Multimedia Đọc Báo in

Tấn công Syria, Thổ Nhĩ Kỳ bị lên án mạnh mẽ

07:34, 12/10/2019
Chiến dịch "Mùa xuân hòa bình" của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu lúc 16 giờ chiều ngày 9-10 (giờ địa phương) với các cuộc không kích và pháo kích vào miền bắc Syria. Các mục tiêu bị tấn công tập trung ở thành phố Qamishli, thị trấn Ras al-Ayn và vùng nông thôn Hasaka, nơi chủ yếu do người Kurd kiểm soát. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cùng ngày cho hay hàng nghìn dân thường đã tháo chạy để tránh đợt oanh kích của Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Quốc tế lên án

Các nước Arab như Saudi Arabia, Ai Cập, UAE, Bahrain, Lebanon và Liên đoàn Arab đã chỉ trích mạnh mẽ hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng đây là sự xâm lược, trái với các quy tắc của luật pháp quốc tế.

Các nước Arab cho rằng bất kể với lý do nào thì hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ đều tác động tiêu cực đến an ninh và ổn định của khu vực, đặc biệt là làm suy yếu các nỗ lực quốc tế trong cuộc chống khủng bố, phá vỡ tiến trình chính trị ở Syria. Iran phản đối bất kỳ sự xâm lược nào của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Syria, nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Iran cho rằng hành động này chỉ làm phức tạp tình hình trong khu vực và tạo ra một làn sóng tị nạn mới cũng như gia tăng khủng bố.

Nga - đồng minh của chính quyền Syria, nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, không gây nguy hiểm cho những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria.

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế, tập trung vào việc bảo vệ thường dân ở phía đông bắc Syria, đồng thời tổ chức phiên họp kín về Syria trong ngày 10-10 theo yêu cầu của các thành viên châu Âu - Anh, Pháp, Đức, Bỉ và Ba Lan. Theo người phát ngôn của Liên hiệp quốc Farhan Haq, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đang “rất quan ngại” về diễn biến mới nhất ở khu vực đông bắc Syria và nhấn mạnh rằng bất kỳ hoạt động quân sự nào cũng phải hoàn toàn tôn trọng Hiến chương của Liên hiệp quốc và luật nhân đạo quốc tế. Ông Farhan Haq khẳng định cần phải bảo vệ người dân và các cơ sở hạ tầng ở Syria.

Trong phản ứng tương tự, Liên minh châu Âu đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng hoạt động quân sự và kêu gọi các bên kiềm chế, đồng thời cảnh báo hành động này sẽ làm trầm trọng thêm sự khổ cực cho dân thường. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng gây ra sự bất ổn hơn nữa ở khu vực.

Tại Mỹ, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của đảng Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, tuyên bố Quốc hội nước này sẽ buộc chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan phải trả giá đắt vì hành vi tấn công nhằm vào người Kurd trên đất Syria. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Mỹ Chris Van Hollen của đảng Dân chủ cho biết các nghị sĩ lưỡng đảng đang chốt lại dự luật cấm vận kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara khởi động chiến dịch mới nhất của họ.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch tấn công các tay súng người Kurd  ở Đông Bắc Syria ngày 9-10-2019. (Nguồn: THX/TTXVN)
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch tấn công các tay súng người Kurd ở Đông Bắc Syria ngày 9-10-2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Về phần mình, ngoại trưởng các nước Anh và Hà Lan đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại đông bắc Syria, đồng thời kêu gọi kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ không tiếp tục đường hướng đang triển khai.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Syria?

"Chảo lửa" Syria "sôi sục" sau thông báo cuối tuần trước của Nhà Trắng về việc rút các lực lượng Mỹ đồn trú tại khu vực, mở đường cho một chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ. Đáng chú ý thông báo đưa ra ngay sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thảo luận về việc thiết lập “vùng an toàn” tại miền Bắc Syria. Trong cuộc điện đàm, ông Erdogan đã tái khẳng định sự cần thiết phải thiết lập “vùng an toàn” nhằm loại bỏ nguy cơ từ đảng Công nhân người Kurd (PKK) và lực lượng Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), cũng như cho phép người tị nạn Syria hồi hương.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi chỉ trích quyết định của Tổng thống Mỹ gây ra mối đe dọa đối với an ninh và ổn định khu vực, đồng thời gửi đi một thông điệp tới Nga, Iran cũng như các đồng minh của Mỹ, rằng “Washington không còn là một đối tác đáng tin cậy”. Trong khi đó, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell tuyên bố, việc nhanh chóng rút các lực lượng Mỹ ra khỏi Syria sẽ làm gia tăng nguy cơ trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm khủng bố khác.

Ngay khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các đòn không kích vào phía đông bắc Syria, quốc tế đã lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ và cho rằng, đó là hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế về tôn trọng chủ quyền của Syria.

Hiện có gần 35 triệu người Kurd đang sống dọc biên giới các nước Iraq, Syria, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Vấn đề nan giải trong cuộc khủng hoảng người Kurd có từ thời hậu Thế chiến 1, sau sự sụp đổ của Đế chế Ottoman khi Pháp và Anh vẽ ra bản đồ cho một Trung Đông thất bại trong việc hòa đồng các nhóm thiểu số sống khắp khu vực, điều đã khiến người Kurd sống rải rác khắp 4 nước khác nhau. Suốt nhiều thập kỷ, họ đã đấu tranh để thành lập nhà nước người Kurd, trong khi đối mặt với các cuộc trấn áp từ các chính phủ. Điều này dẫn tới việc có nhiều nhóm người Kurd khác nhau khắp khu vực – một số là phiến quân, một số thì khác – như Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ, YPG ở Syria và Peshmerga ở Iraq cùng nhiều nhóm khác.

Đoàn xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ di chuyển gần thị trấn Akcakale thuộc tỉnh Sanliurfa, hướng tới biên giới Syria, ngày 8-10-2019.
Đoàn xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ di chuyển gần thị trấn Akcakale thuộc tỉnh Sanliurfa, hướng tới biên giới Syria, ngày 8-10-2019.

Khi IS trỗi dậy ở Trung Đông năm 2014 và chia cắt các đường biên giới phía tây khắp Syria và Iraq, thì người Kurd, một cách trùng hợp, nhận thấy chính mình là nhóm thành công nhất trong việc kiềm chế IS. Sau đó, được Mỹ hậu thuẫn chống lại IS, cuộc chiến đã lôi kéo nhiều nhóm người Kurd khác lại với nhau.

Tuy nhiên, đối với những nước như Thổ Nhĩ Kỳ, vốn có cuộc chiến kéo dài với người Kurd tại khu vực đông nam nước này, lại nhìn thấy một bối cảnh phức tạp. Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ đã vũ trang năm 1984 với mục đích thành lập khu vực tự trị người Kurd bằng vũ lực.

Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước khác trong đó có Mỹ, Australia coi PKK là một nhóm khủng bố. Dù các lãnh đạo người Kurd ở Syria nói rằng họ tách biệt với PKK thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn coi họ là nhánh mở rộng của PKK, và viễn cảnh về một lực lượng vũ trang người Kurd thống nhất, mạnh mẽ dọc biên giới đông nam của Thổ Nhĩ Kỳ là điều mà Ankara không bao giờ mong muốn.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN, SGGP)

 

 

 


Ý kiến bạn đọc