Mỹ bị cô lập trong vấn đề trừng phạt Iran
Trong những tuần gần đây, Mỹ đã nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong việc mở rộng lệnh cấm vận vũ khí của Liên hiệp quốc với Iran, theo dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 18-10 tới. Nhà Trắng cảnh báo, nếu lệnh cấm vận trên không được gia hạn, chính quyền Tổng thống Trump sẽ khôi phục tất cả lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc với Iran từng được thực hiện trước khi thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được năm 2015.
Ngày 19-9, Mỹ tuyên bố rằng tất cả các lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc trước năm 2015 đối với Iran đã được khôi phục. Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết các lệnh trừng phạt được tái áp đặt theo cơ chế "phản hồi" trên cơ sở Nghị quyết số 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Ông Pompep cũng tuyên bố Mỹ sẽ "áp đặt những hậu quả" nếu các nước thành viên Liên hiệp quốc không thực thi lệnh trừng phạt.
Ngày 21-9, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Bộ Quốc phòng Iran cũng như các cá nhân, thực thể khác liên quan tới chương trình vũ khí và hạt nhân của Tehran. Theo đó, lệnh trừng phạt nhằm vào hai nhân vật Hamid Reza Ghadirian và Ahmad Asghari Shiva'i, cho rằng hai nhân vật này nắm vai trò trung tâm trong chương trình làm giàu urani của Iran. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tổ chức năng lượng nguyên tử Iran (AEOI). Tổng thống Trump cũng đã ký một sắc lệnh "bật đèn xanh" cho các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ đối với các nước, công ty và cá nhân vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên hiệp quốc đối với Tehran.
Kỹ thuật viên Iran làm việc tại nhà máy làm giàu urani ở Isfahan. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuy nhiên, thay vì nhận được sự ủng hộ, Mỹ đang ngày càng bị cô lập vì động thái trên. Chính quyền Tổng thống Trump cho rằng, là một phần trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Mỹ vẫn có quyền hợp pháp để kích hoạt cơ chế "chuyền lùi". Tuy nhiên, 5 bên ký kết thỏa thuận còn lại gồm Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức nhận định, Mỹ đã mất vai trò hợp pháp kể từ khi Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận trên năm 2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Mỹ. Trước đó, vào ngày 14-8, nghị quyết của Mỹ về việc mở rộng vô thời hạn lệnh cấm vận vũ khí của Liên hiệp quốc với Iran, đã bị bác bỏ sau khi Nga và Trung Quốc sử dụng quyền phủ quyết của mình.
Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng phản đối việc Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc đối với Iran. Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã bác bỏ tuyên bố đơn phương của Mỹ về việc nối lại các lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc nhằm vào Iran. Ông Borrell cho biết Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018, do đó Washington "không thể khởi xướng quá trình khôi phục các lệnh trừng phạt theo nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc”. Ông Borrell cũng cho biết các cam kết về dỡ bỏ trừng phạt trong Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) tiếp tục được áp dụng. Là điều phối viên của Ủy ban hỗn hợp JCPOA, EU cam kết tiếp tục đảm bảo việc duy trì và thực hiện đầy đủ JCPOA của Iran và các bên tham gia khác. Đại diện cấp cao EU coi thỏa thuận này là trụ cột chính của cấu trúc không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tiếp tục thực thi thỏa thuận và kiềm chế "hành động có thể được coi là leo thang trong tình hình hiện tại".
Ngày 21-9, người phát ngôn Tổ chức năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi tuyên bố việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số nhà khoa học Iran vì tham gia chương trình hạt nhân của nước này là hành động vô nghĩa. Theo người phát ngôn AEOI, Washington đang cố gắng né tránh một loạt thất bại trong việc khôi phục các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Tehran. Cùng ngày, Chỉ huy đơn vị Không gian vũ trụ thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Amir Ali Hajizadeh cho biết quốc gia này sẵn sàng xuất khẩu vũ khí ngay sau khi lệnh cấm vận của Liên hiệp quốc hết hiệu lực vào ngày 18-10 tới. Trao đổi với báo giới, ông Hajizadeh cho biết lệnh cấm vận vũ khí của Liên hiệp quốc được dỡ bỏ sẽ là một thắng lợi chính trị quan trọng của Iran, sau khi Mỹ không thể vận động Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc gia hạn lệnh cấm này.
Cần phải nhắc lại rằng, năm 2015 Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) đã ký với Iran thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), theo đó Tehran cắt giảm hoạt động hạt nhân để đổi lấy sự nới lỏng trừng phạt, trong đó có việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí. Tuy nhiên, vào tháng 5-2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Để đáp trả, từ tháng 5-2019, Iran từng bước giảm bớt các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, trong đó có việc tăng giới hạn làm giàu urani. Iran cho rằng phản ứng này phù hợp với thỏa thuận JCPOA, nhưng Mỹ khẳng định Tehran vi phạm thỏa thuận và tìm cách áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc.
Lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak ở phía Nam thủ đô Tehran, Iran. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngay tại phiên họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc, Mỹ đã bị lên án vì gia tăng sức ép trừng phạt lên Iran. Tận dụng diễn đàn này, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã không ngừng chỉ trích Mỹ, khẳng định sức ép gia tăng của Mỹ nhằm vào quốc gia Hồi giáo này là vô ích. Iran sẽ kiên cường trước mọi sức ép.
Trong một tuyên bố cứng rắn, đồng minh của Mỹ - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nhấn mạnh, châu Âu không ủng hộ những bước đi mới nhất của Mỹ về Iran. "Châu Âu sẽ không nhượng bộ Mỹ liên quan động thái của Mỹ nhằm tái kích hoạt các biện pháp trừng phạt Iran. Động thái này của Mỹ có thể làm suy yếu Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và gia tăng căng thẳng ở Trung Đông", ông Macron nói.
Nhiều quốc gia như Cuba, Venezuela cũng lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào các quốc gia này.
Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc