Thế giới đánh giá cao kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 đã được tổ chức vào ngày 26-6. Đây là Hội nghị Cấp cao thường kỳ của ASEAN lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong lịch sử 53 năm của ASEAN. Tất cả các thành viên đại diện cho lãnh đạo các nước ASEAN đều tham dự đông đủ; có sự thống nhất, đồng thuận rất cao về những vấn đề quan trọng trong nội khối ASEAN.
Trên tinh thần thân thiện và hợp tác, các nước thành viên ASEAN đã bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng với 5 trọng tâm: Tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19 và chủ động đẩy mạnh phục hồi kinh tế - xã hội, hợp tác nội khối; tiếp tục xây dựng Cộng đồng vững mạnh theo các mục tiêu đã đặt ra cho năm 2020, đến nay có 96% số dòng hành động xây dựng Cộng đồng đang được tích cực hợp tác triển khai và định hướng Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025; mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ đối ngoại của ASEAN với các đối tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN; gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho hợp tác phát triển bền vững, thịnh vượng cho mọi người dân; đề cao tinh thần thiện chí và tuân thủ luật pháp, nhất là luật pháp quốc tế trong giải quyết những khác biệt tại khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. |
Các nhà lãnh đạo ASEAN đã bàn bạc, thảo luận kỹ về những diễn biến gần đây trong tình hình quốc tế và khu vực, kể cả những vấn đề nổi cộm trong khu vực châu Á và quốc tế. Lãnh đạo các nước ASEAN nhất trí tiếp tục thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn; tuân thủ luật pháp quốc tế thông qua đối thoại, hợp tác, tuân thủ Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 đạt được thống nhất cao, đưa ra được Tuyên bố chung của Hội nghị về một khu vực ASEAN an toàn, đoàn kết, gắn kết và chủ động thích ứng; đặc biệt là phòng ngừa dịch bệnh tốt, không để làn sóng dịch Covid-19 thứ hai trở lại khu vực này.
Những kết quả của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 đã được dư luận thế giới đánh giá cao, nhất là vai trò của Việt Nam trong cương vị Chủ tịch ASEAN 2020.
Ngày 28-6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Washington hoan nghênh Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 do Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì tổ chức. Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại ASEAN, ông Igor Driesmans, cho rằng bất chấp bối cảnh khó khăn, Hội nghị Cấp cao chính thức đầu tiên do Việt Nam tổ chức với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020 đã đạt được một số kết quả quan trọng. Với việc thông qua Tuyên bố "Tầm nhìn về một ASEAN gắn kết và đáp ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng", các nhà lãnh đạo ASEAN đã tái khẳng định cam kết theo đuổi các tiến bộ trên nhiều lĩnh vực, tiếp tục thúc đẩy Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Đặc biệt, Tuyên bố này ghi nhận sự cần thiết phải ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19, đồng thời thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội trong khu vực. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã nhất trí ủng hộ kế hoạch tổng thể về phục hồi của ASEAN bằng các hành động trên quy mô lớn nhằm tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế khu vực; thông qua một số sáng kiến quan trọng, bao gồm Quỹ ASEAN ứng phó với dịch Covid-19, Kho Dự trữ vật tư y tế khu vực, và Quy trình hoạt động tiêu chuẩn (SOP) cho phản ứng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. |
Đánh giá về vai trò của Việt Nam, lãnh đạo nhiều nước cũng như dư luận quốc tế đều cùng chung nhận định Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN trong 6 tháng vừa qua.
Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi cho rằng chủ đề của Năm Chủ tịch Việt Nam về xây dựng một “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” rất phù hợp với tình hình hiện nay, đồng thời khẳng định Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 là “minh chứng cụ thể” cho tình đoàn kết và vai trò lãnh đạo của ASEAN được thể hiện qua hợp tác khu vực mạnh mẽ. Tổng Thư ký Lim Jock Hoi đánh giá cao sự đóng góp của Việt Nam, đặc biệt là việc giúp đỡ một số nước thành viên ASEAN cũng như một số nước đối tác đối thoại trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19. Ông Lim Jock Hoi nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Việt Nam, các công việc cũng đang được tiến hành nhằm thiết lập “Quỹ ASEAN ứng phó với dịch Covid-19,” kho dự trữ vật tư y tế, và quy trình vận hành tiêu chuẩn trong các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã đánh giá tích cực thành công của ASEAN trong thời gian qua, trong khi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Lào Thongphane Savanphet khẳng định Việt Nam đã làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Theo Trưởng SOM ASEAN của Lào, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam đã dẫn dắt các nước ASEAN cùng hợp tác chống lại đại dịch Covid-19 cũng như trong các hoạt động khác. Chia sẻ đánh giá tương tự, Thủ tướng Campuchia Samdec Hun Sen khẳng định Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này phản ánh năng lực của Việt Nam trong dẫn dắt ASEAN, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Báo chí của ASEAN và nhiều nước đối tác ASEAN cũng đã đăng tải nhiều bài viết làm nổi bật vai trò của ASEAN, của Việt Nam trong vị trí là Chủ tịch luân phiên của khối, đánh giá cao những chủ đề và nội dung của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 đã đưa ra bàn thảo.
Hồng Hà (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc