Mong manh "sợi chỉ" níu giữ thỏa thuận hạt nhân Iran
Phía Iran cũng nhấn mạnh, Tehran sẽ duy trì việc cắt giảm cam kết mỗi lần 60 ngày, trừ khi các bên tham gia thỏa thuận đưa ra các biện pháp bảo vệ Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức Iran tuyên bố vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại, với điều kiện các nước tham gia thỏa thuận này phải thực hiện nghĩa vụ tương ứng của mình.
Trước đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng cảnh báo, nếu các bên tham gia thỏa thuận còn lại không tuân thủ đầy đủ cam kết thì ngày 7-7, lò phản ứng hạt nhân Arak sẽ hoạt động trở lại và Iran sẽ làm giàu uranium tới mức nào muốn. Hãng thông tấn Iran Fars cho biết kho dự trữ uranium làm giàu của nước này hiện đã vượt quá 300 kg so với hạn mức trong thỏa thuận. Iran cũng cảnh báo sẽ nối lại việc xây dựng một lò phản ứng hạt nhân nước nặng, có khả năng chế tạo plutonium, tại Arak, miền Trung Iran.
Kỹ thuật viên Iran kiểm tra các thiết bị tại cơ sở làm giàu urani Isfahan ở cách thủ đô Tehran 420km về phía nam. |
Ngày 9-7, các nước châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran gồm Đức, Pháp, Anh cùng đại diện Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố chung hối thúc Iran đảo ngược các hoạt động làm giàu uranium hiện nay và quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Trong khi đó, chính phủ Pháp, Anh và Đức đã lập tức lên tiếng về những diễn biến mới, kêu gọi Iran tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm kéo dài hơn một giờ với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani và cho biết ông sẽ tìm cách nối lại đối thoại giữa Iran và các đối tác phương Tây. Chính phủ Anh đang nỗ lực cùng các bên khác tham gia JCPOA thúc đẩy những bước tiếp theo, trong đó có việc lập một ủy ban chung theo thỏa thuận hạt nhân.
Nhận định về động thái gần đây của Iran, giới chuyên gia cho rằng những động thái gần đây của Iran phản ánh rõ nước này đang mất dần kiên nhẫn trước sự "bất lực" của các nước châu Âu trong việc kiềm chế những tổn hại từ các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ nhằm vào Iran hiện nay.Căng thẳng liên quan tới vấn đề hạt nhân Iran không được tháo gỡ khi Mỹ ngày càng siết chặt chính sách “gây sức ép tối đa”, trong khi EU thực sự “bó tay” không có hành động để ngăn Iran khỏi hứng chịu thiệt hại.
Các nước EU đang trong “thế khó”, một mặt chịu sức ép lớn từ đồng minh Mỹ trong việc buộc Iran đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân, mặt khác lại bị Tehran gây áp lực phải duy trì việc thực thi thỏa thuận và đảm bảo các lợi ích cho quốc gia Hồi giáo. |
Động thái “ra điều kiện” mới của Iran nhằm thúc ép hành động của các bên còn lại tham gia ký thỏa thuận hạt nhân, gồm 3 nước thành viên EU là Anh, Pháp, Đức cùng với Nga và Trung Quốc. Trong trường hợp cụ thể này, động thái của Iran rõ ràng muốn trực tiếp nhắm tới EU, bởi Tehran trong hơn 1 năm qua kể từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi JCPOA, luôn cho rằng các nước EU đã “bỏ mặc” Iran vùng vẫy trong “vũng lầy” mà Mỹ đã bỏ lại cho các đối tác tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân.
Trên thực tế, thỏa thuận hạt nhân Iran, ngoài việc đem lại những lợi ích kinh tế đối với các nước EU, còn được xem là một “thành quả ngoại giao” quan trọng của EU, khiến uy tín và tầm ảnh hưởng của EU gia tăng rõ rệt bởi trước đó, trong nhiều vấn đề quốc tế, EU thường bị đánh giá là “chịu sự chi phối” của Mỹ. Bởi vậy EU đã rất nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, suốt hơn 1 năm qua, EU tỏ ra vẫn loay hoay trong “mớ bòng bong” những phương án trên giấy nhằm duy trì thỏa thuận này, song lại không có bước đi thực tế hiệu quả nào.
Một cơ sở làm giàu urani tại Isfahan, Iran. |
Cũng chính vì tình thế lập lờ và bế tắc này của EU, Iran tỏ ra “mất kiên nhẫn” và những bất đồng cốt lõi giữa Mỹ và Iran cả năm nay không thể giải quyết. Iran mong muốn được châu Âu đảm bảo các lợi ích thông qua một cơ chế hợp tác đặc biệt trong giao dịch (cơ chế INSTEX) để tránh các trừng phạt của Mỹ, nhưng cơ chế được hình thành từ suốt một năm qua này mới được đưa vào hoạt động ngày 1-7 và chưa thực hiện bất kỳ giao dịch nào. Tính hiệu quả của cơ chế này vì thế đang bị nghi ngờ, quan trọng hơn, Iran có vẻ “mất lòng tin” vào EU. Việc Tehran sớm muộn có động thái “rời xa” hay “nới lỏng” những ràng buộc của mình với JCPOA là điều không tránh khỏi.
Trong bối cảnh hiện nay, EU vẫn được coi là bên duy nhất có thể tháo ngòi nổ xung đột, bởi EU là bên có lợi ích lớn nhất khi căng thẳng Mỹ-Iran được tháo gỡ. Nói cách khác, EU đang nắm “sợi chỉ” cuối cùng níu giữ thỏa thuận hạt nhân Iran. Việc tháo gỡ căng thẳng Mỹ-Iran lúc này đang được xem là “phép thử” năng lực ngoại giao của EU, và một tính toán sai lầm có thể cắt đứt hẳn sợi dây mong manh níu giữ thỏa thuận hạt nhân.
Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV, SGGP)
Ý kiến bạn đọc