Multimedia Đọc Báo in

Thế giới "gồng mình" chống dịch Covid-19

09:44, 27/03/2020

Những ngày này, đại dịch Covid-19 là mối quan tâm lớn nhất của các quốc gia trên thế giới. Covid-19 đang ngày càng lây lan trên toàn cầu, tác động đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội của các quốc gia. Cả thế giới đang “gồng mình” chống dịch…

Các quốc gia trên khắp châu Âu đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt hạn chế các hoạt động nơi công cộng để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Italy đã ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc vào ngày 9-3, yêu cầu 60 triệu cư dân “ở yên trong nhà”, đi lại trong nước đã bị cấm ngoại trừ vì lý do y tế hoặc các vấn đề khẩn cấp. Những người vi phạm lệnh phong tỏa sẽ bị phạt từ 400 - 3.000 euro (tương đương 430 đến 3.227 USD) hoặc tới 3 tháng tù giam.

Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 14-3, ban hành lệnh giới nghiêm chung cho hơn 46 triệu người dân nước này; đồng thời đóng cửa biên giới với các nước láng giềng châu Âu. Chính phủ Pháp tuyên bố phong tỏa toàn quốc vào ngày 17-3, cấm tất cả các cuộc tụ họp công cộng và yêu cầu người dân ở trong nhà, ngoại trừ mua sắm tạp hóa và các nhu yếu phẩm khác. Những hành vi vi phạm lệnh phong tỏa có thể phải đối mặt với mức phạt từ 135 - 3.700 euro và có thể lên tới 6 tháng tù giam.

Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại New York, Mỹ trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng.
Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại New York, Mỹ trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng.

Không giống như các nước châu Âu khác, Đức đã ngừng việc yêu cầu hơn 80 triệu dân ở trong nhà, thay vào đó nước này chọn các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt được ban hành ngày 22-3. Cấm các cuộc tụ họp nơi công cộng quá hai người, ngoại trừ gia đình và những người sống cùng nhau. Mọi người được phép tập thể dục ngoài trời một mình, và giữ khoảng cách ít nhất 1,5 m với người khác. Tuy nhiên, các bang Bavaria và Saarland đã ban hành lệnh phong tỏa với cư dân, yêu cầu cư dân “hãy ở yên trong nhà”.

Chính phủ Anh đã ra lệnh phong tỏa vào ngày 23-3, hạn chế mọi người đi ra ngoài đường, nếu ra ngoài thì chỉ đi một mình và chỉ để mua sắm thực phẩm, nhu cầu y tế và đi làm nếu công việc không cho phép làm việc tại nhà. Ngày 16-3 Áo đã ban hành lệnh cấm gần 9 triệu công dân của mình tham gia các hoạt động nơi công cộng, trừ một số trường hợp cụ thể như đi đến hiệu thuốc, cửa hàng tạp hóa và đến cây rút tiền ATM. Không cho phép các nhóm hơn 5 người tụ tập nơi công cộng. Áo cũng đóng cửa biên giới với nước láng giềng Italy và Thụy Sĩ.

Các nước Mỹ Latinh cũng đang siết chặt các biện pháp kiểm soát để ngăn chặn dịch Covid-19. Ngày 24-3, Chính phủ Paraguay đã ra lệnh đóng toàn bộ các cửa khẩu biên giới cho tới hết ngày 29-3; các công dân Paraguay và người nước ngoài thường trú tại Paraguay sẽ được đưa đi cách ly bắt buộc tại các doanh trại quân đội khi nhập cảnh.

Ngoài ra, các máy bay thương mại quốc tế cũng không được phép hạ cánh tại các sân bay của Paraguay trong thời gian trên, trừ các máy bay chở hàng. Còn Mexico ngừng cấp hộ chiếu cho các công dân trong nước và cũng như các công dân của nước này đang sinh sống ở nước ngoài từ ngày 27-3 đến ngày 19-4.

Với số người nhiễm và tử vong đang tăng lên, Chính phủ Mexico đã tuyên bố dịch Covid-19 đã chuyển sang giai đoạn 2 (cấp độ lây lan cộng đồng). Chính phủ sẽ tăng cường các biện pháp bảo vệ những người dễ bị tổn thương, dừng tất cả các sự kiện tập trung trên 100 người, đình chỉ các hoạt động không cần thiết trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Cảnh sát Italy kiểm tra giấy tờ của hành khách tại nhà ga tàu hỏa Roma Termini ở Rome ngày 23-3. (
Cảnh sát Italy kiểm tra giấy tờ của hành khách tại nhà ga tàu hỏa Roma Termini ở Rome ngày 23-3. 

Lo ngại dịch bệnh lan rộng, Chính phủ Panama đã quyết định gia hạn lệnh giới nghiêm, đồng thời yêu cầu tất cả người dân tự cách ly cả ngày trong nhà kể từ ngày 25-3. Quốc hội Guatemala cũng đã thông qua dự luật gia hạn tình trạng khẩn cấp do dịch Covid-19 thêm 30 ngày. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Mỹ Latinh, hãng hàng không Avianca lớn thứ hai ở khu vực đã quyết định đình chỉ tất cả các hoạt động vận chuyển hành khách.

Để đối phó với sự lây lan của dịch Covid-19, chính phủ các nước châu Phi tiếp tục áp dụng các biện pháp mạnh mẽ nhằm giảm thiểu tác động của bệnh dịch. Kể từ ngày 25-3, Ai Cập áp đặt lệnh giới nghiêm từ 19 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau. Lệnh giới nghiêm này sẽ kéo dài trong 15 ngày; quy định dừng tất cả các hoạt động giao thông cá nhân và công cộng, cũng như đóng cửa tất cả các cửa hàng trong khung thời gian giới nghiêm. Kể từ 24-3, lực lượng quân đội Algeria đã bắt đầu áp đặt lệnh giới nghiêm tại thủ đô Algiers trong thời gian 10 ngày, với khung thời gian từ 19 giờ đến 7 giờ sáng ngày hôm sau. Algeria cũng áp đặt lệnh giới nghiêm tương tự đối với thị trấn đã bị phong tỏa Blida, vốn là trung tâm của vùng dịch lớn nhất tại nước này.

Tại khu vực Tây Phi, Tổng thống Senegal Macky Sall và Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara cũng đã ban bố lệnh về “tình trạng khẩn cấp” trên toàn lãnh thổ hai nước này. Trong khi đó, vào ngày 24-3 dù chưa xác nhận ca nhiễm Covid-19 nào nhưng Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng trong thời hạn 12 tháng. Nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi rút, Văn phòng Tổng thống Nam Phi cho biết sẽ thành lập một nhóm chuyên gia dịch tễ học để giúp chính phủ đưa ra những biện pháp phù hợp. Tại Maroc, quân đội đã triển khai xe thiết giáp để thực thi tình trạng khẩn cấp, sau khi có nhiều người vẫn đi cầu nguyện bất chấp lệnh cấm. Lệnh tình trạng khẩn cấp y tế tại Maroc đã có hiệu lực từ tối 20-3. Các đền thờ tại Maroc đều đã đóng cửa, trong khi giới chức tôn giáo kêu gọi các tín đồ cầu nguyện ở nhà. Người dân được yêu cầu ở trong nhà, các phương tiện giao thông công cộng và việc đi lại giữa các thành phố đều bị hạn chế cho đến ngày 20-4. Những đối tượng vi phạm sẽ bị phạt đến 3 tháng tù và 1.300 dirham (tương đương 135 USD).

Các nước châu Á, Trung Đông, Mỹ cũng đang quyết liệt tiến hành các biện pháp dập dịch. Cùng với đó là triển khai các biện pháp cứu trợ, tài chính để tránh những thiệt hại nặng nề của khủng hoảng kinh tế - xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, các bộ trưởng tài chính thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã lên tiếng ủng hộ ý tưởng về việc vay khoản tín dụng tương đương khoảng 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) nhằm ứng phó với những tác động kinh tế tiêu cực từ dịch Covid-19; chính giới Mỹ đã đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ 2.000 tỷ USD nhằm cung cấp lực đẩy cho nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng…

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)

 


Ý kiến bạn đọc