Multimedia Đọc Báo in

Thảm kịch từ những đường dây buôn người

09:54, 02/11/2019
Trong những ngày qua, thảm kịch 39 người nhập cư bất hợp pháp thiệt mạng trong chiếc xe container đông lạnh tại hạt Essex của Anh đã khiến cả thế giới bàng hoàng.
 
Hành trình sinh tử
 
Cảnh sát Pháp cho rằng 100% người nhập cư bất hợp pháp đều thông qua các mạng lưới buôn người, được tổ chức chặt chẽ và thay đổi liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu và đối phó với các biện pháp kiểm soát của cảnh sát.
 
Các con đường chính để vào châu Âu hiện nay không thay đổi nhiều so với trước kia. Đại đa số người nhập cư tiếp cận châu Âu bằng đường bộ hoặc qua biển Địa Trung Hải, thông qua ba tuyến chính: Tuyến đường trung tâm, nối Libya và Tunisia đến Malta và đặc biệt là Italy, hoạt động mạnh nhất vào năm 2016 và 2017. Nhưng vì hành trình dài và nguy hiểm, nên số người di cư qua ngả này ngày càng giảm, với khoảng 12.000 người trong 9 tháng đầu năm nay.
 
Tuyến đường phía Tây, nối Maroc và Tây Ban Nha, được sử dụng nhiều hơn: trên 17.000 người đã đến Andalusia (Tây Ban Nha) từ đầu năm. Tuyến đường phía Đông với Hy Lạp là điểm đến đầu tiên vẫn luôn đông đúc nhất, với con số 40.000 người di cư trong năm 2019. Ngoài ra có một số ngả đường khác, đi qua Nga hoặc Ukraine để đến Trung Âu, hoặc trực tiếp Bắc Âu và Scandinavia, thường được sử dụng để đưa những người nhập cư bất hợp pháp từ các nước châu Á vào Anh.
 
Đặc biệt, các đường dây đưa người di cư sang Anh từ Calais (Pháp) và các cảng biển của Bỉ, Hà Lan thực sự là một vấn đề lớn, bởi Anh được xem là “miền đất hứa” đối với nhiều người ở các nước đang phát triển có hy vọng “đổi đời”. Theo Chính phủ Anh, từ đầu năm tới nay, lực lượng chức năng nước này đã ngăn chặn hơn 1.000 người nhập cư bất hợp pháp. Còn số người nhập cư bất hợp pháp “thành công” thì chưa rõ. Lần cuối cùng, Chính phủ Anh cố gắng ước tính số lượng người nhập cư bất hợp pháp ở nước này là năm 2005, với con số được báo cáo là 430.000 người, song theo nhiều nhà quan sát, số thực tế cao hơn rất nhiều.
 
Các mạng lưới buôn người châu Âu thường hợp tác chặt chẽ với những băng nhóm tội phạm tại các quốc gia khởi hành hoặc quá cảnh. Hoạt động tội phạm này cũng ngày càng tinh vi hơn. Một số mạng lưới thậm chí còn cung cấp dịch vụ VIP “từ cửa đến cửa” với chỗ nằm thoải mái trong cabin xe tải và hệ thống thanh toán từ xa. 
 
Một chiếc xe tải di chuyển qua trạm kiểm soát ở Cailas (Pháp), trong hành trình tới Anh ngày 17-9-2019.        Ảnh: AFP/TTXVN
Một chiếc xe tải di chuyển qua trạm kiểm soát ở Cailas (Pháp), trong hành trình tới Anh ngày 17-9-2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol), toàn bộ hành trình có thể có giá từ 22.000 - 33.000 USD. Tuy nhiên, hầu hết người di cư không thể đủ khả năng chi trả cho một dịch vụ “VIP” bất hợp pháp như vậy. Họ tìm đến các phương tiện và con đường rẻ hơn, đầy bất trắc và nguy hiểm đến tính mạng. Trong số 6.600 chuyến đi dọc theo tuyến đường Balkan được Europol ghi nhận năm 2018, khoảng 80% người di cư đã được vận chuyển bằng ô tô tải và container trong các khoang chứa bí mật “rủi ro cao”.
 
Châu Âu có phải là “miền đất hứa”?
 
Châu Âu vẫn luôn được tin là "vùng đất đổi đời" với những người di cư. Mỗi ngày, vẫn có hàng trăm người luôn tìm cách vượt biên theo nhiều cách khác nhau, từ trèo qua hàng rào ở Morocco để tới lãnh thổ Tây Ban Nha, chen chân trong xe tải từ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc lên tàu di chuyển sang các nước có "chính sách mềm" với người nhập cư tại Liên minh châu Âu (EU). Họ hy vọng sẽ đến được các quốc gia có chính sách chào đón, thậm chí hỗ trợ người di cư xây dựng cuộc sống ổn định.
Theo Liên hiệp quốc, tổ chức đưa người nhập cư bất hợp pháp đã trở thành hoạt động sinh lãi nhất sau buôn bán ma túy. Cơ quan Cảnh sát châu Âu ước tính buôn người tạo ra một “sản nghiệp” trị giá 3 - 6 tỷ euro/năm (3,3 - 6,7 tỷ USD/năm) trên lục địa này.

Ở châu Âu, sử dụng người nhập cư là một cách để mở rộng thị trường lao động, với chi phí thấp hơn so với thuê lực lượng lao động bản địa. Mặt khác, tỷ lệ sinh ở châu Âu cũng đang ở mức thấp. Các quốc gia này cần người nhập cư nhiều năng lực, sức trẻ và kỹ năng để làm những việc mà dân bản địa không thể hoặc không muốn làm. Do vậy, ngày càng nhiều người nhập cư đã tìm cách vượt biên vào châu Âu cùng giấc mơ đổi đời.

Tuy nhiên, không giấy phép làm việc, không biết ngôn ngữ tại nước sở tại, người nhập cư không thể có được những công việc chính thức. Nghĩa là, họ phải chấp nhận rất nhiều thiệt thòi như đồng lương thấp, không được mua bảo hiểm, công việc không ổn định, hay bị phân biệt đối xử mà không được một tổ chức, nghiệp đoàn nào bảo vệ. Khi đau ốm cũng không dám đi bệnh viện chữa trị vì không có bảo hiểm y tế và sợ lộ tung tích. Nói chung không sống yên vì lúc nào cũng nơm nớp sợ bị cảnh sát bắt và trục xuất bất cứ lúc nào.
 
Cuộc khủng hoảng nhập cư của EU kể từ năm 2015 đến nay cho thấy sự thiếu thống nhất trong các chính sách nhập cư của khối này. Nhiều nước thành viên từ chối áp dụng hạn ngạch nhập cư, ngày càng thắt chặt cơ hội cho những người di cư được nhập cảnh, trong khi dòng người đến châu Âu ngày càng gia tăng. Tờ The Guardian của Anh trước thảm kịch tại Essex đã đặt ra một câu hỏi: Liệu những chính sách nhập cư khắt khe, những hành động tiếp nhận di dân dè dặt và cả những biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ của EU có phải là một phần lý do khiến hàng triệu người chấp nhận dấn thân vào những hành trình dài và nguy hiểm hơn, để tự tìm cơ hội đến nơi mà họ coi là "vùng đất hứa"?
 
Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.