana của Cuba. Ngoại trưởng Arreaza đánh giá cao sự hỗ trợ của Na Uy nhằm giúp chính phủ Venezuela và phe đối lập tìm kiếm giải pháp chính trị, hòa bình và đàm phán giải quyết xung đột, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Caracas trong vấn đề này. Ông Arreaza khẳng định Venezuela là quốc gia không có chiến tranh, không có sự đối đầu và người dân đang nghiên cứu, làm việc, sản xuất và đấu tranh chống lại nghịch cảnh và các vấn đề của nền kinh tế.

Tổng thống Venezuela Maduro (bên phải) và lãnh đạo phe đối lập Guaido.
Tổng thống Venezuela Maduro (bên phải) và lãnh đạo phe đối lập Guaido.

Việc ngồi vào bàn đối thoại sau một thời gian dài từ chối là một bước ngoặt lớn với phe đối lập Venezuela. Lực lượng do lãnh đạo đối lập Juan Guaido lãnh đạo chỉ trong một thời gian ngắn đã thu hút sự ủng hộ quốc tế rộng rãi, gia tăng sức ép lớn lên chính phủ của Tổng thống Maduro, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ cùng các cuộc biểu tình đường phố. Tuy nhiên, những diễn biến tại Venezuela vừa qua cho thấy không ai có thể thắng thế trong cuộc đấu tranh giành quyền lực và đối thoại là lựa chọn duy nhất hiện nay. Sự suy yếu đã buộc lãnh đạo đối lập phải nhượng bộ, xem xét ngồi vào bàn đàm phán với chính phủ.

Không chỉ có sự thay đổi từ phe đối lập Venezuela mà quốc tế dường như cũng có chuyển hướng tiếp cận đối với cuộc khủng hoảng này. Một số quốc gia vốn ủng hộ lãnh đạo đối lập Juan Guaido bắt đầu để ngỏ các cách tiếp cận khác nhằm chấm dứt tình trạng tê liệt chính trị ở Venezuela, so với yêu cầu duy nhất đưa ra cách đây 4 tháng là Tổng thống Maduro phải từ chức.

Trong một tuyên bố gần đây, đặc phái viên Mỹ về Venezuela cho rằng, để một quá trình chuyển giao dân chủ được thực hiện, cần phải có sự tham gia của tất cả người dân Venezuela, bao gồm cả những người trung thành với Tổng thống Maduro. Các đồng minh châu Âu của phe đối lập cũng đang thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao con thoi để đảm bảo một thỏa thuận thông qua đàm phán giữa các bên tại Venezuela.

Những khởi đầu tốt đẹp đang bắt đầu, nhưng rõ ràng sự khác biệt giữa hai bên vẫn còn tồn tại, phủ bóng lên hy vọng về một giải pháp sớm cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Nam Mỹ này. Lãnh đạo đối lập Juan Guaido vẫn khẳng định, bất cứ cuộc đối thoại nào cũng phải dẫn đến sự chấm dứt quyền lực của Tổng thống Nicolas Maduro, thay thế bằng một chính phủ chuyển giao, tổ chức các cuộc bầu cử công bằng và tự do. Hai bên gần đây cũng bất đồng trong đề xuất tổ chức bầu cử quốc hội trước thời hạn.

Người dân Venezuela chật vật đi tìm nước sinh hoạt.
Người dân Venezuela chật vật đi tìm nước sinh hoạt.

Điều đáng lo ngại hơn nữa đó là sự can thiệp của các quốc gia bên ngoài có thể ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán đang diễn ra. Truyền thông phương Tây cho biết, Mỹ đang chuẩn bị các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Venezuela trong vòng 3 tháng tới và đây sẽ là một phần trong kế hoạch của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm hạn chế nguồn tiền của Tổng thống Maduro cũng như những người trung thành với ông. Theo chính phủ Venezuela, những chính sách thù địch của Mỹ đang gây tổn thất lớn đối với nước này.

Ngày 21-5, Đại sứ Venezuela tại Nga Carlos Rafael Faría Tortosa chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã gây thiệt hại cho nước này khoảng 130 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2015 - 2018 và là một trong những nguyên nhân chính khiến nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này đang phải trải qua một giai đoạn khó khăn nghiêm trọng.

Tình hình Venezuela đang diễn biến hết sức căng thẳng kể từ đầu năm nay sau khi Tổng thống Maduro tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai trước sự phản đối của phe đối lập trong nước, cùng với Mỹ và nhiều nước ở Mỹ Latinh và châu Âu. Thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido sau đó đã tự phong làm “Tổng thống lâm thời”, kích động các hoạt động chống phá liên tục trong thời gian qua với sự hậu thuẫn từ bên ngoài nhằm gây sức ép buộc Tổng thống Maduro phải từ chức. Ngày 20-5, Tổng thống Maduro một lần nữa đã đề xuất tổ chức trước thời hạn cuộc bầu cử Quốc hội như một cơ hội để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội trầm trọng hiện nay.

Nhiều quốc gia khu vực kêu gọi Mỹ dừng ngay lập tức sự can thiệp nhằm vào Venezuela. Hội nghị lần thứ 18 Hội đồng chính trị Liên minh Bolivar cho châu Mỹ - Hiệp định thương mại của các dân tộc (ALBA-TCP) vừa diễn ra tại Cuba cũng ra Tuyên bố chung, tiếp tục khẳng định sự ủng hộ đối với cuộc cách mạng Bolivar tại Venezuela và Tổng thống hợp hiến Nicolas Maduro, phản đối mọi chính sách can thiệp chống lại chủ quyền, quyền tự quyết và trật tự hiến pháp của quốc gia Nam Mỹ này.

 

Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.