Multimedia Đọc Báo in

Mỹ khởi động tiến trình chuyển giao quyền lực

08:16, 27/11/2020

Đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ các thành viên đảng Cộng hòa kêu gọi việc tôn trọng ý nguyện của người dân Mỹ, ngày 24-11, chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố chính thức khởi động tiến trình chuyển giao quyền lực.

Cùng ngày, ông Joe Biden, người được truyền thông Mỹ tuyên bố chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020 đã công bố đề cử nhân sự trong nội các của mình.

Với chiến lược “Nước Mỹ trở lại”, ông Biden giới thiệu đội ngũ an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại mới trong đó có nhiều người dày dặn kinh nghiệm trong chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama. Điều này cho thấy ý định của ông Biden là nhằm giảm bớt những ảnh hưởng của chính sách trong 4 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump. Trong số những đề cử cho các vị trí chủ chốt trong nội các mới của ông Biden, nổi bật nhất là ông Antony Blinken, người được chọn làm Ngoại trưởng. Những vị trí chủ chốt khác được đề cử trong nội các của ông Biden còn có ông Alejandro Mayorkas, được đề cử giữ chức Bộ trưởng An ninh Nội địa; bà Avril Haines, được đề cử vào chức vụ Giám đốc Tình báo quốc gia; bà Linda Thomas Greenfield, được đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc; ông Jeke Sullinvan, được đề cử làm Cố vấn An ninh Quốc gia; và cựu Ngoại trưởng John Kerry, được đề cử làm Đặc phái viên của Tổng thống về biến đổi khí hậu, một chức vụ hoàn toàn mới.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ đã khởi động tiến trình chuyển giao quyền lực sau khi Cơ quan Quản lý dịch vụ tổng hợp (GSA) tuyên bố ông Joe Biden có thể chính thức bắt đầu tiến trình nhận chuyển giao quyền lực.

Dự kiến, trong những ngày tới, nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden bắt đầu gặp gỡ các quan chức chính quyền liên bang để thảo luận các biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19, đảm bảo an ninh quốc gia cùng nhiều vấn đề khác.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, với ông Biden, giành được chiến thắng trong cuộc đua được đánh giá là kịch tính và cạnh tranh nhất trong lịch sử của Mỹ đã rất khó khăn, thế nhưng nhiệm vụ xây dựng đất nước còn khó khăn gấp bội trong bối cảnh hiện nay, khi cường quốc số một thế giới này phải đối mặt với một loạt các cuộc khủng hoảng về kinh tế, sức khỏe do đại dịch Covid-19 gây ra, phân biệt chủng tộc, cải cách hệ thống tư pháp và pháp luật, sở hữu súng đạn…

Khi trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ông Biden chính là khôi phục ngay lập tức nền kinh tế đang rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái như ông đã cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình.

Việc giải quyết đại dịch trong kế hoạch của ông Biden sẽ giúp khôi phục nền kinh tế trong thời gian ngắn hơn bằng cách bảo vệ người lao động khỏi đại dịch, thông qua việc sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để sản xuất nhiều thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) bảo vệ những người lao động cần thiết, kêu gọi xét nghiệm Covid-19 miễn phí cho toàn dân và thúc đẩy nghiên cứu và sản xuất vắc xin.

Kế hoạch phản ứng với đại dịch Covid-19 của ông Biden sẽ đảm bảo nghỉ phép vẫn được trả lương đối với những người bị nhiễm bệnh, hoặc những người đang chăm sóc bệnh nhân Covid-19; giãn nợ đối với các khoản vay dành cho sinh viên liên bang; cung cấp các khoản vay không lãi suất đối với các doanh nghiệp nhỏ đang phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến dịch Covid-19…

Song song với đó, chính quyền của ông Biden cũng sẽ triển khai các kế hoạch nhằm phục hồi suy thoái, hướng tới tương lai không phát thải khí nhà kính và tạo công ăn việc làm thông qua kế hoạch được tuyên bố là lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai với chương trình “Buy Americans,” theo đó sẽ chi 400 tỷ USD để mua các sản phẩm và dịch vụ của Mỹ. Chính quyền của ông Biden sẽ hiện thực hóa kế hoạch cơ sở kéo dài 10 năm, trị giá 1.300 tỷ USD, trong đó bao gồm khoản chi cho chương trình liên bang mới về nghiên cứu và đổi mới năng lượng sạch, hiện đại hóa trường học, sửa chữa đường, cầu và đường cao tốc trong năm đầu tiên nắm quyền, cơ sở hạ tầng ở nông thôn và các dự án phục vụ các khu vực nghèo đói.

Ông Joe Biden đã công bố lựa chọn nhân sự cho nội các của mình.
Ông Joe Biden đã công bố lựa chọn nhân sự cho nội các của mình.

Để giúp chi trả các khoản lớn, ông Biden sẽ đảo ngược một phần chính sách cắt giảm thuế của Tổng thống Trump nhằm gia tăng doanh thu liên bang thêm 3.300 tỷ USD trong 10 năm bằng cách tăng thuế đối với các công ty và những hộ có thu nhập cao. Ông Biden cũng sẽ thực hiện tăng hơn gấp đôi mức lương tối thiểu liên bang lên 15 USD một giờ. Ngược lại, các khoản khấu trừ thuế hoặc các khoản tín dụng cho người lao động cao tuổi, gia đình có con và người mua nhà lần đầu sẽ được thực hiện. Điều này nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách cho người lao động chi tiêu nhiều hơn, tăng cả nhu cầu và doanh thu kinh doanh.

Trên trường quốc tế, chính quyền ông Biden sẽ thực hiện chính sách kinh tế mang tính truyền thống hơn so với Tổng thống Trump, theo đó chuyển hướng sang một cách tiếp cận đa phương đối với thương mại để tạo ra các thỏa thuận mới cùng với việc tăng cường đầu tư để khôi phục vị thế dẫn đầu của Mỹ trong các công nghệ quan trọng.

Đối với các hiệp định thương mại, trái ngược với chủ nghĩa bảo hộ thương mại với quan điểm “nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump, chính quyền của ông Biden sẽ coi thương mại là phương tiện để tăng cường mối liên minh giữa Mỹ và các đồng minh, theo đuổi sự thịnh vượng chung, đồng thời có khả năng sẽ xem xét quay trở lại tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Tổng thống Trump đã rút khỏi trước đó.

Ngoài ra, chính quyền ông Biden cũng sẽ tìm cách hợp tác trong các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Liên hiệp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Như vậy, với kế hoạch tổng thể phục hồi nền kinh tế, ông Biden gần như đảo ngược mọi chính sách mà Tổng thống Trump thực hiện trong suốt 4 năm qua.

Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.