Căng thẳng Mỹ - Iran leo thang, cộng đồng quốc tế lo ngại
Trung Đông đang thực sự lâm vào cuộc khủng hoảng mới sau vụ máy bay không người lái của Mỹ tấn công sân bay quốc tế Baghdad ở Iraq hôm 3-1 khiến chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qasem Soleimani, thiệt mạng.
Tướng Soleimani được coi là nhân vật quyền lực thứ hai ở Iran, chỉ sau nhà lãnh đạo tối cao - Đại giáo chủ Ali Khamenei. Là một người cộng sự tin cậy và trung thành với ông Khamenei, Tướng Soleimani có ảnh hưởng lớn trong việc định hình chính sách đối ngoại của Tehran. Hay nói đúng hơn, ông chính là “đạo diễn” kiêm “tác giả” của nhiều chính sách cũng như chiến lược của Tehran đối với Syria, Iraq, Liban, Dải Gaza… Trong hầu hết mọi cuộc xung đột ở Trung Đông, Tướng Soleimani được giới phân tích khu vực đánh giá là có vai trò đáng kể trong việc thúc đẩy cán cân quyền lực trong khu vực theo chiều hướng có lợi cho Tehran. Do vậy, cái chết của nhân vật nhiều ảnh hưởng này chắc chắn sẽ là một đòn giáng mạnh vào tham vọng và bộ máy quân sự của Iran.
Tại Iran, lễ tang Tướng Qasem Soleimani diễn ra ngày 6-1 đã biến thành một cuộc "biểu dương lực lượng" với sự tham gia của hàng trăm nghìn người. Các nhân vật cấp cao nhất của Iran cũng liên tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn về hành động "trả thù" mạnh mẽ nhất nhằm vào Mỹ, với cảnh báo rằng vụ sát hại Tướng Qasem Soleimani sẽ khiến Washington phải đối mặt với "ngày đen tối". Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron ngày 7-1, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh: "Mỹ phải biết rằng an ninh và lợi ích của họ tại khu vực đang lâm vào cảnh nguy hiểm và Mỹ không thể thoát những hậu quả do tội ác này gây ra". Theo ông Rouhani, việc Mỹ sát hại Tướng Soleimani đã làm tăng sức mạnh tinh thần đoàn kết của người dân Iran, cũng như của người dân Iraq "lên mức cao nhất từ trước đến nay".
Người dân Tehran tuần hành phản đối vụ không kích của Mỹ. |
Năm ngày sau vụ không kích của Mỹ, sáng sớm 8-1, Iran đã bắt đầu các hành động trả đũa, với việc nã nhiều tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ Mỹ ở Iraq. Những vụ không kích này có nguy cơ làm leo thang căng thẳng khu vực, thậm chí là một cuộc chiến tranh trực tiếp giữa Mỹ và Iran. Cộng đồng quốc tế và cả giới chính trị Mỹ đã không khỏi lo ngại.
Tại Washington, các nhà lãnh đạo của cả hai đảng chính trị lớn tại Mỹ là Dân chủ và Cộng hòa đều cho biết đang chờ đợi thêm thông tin liên quan tới cuộc tấn công tên lửa của Iran nhằm vào các lực lượng do Mỹ lãnh đạo tại Iraq, đồng thời kêu gọi chính quyền đảm bảo an toàn và an ninh cho những quân nhân Mỹ.
Cuộc tấn công đáp trả của Mỹ đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến giữa Mỹ và Iran. Các đồng minh của Mỹ đã bắt đầu rời Baghdad. Canada, hiện dẫn dắt nhiệm vụ huấn luyện của NATO, cho biết họ đã rút một phần trong số 500 quân. Hầu hết số quân NATO rút đi được cho là sẽ tới Kuwait. Giới quan sát cho rằng những lời đe dọa leo thang quân sự ở Tehran có thể khiến các nhà lãnh đạo Iran không có nhiều lựa chọn ngoài việc thực hiện một cuộc phản công lớn. Điều này cũng đã khiến các căn cứ của Mỹ ở Kuwait, Iraq, Jordani và Saudi Arabia được đặt trong tình trạng cảnh giác tối đa.
Hàng chục nghìn người tham dự lễ tang Tướng Qassem Soleimani tại Tehran, Iran ngày 6-1. |
Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi ngừng ngay lập tức việc sử dụng vũ khí trong cuộc xung đột tại Trung Đông giữa Iran và Mỹ, đồng thời hối thúc các bên liên quan khởi động đối thoại. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhấn mạnh cần phải chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng vũ khí để nhường chỗ cho đối thoại. Bà hối thúc các nỗ lực khởi động đối thoại tháo gỡ tình hình phức tạp hiện nay tại Trung Đông. Quan chức cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell nhấn mạnh không có bên nào được hưởng lợi trong vòng xoáy bạo lực mới này, đồng thời cảnh báo các diễn biến mới có thể gây tổn hại tới cuộc chiến chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters bày tỏ lo ngại về sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran, đồng thời nhấn mạnh giờ là lúc các bên cần kiềm chế để tạo cơ hội cho ngoại giao.
Đức và Anh đã lên tiếng phản đối các vụ tấn công tên lửa của Iran. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer ngày 8-1 đã mạnh mẽ lên án các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran nhằm vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq vào sáng cùng ngày, đồng thời kêu gọi Tehran chấm dứt "vòng xoáy" xung đột. Anh cũng chỉ trích các vụ tấn công tên lửa của Iran vào các căn cứ quân sự ở Iraq, nơi các lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu (trong đó có quân nhân Anh) đồn trú. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói: "Chúng tôi lên án vụ tấn công nhằm vào các căn cứ quân sự Iraq có các lực lượng liên quân - bao gồm cả các lực lượng Anh, đồn trú. Chúng tôi hối thúc Iran không tái diễn hoạt động tấn công liều lĩnh và nguy hiểm này, thay vào đó theo đuổi việc khẩn trương giảm leo thang".
Trung Quốc cũng ra tuyên bố hối thúc Mỹ và Iran kiềm chế và giải quyết mâu thuẫn thông qua đối thoại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nêu rõ tình hình Trung Đông đang ngày càng xấu và Bắc Kinh một lần nữa kêu gọi giải pháp hòa bình cho xung đột hiện nay.
Nhật Bản đã hối thúc tất cả các bên liên quan thực hiện nỗ lực ngoại giao để ngăn chặn tình trạng căng thẳng leo thang ở Trung Đông. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh Tokyo "quan ngại sâu sắc" trước tình hình căng thẳng leo thang, đồng thời cho hay Nhật Bản sẽ tiếp tục thực hiện các nỗ lực ngoại giao riêng bằng các phối hợp chặt chẽ với các nước liên quan.
Mọi nỗ lực quốc tế nhằm làm dịu căng thẳng đều đang được triển khai. Trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron điện đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani về tình hình khẩn cấp tại khu vực, thì Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng duy trì liên lạc thường xuyên với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres không ngừng kêu gọi các bên kiềm chế. |
Hồng Hà (Theo TTXVN,VOV)
Ý kiến bạn đọc