Multimedia Đọc Báo in

Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 3: Lại thắp lên hy vọng cho bán đảo Triều Tiên

08:50, 05/07/2019
Cuộc gặp lịch sử hôm 30-6 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại khu phi quân sự liên Triều (DMZ) đã dẫn tới kết quả là hai bên đồng ý tái khởi động đàm phán về phi hạt nhân hóa giữa lúc những nghi ngại ngày một gia tăng.

Dấu mốc lịch sử

Tổng thống Donald Trump đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên bước qua đường ranh giới phân chia hai miền Triều Tiên tại DMZ, sang phần lãnh thổ của Triều Tiên. Tổng thống Trump nhấn mạnh "bước qua ranh giới đó là một vinh dự lớn", đồng thời cho biết thêm rằng ông và nhà lãnh đạo Kim có một "tình bạn tuyệt vời".

Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc họp kín kéo dài gần một giờ tại Nhà tự do bên phần lãnh thổ Hàn Quốc ở DMZ và nhất trí nối lại các cuộc đàm phán sau khi các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ vào đầu năm nay. Đây được xem là một dấu mốc lịch sử vô cùng quan trọng đối với Mỹ và Triều Tiên, đồng thời là hình ảnh biểu tượng cho sự hàn gắn quan hệ song phương.

Sau khoảng 1 tháng gián đoạn, việc hai nhà lãnh đạo đồng ý nối lại các cuộc đàm phán làm sống lại hy vọng không chỉ cho tiến trình phi hạt nhân hóa mà còn là hy vọng về nền hòa bình lâu dài và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. Cuộc gặp cũng mang theo hy vọng hai bên có thể khỏa lấp khác biệt khi Mỹ luôn yêu cầu Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng còn phía Bình Nhưỡng muốn Washington dỡ bỏ trừng phạt để xây dựng lòng tin.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.  Ảnh: EPA
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: EPA

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh việc Mỹ và Triều Tiên tái khởi động các cuộc đàm phán cấp chuyên viên về vấn đề hạt nhân. Trong một tuyên bố ngày 30-6, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc - ông Stephane Dujarric nêu rõ: "Tổng Thư ký hoan nghênh những cuộc gặp ở Panmunjom liên quan đến nhà lãnh đạo Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ, đặc biệt là thông báo về việc Triều Tiên và Mỹ sẽ nối lại các cuộc đối thoại cấp chuyên viên". Tuyên bố của người phát ngôn Liên hiệp quốc cũng khẳng định: "Tổng Thư ký hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực liên tục của các bên nhằm thiết lập những mối quan hệ mới hướng tới hòa bình bền vững, an ninh và phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược trên Bán đảo Triều Tiên".

Ngày 1-7, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có “cuộc gặp lịch sử” tại Khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên và nhất trí nối lại đối thoại về vấn đề phi hạt nhân hóa. Theo KCNA, trong cuộc gặp hôm 30-6, hai nhà lãnh đạo “nhất trí duy trì liên lạc chặt chẽ trong tương lai” và “nối lại cũng như thúc đẩy các cuộc đối thoại hiệu quả để tạo ra một bước đột phá mới trong vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và trong quan hệ song phương".

Vẫn còn những hoài nghi

Không thể phủ nhận cuộc gặp dường như không tưởng ngày 30-6 đã tạo ra bầu không khí hòa giải và lạc quan trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, vẫn có những người hoài nghi khi cho rằng Triều Tiên không có ý định từ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân.

Harry Kazianis, chuyên gia hàng đầu về các vấn đề Triều Tiên tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia (Mỹ) nói: “Tôi nghĩ cả hai bên đều thận trọng và giữ vững quan điểm với những gì đã được đưa ra đàm phán tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 ở Hà Nội”. Ông Kazianis đưa ra giả thiết Tổng thống Trump có thể sẽ chấp nhận đề nghị trước đó của phía Triều Tiên. Theo đó, Triều Tiên sẽ tháo dỡ cơ sở hạt nhân chính của họ ở Yongbyon, đổi lại Mỹ sẽ đình chỉ lệnh trừng phạt nhằm vào xuất khẩu than và dệt may Triều Tiên trong vòng 1 năm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) trong cuộc gặp tại Khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới liên Triều chiều 30-6-2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) trong cuộc gặp tại Khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới liên Triều chiều 30-6-2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cho đến nay, vẫn có rất ít dấu hiệu cho thấy Mỹ hoặc Triều Tiên sẵn sàng thỏa hiệp. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nói rõ trên Twitter cá nhân, khoảng 1 tiếng sau khi hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp ở DMZ rằng tất cả các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên vẫn sẽ được giữ nguyên “trước khi phi hạt nhân hóa”.

Chuyên gia châu Á Bruce Klingner thuộc Quỹ Heritage cho rằng, việc lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sau cuộc gặp ngày 30-6 nhất trí tái khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân đơn thuần chỉ là đưa tất cả về vạch xuất phát và hai bên không hề có tiến triển nào trong nỗ lực phi hạt nhân hóa.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại đặt hy vọng vào nhận xét của đại diện đặc biệt Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun, người hồi đầu tháng này cho biết, cả hai bên đều hiểu sự cần thiết của một “cách tiếp cận linh hoạt”. Giáo sư Kim Yong-hyun của Đại học Dongguk, Hàn Quốc, đánh giá dù các nội dung chi tiết của cuộc gặp nhiều khả năng sẽ được thảo luận trong các cuộc đàm phán cấp chuyên viên trong tương lai, song nó mang ý nghĩa rất lớn do tái khẳng định được cam kết của lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên đối với vấn đề phi hạt nhân hóa và tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Một khi phi hạt nhân hóa và tiến trình hòa bình được khởi động, nó sẽ tạo ra luồng gió ấm trong các mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.

Trong khi đó, Giáo sư Lim Eul-chul, Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Đại học Kyungnam cho rằng dù cuộc gặp tại DMZ có thể ngắn song chắc chắn đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong việc làm dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Ông Lim Eul-chul nhấn mạnh trong bối cảnh các lệnh trừng phạt vẫn được duy trì, cuộc gặp trên đã tạo ra một điểm nhấn quan trọng, khởi đầu cho sự thay đổi trong quan hệ liên Triều. Dù vậy, cơ hội để dẫn đến sự cải thiện quan hệ lớn trong thời gian ngắn là không cao.

Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)

 


Ý kiến bạn đọc