"Hòa giải và đoàn kết" - Thông điệp 2020 của Anh sau sóng gió Brexit
Trong Thông điệp Giáng sinh, Nữ hoàng Anh Elizabeth II nhấn mạnh tới giá trị của sự hòa hợp và hòa giải dân tộc, đặc biệt là sau một năm tiến trình Brexit luẩn quẩn đã khoét sâu hơn những bất đồng vốn đã sâu sắc ở "đảo quốc sương mù". Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng khẳng định giờ là thời điểm nhắc nhở người dân Anh "suy ngẫm về năm cũ" và nhấn mạnh "những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới".
“Hòa giải và đoàn kết” có lẽ là điều cần thiết đối với nước Anh khi bước vào năm 2020 sau một năm 2019 với quá nhiều biến động và sóng gió.
Cũng cách đây 1 năm, trước kỳ Giáng sinh năm 2018, Thủ tướng Anh khi đó là Theresa May đã phải hoãn đưa thỏa thuận Brexit của bà ra thông qua tại Quốc hội vì nguy cơ thất bại quá hiển nhiên. Tuy nhiên, việc lùi lại đến đầu năm mới 2019 cũng không thay đổi được gì. Trong lần bỏ phiếu thông qua tại Hạ viện ngày 15-1-2019, bà May đã phải gánh chịu thất bại nặng nề nhất trong lịch sử chính trị Anh hiện đại, với 432 phiếu phản đối và chỉ có 202 phiếu ủng hộ thỏa thuận mà bà đã phải khó khăn lắm mới đạt được. Vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện một ngày sau đó song thỏa thuận Brexit của bà May một lần nữa thất bại với chênh lệch 149 phiếu trong lần thông qua tiếp theo vào trung tuần tháng 3. Dấu mốc 29-3-2019 để thực hiện Brexit được chờ đợi từ 2 năm trước đã trôi qua như một ngày vô danh.
Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) và người đồng cấp Ireland Leo Varadkar. |
Sang tháng 4-2019, thời hạn chót cho Brexit được đẩy lùi xuống ngày 31-10-2019, Thủ tướng Theresa May buộc phải quay sang tìm kiếm sự ủng hộ của phe đối lập trong vô vọng với thất bại trong nỗ lực bỏ phiếu lần cuối cùng. Trong thời gian “hỗn loạn” sau đó tại Nghị viện, 8 “biến thể” về chủ đề Brexit, trong đó có cả phương án trưng cầu dân ý lần hai, bị chính các nghị sĩ tự đưa ra thăm dò và cũng tự mình bác bỏ. Và điều tất yếu đã phải đến khi bà May tuyên bố ra đi vào đầu tháng 6, trở thành Thủ tướng Anh thứ hai, sau người tiền nhiệm David Cameron, ghi tên mình vào “danh sách nạn nhân” của tiến trình Brexit nghiệt ngã.
Ngày 24-7-2019 đánh dấu sự bắt đầu của “kỷ nguyên Johnson” khi cựu Thị trưởng London dễ dàng vượt qua cuộc đua trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ và Thủ tướng Anh với 66% số phiếu ủng hộ. Với những tuyên bố rùm beng về việc chuẩn bị cho Brexit không thỏa thuận, Thủ tướng Johnson còn mạnh miệng tuyên bố “Brexit hay là chết” và bắt tay vào đàm phán lại thỏa thuận Brexit để cam kết đưa nước Anh rời EU vào ngày 31-10-2019.
Tháng 8-2019, nước Anh bước vào một cuộc “khủng hoảng hiến pháp” vì Brexit, khi Thủ tướng Anh đệ trình và được Nữ hoàng chấp thuận “treo” Quốc hội trong 5 tuần, bất chấp sự phản đối của Nghị viện. Tình hình càng trở nên bế tắc khi Thủ tướng Anh công khai tuyên bố sẽ theo đuổi phương án “Brexit” không thỏa thuận trong đàm phán với EU để gây sức ép đối với Quốc hội. Các nghị sĩ Anh thuộc mọi phe phái đã đồng loạt “nổi loạn” và tự thông qua Đạo luật Benn nhằm ngăn chặn kịch bản này - với quy định nếu không có thỏa thuận Brexit nào được thông qua trước thời hạn chót 31-10 thì Chính phủ Anh buộc phải đề nghị xin lùi thời hạn Brexit.
Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại phiên họp Hạ viện ở London ngày 20-12-2019. |
Trong khi Nội các gọi đạo luật Benn là “sự đầu hàng” thì các nghị sĩ tự hào gọi đây là một cuộc “đảo chính hiến pháp” để giành lại quyền kiểm soát. Thủ tướng Anh mạnh tay khai trừ 21 nghị sĩ Bảo thủ “nổi loạn” nhưng tình hình càng trở nên bế tắc trong cuộc chiến giữa Nội các và Nghị viện, khi Tòa án Tối cao Anh tuyên bố đề nghị “treo” Quốc hội của Chính phủ là “trái phép và không có hiệu lực”.
Bước ngoặt được tạo ra vào ngày 10-10 sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Cộng hòa Ireland Leo Varadkar và Thủ tướng Anh Boris Johnson. Tiếp đó Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier được bật “đèn xanh” để thúc đẩy đàm phán với Anh. Chỉ 5 ngày sau, một thỏa thuận được hai bên công bố, trong đó Bắc Ireland được giữ trong liên minh thuế quan chung với phần còn lại của Vương quốc Anh, nhưng lại tuân thủ theo luật của EU, tạo ra một ranh giới trên biển Ireland với công việc phân định hàng hóa và dịch vụ phức tạp sẽ do một ủy ban chung (EU-Anh) giải quyết.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã may mắn hơn người tiền nhiệm Theresa May khi “canh bạc chính trị” bằng bầu cử sớm của ông phát huy tác dụng và mang lại cho đảng Bảo thủ quyền kiểm soát Hạ viện, cùng với đó là việc gần như chắc chắn Brexit sẽ được thực hiện đúng thời hạn ngày 31-1-2020. |
Mọi việc tưởng chừng như sẽ diễn ra suôn sẻ sau khi thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Johnson đã được Quốc hội Anh ủng hộ lần đầu tiên. Tuy nhiên, trong phiên họp đặc biệt vào ngày 19-10, ông Johnson lại thất bại trong việc thúc đẩy Quốc hội thông qua và ban hành thành luật với thỏa thuận Brexit dài 110 trang trong khoảng thời hạn vài ngày để kịp thời hạn Brexit 31-10-2019, đồng nghĩa với việc Thủ tướng Anh phải “muối mặt” gửi thư xin EU gia hạn thời điểm Brexit sang năm 2020.
Ít ai ngờ cuộc bầu cử sớm diễn ra chỉ hơn 2 tuần trước Giáng sinh lại có thể mang đến triển vọng sáng sủa đến thế cho tiến trình Brexit, sau một năm 2019 với quá nhiều biến động và sóng gió. Với việc đảng Bảo thủ giành đa số ghế áp đảo tại Hạ viện trong cuộc bầu cử ngày 12-12, khoảng cách 80 ghế so với các đảng đối lập, khả năng Thủ tướng Anh thất bại trong việc thông qua thỏa thuận Brexit là cực thấp, nếu như không nói là hoàn toàn không thể xảy ra.
Lạc quan như vậy nhưng năm 2020 cũng là một năm then chốt với nước Anh, được đánh giá thậm chí còn khó khăn hơn việc đưa nước Anh ra khỏi EU. Nếu vào nhìn thực tế Anh và EU đã phải mất đến 3 năm cho một thỏa thuận Brexit chung chung, thì thật khó có thể hình dung hai bên sẽ làm cách nào để chỉ trong vòng 11 tháng sẽ hoàn thành thỏa thuận thương mại mới thay thế cho quan hệ kinh tế đang quá gắn kết và phụ thuộc lẫn nhau.
Rõ ràng thách thức vẫn chưa khép lại và các nhà lãnh đạo Anh đang muốn tựa vào sức mạnh của “sự đoàn kết và hòa hợp dân tộc” là động lực để giúp Thủ tướng Johnson chèo lái con thuyền nước Anh vượt qua sóng gió của “cơn bão” Brexit.
Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)
Ý kiến bạn đọc