Dư luận trái chiều về thỏa thuận bình thường hóa quan hệ Israel-UAE
Ngày 13-8 vừa qua, Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) công bố đã đạt một thỏa thuận lịch sử hướng tới việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao. Thỏa thuận được nhất trí trong một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Thái tử Abu Dhabi Mohammed Bin Zayed.
Các quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết thỏa thuận sẽ được biết đến với tên gọi Hiệp ước Abraham; theo thỏa thuận, Israel nhất trí ngừng áp đặt chủ quyền đối với các khu vực thuộc Bờ Tây mà đã được thảo luận sáp nhập. Với thỏa thuận này, UAE là quốc gia Arab thứ ba bình thường hóa quan hệ với Israel (sau Ai Cập ký năm 1979 và Jordan ký năm 1994).
Đánh giá về sự kiện này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng đây là “một kỷ nguyên mới mở ra giữa Israel và thế giới Arab”, đồng thời miêu tả cả Israel và UAE, những quốc gia ngày càng phát triển trên thế giới, sẽ "biến sa mạc khô cằn thành vùng đất nở hoa". Phát biểu tại Jerusalem, ông Netanyahu tuyên bố: “Chúng tôi sẽ thiết lập một nền hòa bình chính thức và hoàn toàn, một thỏa thuận ngoại giao đầy đủ, với các đại sứ quán, các hoạt động đầu tư, thương mại, du lịch, các chuyến bay thẳng giữa Tel Aviv với Dubai và Abu Dhabi”. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Israel cũng nêu rõ ông sẽ chỉ "trì hoãn" chứ không từ bỏ hoàn toàn kế hoạch sáp nhập các khu định cư Bờ Tây. Về phần mình, Thái tử UAE Mohammed bin Zayed chỉ tuyên bố trên Twitter rằng: "Một thỏa thuận đạt được sẽ ngăn cản hành vi của Israel trong việc sáp nhập các vùng lãnh thổ Palestine. UAE và Israel cũng nhất trí sẽ hợp tác và thiết lập một lộ trình nhằm xây dựng quan hệ song phương".
Israel và UAE đã đạt một thỏa thuận bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao, do Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian. Nguồn: Getty Images |
Sự kiện này đã nhận được những phản ứng trái chiều của dư luận quốc tế.
Về phía Palestine, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã bác bỏ thỏa thuận nói trên giữa Israel và UAE. Chính quyền Palestine (PA) ngay lập tức đã triệu hồi Đại sứ Palestine tại UAE để phản đối thỏa thuận nói trên. Ngày 17-8, Thủ tướng Palestine Mohammed Ishtaye đã chỉ trích thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa UAE và Israel là đi ngược lại sự đồng thuận Arab trong vấn đề Palestine. Thủ tướng Ishtaye cũng bác bỏ quan điểm của UAE, trong đó cho rằng thỏa thuận trên đã giúp chặn đứng kế hoạch của Israel về sáp nhập các khu vực thuộc Bờ Tây. Ông cho rằng chính sự phản đối cứng rắn của Palestine mới giúp trì hoãn kế hoạch sáp nhập của Israel.
Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản đối thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và UAE. Ngày 14-8, Hãng Thông tấn quốc gia Iran (IRNA) dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran cho rằng thỏa thuận trên là "nguy hiểm và bất hợp pháp". Tehran cho rằng bước đi trên làm phương hại tới người Palestine. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích thỏa thuận lịch sử giữa Israel và UAE là nhằm viết lại trật tự chính trị Trung Đông, từ vấn đề Palestine cho tới cuộc chiến chống Iran. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh: Chính quyền Palestine và người dân Palestine đã đúng khi phản ứng mạnh mẽ trước thỏa thuận trên. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ "vô cùng lo ngại rằng UAE, thông qua hành động đơn phương, sẽ đặt dấu chấm hết cho Sáng kiến Hòa bình Arab do Liên đoàn Arab đề xuất và được Tổ chức Hợp tác Hồi giáo ủng hộ".
Trong khi đó, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa UAE và Israel, đồng thời tin tưởng thỏa thuận này sẽ đem lại hòa bình cho Trung Đông.
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh thỏa thuận do Mỹ làm trung gian giữa UAE và Israel, cho rằng thỏa thuận này có thể thúc đẩy hòa bình và an ninh tại Trung Đông.
Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Vladimir Dzhabarov cũng lên tiếng hoan nghênh quyết định của Israel về việc đình chỉ kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ Palestine. Theo ông Dzhabarov, thỏa thuận Israel-UAE sẽ góp phần bình thường hóa tình hình khu vực vốn đã vô cùng trầm trọng.
Đức cũng hoan nghênh thỏa thuận bình thường hóa quan hệ được đánh giá là lịch sử giữa Israel và UAE. Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đánh giá việc Israel và UAE bình thường hóa quan hệ "là một đóng góp quan trọng cho nền hòa bình trong khu vực". Ông nêu rõ: "Chúng tôi hy vọng thỏa thuận này sẽ là sự khởi đầu cho những diễn biến tích cực tiếp theo tại khu vực và sẽ tạo xung lực mới thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông".
Oman cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với thỏa thuận giữa Israel và UAE, đồng thời hy vọng bước đi này sẽ tạo điều kiện cho việc đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững tại Trung Đông. Chính phủ Nhật Bản cũng hoan nghênh thỏa thuận giữa Israel và UAE. Thư ký báo chí của Thủ tướng Nhật Bản - ông Tomoyuki Yoshida đã gọi quyết định ngừng sáp nhập các vùng đất của người Palestine là một "động thái tích cực" của Israel.
Theo các nhà phân tích Peter Baker, Isabel Kershner, David D. Kirkpatrick và Ronen Bergman nhận định trên New York Times, việc Israel và UAE bình thường hóa quan hệ cho thấy sự dịch chuyển về địa chính trị trong khu vực khi các nước Arab dòng Sunni ngày càng coi Iran là kẻ thù lớn hơn Israel, cũng như ít sẵn sàng hơn với việc tiến tới một nghị quyết nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine.
Nếu xét trên phương diện ngoại giao, thỏa thuận hòa bình Israel – UAE dường như góp phần vào sự hòa bình và ổn định của khu vực khi tạm dừng động thái sáp nhập khu Bờ Tây của Tel Aviv. Tuy nhiên, đằng sau đó, thỏa thuận này lại phản ánh những toan tính chính trị riêng của các bên cũng như sự thay đổi về nhận thức và sự dịch chuyển về địa – chính trị của khu vực.
Dù vậy, giống như Thủ tướng Netanyahu so sánh, thỏa thuận này giống như hoa nở trên sa mạc khô cằn, việc những bông hoa này tiếp tục phát triển hay không hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí và sự “chăm sóc” của những bên “ươm mầm”.
Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc