Multimedia Đọc Báo in

NATO đứng trước thách thức lớn do những bất đồng nội bộ

09:24, 29/11/2019
Ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa nhóm họp tại Brussels (Bỉ) với hàng loạt vấn đề đang được các nước đặc biệt quan tâm.
 
Ngoài việc chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh NATO (sẽ diễn ra vào ngày 3 và 4-12 tại London, Anh), Hội nghị Ngoại trưởng lần này đã phải đối diện với những hoài nghi về vị thế và vai trò của khối quân sự lớn hàng đầu thế giới trong bối cảnh hiện nay.

“Chúng ta đang chứng kiến cái chết não của NATO”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra nhận định chua chát về tổ chức quân sự lớn nhất thế giới này ngay trước dịp kỷ niệm 70 năm thành lập NATO. Phát biểu của Tổng thống Macron thể hiện sự thất vọng và bất mãn cao của Pháp trước thực trạng hiện nay của NATO. Dù nhiều nước NATO phản đối phát biểu của ông Macron và vẫn ca ngợi NATO song thực tế là NATO đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, thế giới đã thay đổi nhanh chóng và NATO buộc phải thích ứng với môi trường hoàn toàn mới. Đối thủ của tổ chức này đa dạng và phức tạp hơn, không chỉ từ phía Đông như trong suốt chiều dài lịch sử mà nay xuất hiện ở cả hướng Nam. Không gian và hình thức xung đột cũng mở rộng ra ngoài khuôn khổ quy ước truyền thống: vũ trụ, không gian mạng, các thành phố châu Âu bị chủ nghĩa khủng bố tấn công. Ngay cả trên bàn cờ chính trị, phương Tây cũng đang phải đau đầu đối phó với sự can thiệp từ bên ngoài thông qua các chiến dịch tung tin giả.

Toàn cảnh Hội nghị Ngoại trưởng NATO ở Brussels, Bỉ.  Ảnh: THX/TTXVN
Toàn cảnh Hội nghị Ngoại trưởng NATO ở Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Từ sau sự kiện 11-9, trong khi Mỹ tăng cường đầu tư để phát triển sức mạnh quân sự, châu Âu lặng lẽ cắt giảm ngân sách quốc phòng, nhất là giai đoạn sau khủng hoảng tài chính 2008, khiến cho sự mất cân bằng giữa hai bờ Đại Tây Dương ngày càng trầm trọng. Trong vòng 20 năm qua, tỷ trọng của Mỹ trong chi tiêu quốc phòng của NATO đã tăng mạnh từ 50% lên 70%.

Một yếu tố quan trọng khác, là thái độ của Mỹ đối với châu Âu. Washington không chỉ nhìn bằng "con mắt thiếu thiện cảm" tiến trình hội nhập châu Âu, đặc biệt là ý định của một số nước đi đầu là Pháp muốn thúc đẩy xây dựng lực lượng quân sự chung châu Âu, mà sự quan tâm chiến lược cũng hướng sang nơi khác. Trong tầm nhìn dài hạn của các nhà lãnh đạo Mỹ thì Trung Quốc, chứ không phải Nga, mới là đối thủ cạnh tranh chiến lược chủ yếu. Sự chú ý của Mỹ nay là châu Á; do đó châu Âu dần dần giảm tầm mức quan trọng. Tất cả các yếu tố đó kết hợp lại khiến cho thái độ của Mỹ đối với châu Âu thay đổi. Washington chỉ trích và gây sức ép đối với các đối tác châu Âu trên hàng loạt vấn đề, từ chia sẻ gánh nặng tài chính tới năng lực chiến đấu của binh sĩ. Mỹ cũng phê phán đồng minh dựng hàng rào bảo hộ thị trường công nghiệp quốc phòng, trợ cấp cho các tập đoàn vũ khí nội địa.

Bên ngoài những vấn đề có tính chất cơ cấu như vậy, NATO còn phải đối mặt với rất nhiều bất đồng nội bộ lớn rất khó giải quyết: cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào lực lượng người Kurd, một đồng minh quan trọng của phương Tây trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria gần đây, hay quyết định của Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

NATO thực sự đứng trước thử thách rất lớn về sự gắn kết, tác động mạnh tới lựa chọn hướng đi trong tương lai. Theo đánh giá của một nhà ngoại giao châu Âu, đã và sẽ có một “cuộc đối thoại lớn” để xác định phương hướng ngay trong lòng NATO.

Tại Hội nghị Ngoại trưởng vừa qua, NATO đã thông qua hai chiến lược đáng chú ý: Thứ nhất, NATO xem không gian vũ trụ là nơi cạnh tranh chiến lược trong những năm tới và sẽ đầu tư vào đó để ganh đua với Nga và Trung Quốc. NATO tuyên bố không quân sự hóa không gian, tức không đưa vũ khí lên không gian vũ trụ nhưng sẽ phát triển năng lực bảo vệ các vệ tinh quân sự và dân sự của khối này. Tiếp đến, NATO sẽ theo dõi chặt chẽ và phân tích tác động của việc Trung Quốc liên tiếp gia tăng chi tiêu quân sự trong hơn một thập kỷ qua. Đây là hai chiến lược mới, bên cạnh các chính sách cũ như coi Nga là mối đe dọa với NATO hay kêu gọi các nước thành viên sớm hoàn tất yêu cầu tăng ngân sách quốc phòng hằng năm lên mức 2% GDP.

Đáng chú ý hơn cả  là việc các nước Pháp và Đức đưa ra đề xuất lập các nhóm thảo luận về tương lai chính trị của NATO. Đề xuất của Đức khiêm tốn hơn, đó là lập một ủy ban dưới sự điều hành của Tổng thư ký NATO để thảo luận về tương lai NATO và sẽ tổng hợp thành một báo cáo trình lên Hội nghị Thượng đỉnh các nguyên thủ NATO vào năm 2021, trong khi Pháp muốn lập hẳn một nhóm chuyên gia gồm các nhà ngoại giao và chính trị gia kỳ cựu, thảo luận độc lập về các đường lối chính trị, về các mục tiêu, các giá trị của NATO cũng như tham vọng riêng của châu Âu.

Thực tế cho thấy Mỹ chưa dễ quay lưng lại với NATO. Trước hết, là một công cụ chiến tranh hoàn hảo, NATO không chỉ cần cho châu Âu mà rất cần cho Mỹ. NATO chính là đòn bẩy để nâng đỡ sức mạnh toàn cầu của Mỹ và mạng lưới các căn cứ quân sự của Mỹ tại châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, tạo điều kiện cho họ nhanh chóng hành động, can thiệp vào các khu vực có tầm quan trọng chiến lược như Trung Đông, Bắc Phi, răn đe các đối thủ như Nga, Iran. NATO còn là thị trường lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Về phía châu Âu, kế hoạch thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc phòng và tăng cường sự tự chủ về quân sự của châu Âu chỉ đạt được những bước tiến rất nhỏ. Nhiều nước Đông Âu, trong đó có ba nước Baltic là Latvia, Litva, Estonia, cộng với Ba Lan, Hungary… vẫn ưu tiên quan hệ với Mỹ nhằm duy trì “chiếc ô” an ninh.

Có thể hiểu thái độ của ông Trump “hắt hủi” NATO thực ra chỉ là một đòn phép nhằm làm tăng sức nặng của Mỹ trong cuộc mặc cả với đồng minh. Nhà Trắng đã chính thức thông báo Tổng thống Donald Trump sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh kỷ niệm thành lập NATO vào đầu tháng 12. Cuộc hội ngộ này sẽ không êm ả vì các vấn đề gai góc nhất nhưng nó cho thấy NATO vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chính sách an ninh và đối ngoại của Mỹ và không dễ gì thay thế được.

Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.