Châu Âu tìm giải pháp cứu nguy cho nền kinh tế giữa đại dịch Covid-19
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 7-7 cảnh báo, nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được dự báo sẽ rơi vào suy thoái sâu trong năm nay do dịch Covid-19. Lãnh đạo khu vực kêu gọi các thành viên đoàn kết, thỏa hiệp để cùng hành động vượt qua khó khăn.
Cao ủy EU về Kinh tế Paolo Gentiloni cho biết, đại dịch Covid-19 đã tác động đến nền kinh tế khu vực EU xấu hơn so với dự đoán trước đó. Pháp, Italy, Tây Ban Nha là những nước chịu suy thoái nặng nề nhất (trên 10%).
EC cho biết việc điều chỉnh con số dự báo nêu trên xuất phát từ thực tế tiến độ khôi phục hoạt động kinh tế của các nước thành viên chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 chậm trễ hơn so với dự tính trước lo ngại về làn sóng dịch bệnh thứ hai tại khu vực này cũng như tại Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 hiện nay.
Trước đó, cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) ngày 2-7 thông báo tỷ lệ thất nghiệp ở 19 quốc gia Eurozone trong tháng 5 vừa qua tăng 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước lên 7,4% trong bối cảnh chính phủ các nước Eurozone đưa ra các chương trình hỗ trợ thị trường lao động thiết thực để giảm tác động xấu của việc bùng phát đại dịch Covid-19 đối với người lao động. Tại Đức - nền kinh tế lớn nhất Eurozone, khoảng 6,7 triệu người vẫn đang nhận được các chương trình hỗ trợ tiền lương trong tháng 6 vừa qua. Chương trình hỗ trợ tiền lương sẽ chi trả ít nhất 60% tiền lương cho những nhân viên đang giảm hoặc giờ làm việc bằng 0.
Các cửa hàng tại Potsdam, Đức đóng cửa do dịch Covid-19. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tân Thủ tướng Pháp Jean Castex ngày 8-7 tuyên bố Pháp sẽ không phong tỏa như trước kể cả khi Covid-19 tái bùng phát. Theo ông Jean Castex, việc phong tỏa toàn quốc trong thời gian qua tại Pháp có hậu quả khủng khiếp và nước Pháp sẽ không thể gánh nổi các tác động kinh tế - xã hội nếu thực hiện việc phong tỏa toàn diện lần thứ hai. Theo các số liệu kinh tế được Pháp đưa ra trong thời gian qua, việc tiến hành phong tỏa đất nước gần 3 tháng (từ 18-3 đến 11-5) đã đẩy nước Pháp vào một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Tăng trưởng kinh tế Pháp năm 2020 dự báo sẽ ở mức âm gần 10%, thâm hụt ngân sách khoảng 120 tỷ euro và nợ công tăng thêm 3%, đã vượt mức 100% GDP nước này (101,2%).
Sau cuộc gặp với người đồng cấp Bồ Đào Nha ngày 7-7 ở Lisbon, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nhận định, các nước thành viên EU không còn nhiều thời gian để cứu nguy cho nền kinh tế. Ông nhấn mạnh đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng chưa từng có, đe dọa trở thành cuộc khủng hoảng “kinh tế và xã hội” nếu các thành viên không hỗ trợ lẫn nhau.
Ngày 8-7, phát biểu trong cuộc họp đầu tiên tại Nghị viện châu Âu ở Brussels với tư cách là Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi về sự hợp tác và gắn kết trên toàn châu Âu. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm thỏa hiệp cho gói cứu trợ kinh tế hàng tỷ USD cũng là trọng tâm chính đầu tiên của nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU của Đức.
Các chuyên gia cảnh báo, vật cản lớn nhất trên con đường phục hồi của EU và khu vực đồng tiền chung châu Âu chính là sự thiếu đoàn kết, tinh thần hỗ trợ lẫn nhau. Minh chứng khá rõ cho sự thiếu đoàn kết là ở đầu mùa dịch, EU đã không thể thuyết phục Pháp, Đức bãi bỏ lệnh kiểm soát xuất khẩu thiết bị y tế, khẩu trang, một hành động làm tổn hại nỗ lực tập thể trong ứng phó với Covid-19. Italy và Tây Ban Nha cũng từng chỉ trích các nước giàu hơn như Đức và Hà Lan về sự thiếu nhiệt tình đối với các kế hoạch giúp đỡ các nước Nam Âu ứng phó với tác động của dịch bệnh, hay như việc Anh loại Bồ Đào Nha ra khỏi danh sách các quốc gia được coi là đủ an toàn cho du lịch, khiến ngành du lịch Bồ Đào Nha mất đi nguồn khách lớn từ Anh.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại một khu chợ ở Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN |
Để tránh lặp lại các bất đồng, ngày 17-7 tới, các nhà lãnh đạo EU sẽ họp để thảo luận kế hoạch phối hợp kích cầu nền kinh tế và chống dịch Covid-19 mà trọng tâm là đề xuất của Ủy ban châu Âu bơm 750 tỷ euro vào nền kinh tế khu vực. Số tiền 750 tỷ euro bao gồm 500 tỷ viện trợ cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch Covid-19 và 250 tỷ euro vốn vay. Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi các nước nhất trí với gói kinh tế này, muộn nhất vào cuối tháng 7. Lường trước bất đồng quan điểm trong số 27 quốc gia thành viên, Cao ủy Paolo Gentiloni và Thủ tướng Đức Merkel cho rằng, các nước thành viên cần hành động trên tinh thần thỏa hiệp, trong bối cảnh khủng hoảng chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, dịch bệnh vẫn lây lan không ngừng và thế giới chưa đạt đỉnh dịch. Nhiều nước đã phải tuyên bố ngừng hoặc rút kế hoạch mở cửa trở lại trước đà lây lan của dịch bệnh. Đặc biệt đáng lo ngại khi WHO thừa nhận có bằng chứng về khả năng vi rút lây truyền qua không khí. WHO trước đó cho rằng vi rút gây bệnh Covid-19 lan truyền chủ yếu qua những giọt bắn nhỏ phát ra từ mũi và miệng của người mắc bệnh và sẽ nhanh chóng rơi xuống đất. Trong khi đó, một nghiên cứu mới của Tây Ban Nha cho thấy, miễn dịch cộng đồng đối với vi rút SARS-CoV-2 là không thể có được và các biện pháp giữ khoảng cách vật lý, vệ sinh và đeo khẩu trang vẫn là cách tốt nhất để kiểm soát dịch bệnh.
Theo dự báo kinh tế mùa hè 2020 của EU, GDP của khối sẽ giảm 8,3% trong năm 2020 và tăng trưởng trở lại ở mức 5,8% vào năm 2021. Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ suy giảm 8,7% năm 2020 và tăng trưởng 6,1% năm 2021. |
Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)
Ý kiến bạn đọc