Multimedia Đọc Báo in

Anh chính thức rời khỏi EU: Vẫn còn nhiều chông gai

15:12, 07/02/2020

23 giờ (giờ GMT) ngày 31-1 (tức 6 giờ sáng 1-2 giờ Việt Nam), nước Anh chính thức ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), chấm dứt 47 năm là thành viên của khối thương mại khu vực lớn nhất hành tinh này.

Câu chuyện dài Brexit

Câu chuyện Brexit bắt nguồn từ cuộc trưng cầu dân ý ở Anh giữa năm 2016, song "mầm mống" của lần chia tay định mệnh này có lẽ đã xuất hiện từ trước đó rất lâu với những tranh cãi dai dẳng giữa Anh và EU về mối quan hệ hai bên.

Ngày 1-1-1973, Vương quốc Anh chính thức trở thành thành viên EU. Tuy nhiên "tuần trăng mật" của mối quan hệ Anh - EU không kéo dài. Ngay đầu thập niên 1980, Chính phủ của Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đã có những tranh cãi với EU về việc đóng góp cho ngân sách của khối này. Đến những năm 1990, mâu thuẫn giữa Anh và EU tiếp tục nảy sinh, Anh quyết định rút khỏi Cơ chế tỷ giá hối đoái (ERM) của châu Âu năm 1992 và sau đó là không tham gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu năm 1997.

Mâu thuẫn giữa Anh và EU bị đẩy lên đỉnh điểm vào ngày 29-3-1996 khi Ủy ban châu Âu công bố lệnh cấm xuất khẩu toàn cầu đối với thịt bò của Anh do những lo ngại liên quan đến bệnh bò điên. Các chính trị gia và cả những người nông dân Anh đều cảm thấy độc lập chủ quyền quốc gia bị tổn thương nặng nề khi họ không còn được tự quyết định, mà Brussels mới có quyền cho phép Anh được bán sản phẩm của mình ở đâu trên thế giới.

Người dân ủng hộ Brexit tuần hành bên ngoài Quảng trường Nghị viện Anh ở London ngày 31-1-2020.
Người dân ủng hộ Brexit tuần hành bên ngoài Quảng trường Nghị viện Anh ở London ngày 31-1-2020.

20 năm sau, câu hỏi về tư cách thành viên của Anh trong EU được chính thức đưa ra tại cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6-2016 với gần 52% cử tri Anh đã lựa chọn “Ra đi” và nước Anh bước vào một giai đoạn đầy khó khăn và bất ổn.

Các cuộc đàm phán căng thẳng giữa Anh và EU, những cuộc tranh cãi trong nội bộ nước Anh về việc ra khỏi EU như thế nào đã diễn ra triền miên trong suốt hơn 3 năm qua. Hai cuộc tổng tuyển cử sớm được tổ chức tại Anh mới có thể đưa đến được việc hạ viện nước này, sau những rạn nứt và chia rẽ nghiêm trọng trong nội bộ, thông qua Luật Brexit nhằm cho phép nước Anh ra khỏi EU vào ngày 31-1-2020.

Còn nhiều khó khăn

Sau ngày 31-1, nước Anh bước vào giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 11 tháng. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, Anh sẽ tiếp tục được hưởng các quyền lợi cũng như phải gánh những nghĩa vụ như khi là thành viên EU. Công dân Anh không còn là công dân EU, nhưng sẽ vẫn được tự do đi lại giữa các nước thành viên EU như trước đây.

Anh sẽ tiếp tục phải tuân thủ các quy định và pháp luật của EU, tiếp tục đóng góp vào ngân sách của khối, nhưng nước này bị đẩy ra khỏi các thể chế chính trị của EU: các nghị sĩ Anh tại Nghị viện châu Âu phải "khăn gói" về nước, Anh không còn ghế trong các cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU cũng như không còn tiếng nói trong vô số các cơ quan kỹ thuật của khối...

11 tháng chuyển tiếp này là quãng thời gian quan trọng để Anh và EU đàm phán và thông qua một thỏa thuận quy định các mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai. Sau gần 50 năm gắn kết và hội nhập, mối quan hệ giữa Anh và EU đã trở nên sâu rộng và vô cùng phức tạp. Do đó, thỏa thuận trên sẽ phải bao gồm rất nhiều lĩnh vực từ mua bán hàng hóa đến dịch vụ, từ quyền tự do đi lại, quyền của người lao động đến các vấn đề như bảo vệ môi trường, trợ cấp nhà nước, an ninh...

 

Người dân ủng hộ Brexit tập trung tại Quảng trường Nghị viện Anh ở London, chào mừng thời khắc 23 giờ GMT tối 31-1-2020, thời điểm Anh chính thức rời EU. 
Người dân ủng hộ Brexit tập trung tại Quảng trường Nghị viện Anh ở London, chào mừng thời khắc 23 giờ GMT tối 31-1-2020, thời điểm Anh chính thức rời EU.

Đây là một thỏa thuận toàn diện và đầy tham vọng, nhưng giữa Anh và EU vẫn còn tồn tại bất đồng trong nhiều lĩnh vực. EU muốn tiếp tục được đánh bắt cá trong vùng biển của Anh, nơi mà tàu thuyền của các nước EU mỗi năm khai thác khoảng 700.000 tấn hải sản. Anh thì yêu cầu được tiếp tục tự do tiếp cận thị trường dịch vụ tài chính của EU, lĩnh vực hằng năm mang lại cho Anh gần 100 tỷ USD thặng dư.

Không muốn Anh trở thành đối thủ kinh tế trong tương lai, EU yêu cầu Anh phải tiếp tục tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn về trợ cấp nhà nước. Ở chiều ngược lại, Thủ tướng Boris Johnson muốn nước Anh, sau khi rời EU, phải xây dựng các quy định của riêng mình, rời xa các tiêu chuẩn và quy định của EU...

Thực tế cho thấy, cuộc đàm phán giữa EU và Anh ngày 3-2 đã bộc lộ những mâu thuẫn liên quan đến thỏa thuận thương mại hậu Brexit, khi hai bên đã đưa ra những tầm nhìn rất khác nhau về mối quan hệ tương lai.

Có thể nói nước Anh chưa thể hoàn thành việc rời EU vào ngày 31-1 và câu chuyện Brexit sẽ còn tiếp diễn trong cả năm 2020, thậm chí dài hơn nữa.

Gần 3 ngày sau khi nước Anh chính thức rời khỏi EU, hai bên đã đưa ra mục tiêu đàm phán của mình, trong đó nổi lên một câu hỏi là liệu London có chấp nhận tuân thủ các quy định của EU để đảm bảo hoạt động thương mại không giới hạn hay không. Hai bên đều muốn đạt được một thỏa thuận thương mại, nhưng Anh đã đặt ra thời hạn cuối năm nay, còn EU cảnh báo nếu Thủ tướng Boris Johnson muốn một thỏa thuận không thuế quan, không hạn ngạch, ông sẽ phải tuân thủ các quy định của khối này nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng. Tuy nhiên, ông Johnson cho biết ông sẽ không làm như vậy, đồng thời hứa hẹn chính phủ của ông sẽ ủng hộ thương mại tự do và kiên quyết bảo vệ “chủ quyền” của nước này.

Ngoài vấn đề yêu cầu Anh phải chấp nhận các quy tắc của EU để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, EU hôm 3-2 cũng đưa ra điều kiện được cho là gây chia rẽ nhất trong đàm phán. Theo Trưởng đoàn đàm phán Liên minh châu Âu, thỏa thuận thương mại tự do phải bao gồm sự nhất trí về vấn đề đánh cá, qua đó đảm bảo sự tiếp cận thị trường và vùng biển một cách công bằng. Điều kiện thứ hai này là một vấn đề nhạy cảm, có liên quan đến nhiều nước thành viên. Những nước như Pháp, Đan Mạch có nhu cầu tiếp tục được đánh bắt thủy sản tại các vùng lãnh hải của Anh được cho là dồi dào hải sản. Ngược lại, Anh cũng xuất khẩu 80% thủy hải sản vào EU.

Thời gian 11 tháng của giai đoạn chuyển tiếp để hoàn tất một thỏa thuận toàn diện như vậy cũng là một thách thức đối với cả Anh và EU. Do đó, nhiều người cho rằng 11 tháng mới chỉ đủ để các cơ quan chuyên môn của EU chuẩn bị các tài liệu và dịch ra các ngôn ngữ khác nhau cho quốc hội 27 nước thành viên xem xét thông qua, chưa có thời gian để Anh và EU đàm phán thỏa thuận thương mại toàn diện và đầy tham vọng đó.

Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)

 

 


Ý kiến bạn đọc