Liên minh châu Âu: Nỗ lực gắn kết để vực dậy sau đại dịch
Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2020 (diễn ra trong hai ngày 10 và 11-12) đã hoàn thành các mục tiêu lớn đặt ra sau hàng tháng thương lượng căng thẳng, đó là ngân sách dài hạn, gói phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19 và giảm khí phát thải. Kết quả trên cho thấy EU đã đạt được sự đoàn kết cần thiết để bước vào một giai đoạn vô cùng khó khăn sau đại dịch.
Cuối ngày làm việc đầu tiên, các nhà lãnh đạo EU nhóm họp tại Brussels (Bỉ) đã đạt được thỏa thuận để hai nước thành viên Ba Lan và Hungary từ bỏ quyền phủ quyết đối với ngân sách giai đoạn 2021 - 2027 và kế hoạch phục hồi sau đại dịch Covid-19 với tổng trị giá hơn 1.800 tỷ euro (gồm ngân sách dài hạn cho giai đoạn từ năm 2021 - 2027 trị giá 1.100 tỷ euro và gói phục hồi trị giá 750 tỷ euro). Kế hoạch ngân sách này lấy kinh phí từ một khoản vay chung và sẽ triển khai viện trợ cho các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng Covid-19 nhiều nhất. Nó cũng đặt nền tảng cho việc xây dựng cộng đồng một cách tổng thể và đoàn kết hơn, giúp thiết lập một cơ chế liên kết, dẫu chưa hoàn hảo, giữa tôn trọng pháp quyền với vấn đề thụ hưởng ngân sách và bảo vệ các giá trị của liên minh.
Về cơ bản, đây là một cơ chế có điều kiện cho việc thụ hưởng ngân quỹ, đó là phải tôn trọng nguyên tắc pháp quyền, điều từng bị Ba Lan và Hungary coi là “độc đoán và trái với các hiệp ước EU". Bất đồng chủ chốt này từng đe dọa khiến dự án của châu Âu đi chệch hướng. Để đạt thỏa hiệp, các nhà lãnh đạo EU đã gây sức ép với Hungary và Ba Lan, đe dọa rằng hai thành viên này không những bị đưa ra khỏi kế hoạch phục hồi mà còn có thể bị cắt giảm đáng kể trong kế hoạch ngân sách, như các quỹ gắn kết mà cả hai được hưởng lợi rất nhiều. “Cuộc mặc cả” đã thành công và Thủ tướng Hungary Viktor Orban, cũng như người đồng cấp Ba Lan Mateusz Morawiecki cuối cùng đã hài lòng với những chi tiết về việc thực hiện cơ chế về tôn trọng pháp quyền được ghi trong một thông cáo diễn giải.
Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Bỉ ngày 10-12-2020. |
Kế hoạch phục hồi lịch sử sẽ cho phép EU thúc đẩy chuyển đổi xanh và kỹ thuật số, hai ưu tiên chính của liên minh trong những năm tới.
Như vậy, với trên 1.800 tỷ euro từ ngân sách 2021 - 2027 và gói phục hồi, châu Âu đã xây dựng được một gói tài chính lớn nhất trong lịch sử khối này nhằm vực dậy sau đại dịch Covid-19. Đây được xem như là “kế hoạch Marshall” thứ hai trong lịch sử châu Âu, giống như kế hoạch Marshall sau Thế chiến II. Về mặt kinh tế, đây sẽ là những nguồn tiền cực kỳ quan trọng nhằm tái thiết châu Âu trong thời điểm mà gần như toàn bộ các nền kinh tế châu Âu đều khủng hoảng nghiêm trọng vì vòng quay phong tỏa - tái phong tỏa trong suốt năm 2020. Hầu hết các nền kinh tế châu Âu đều tăng trưởng âm. Do đó, việc nhận được các khoản tiền hàng chục tỷ euro trong những tháng tới từ gói phục hồi sẽ giúp các nước EU giảm nhẹ thiệt hại kinh tế, ngăn chặn làn sóng phá sản của các doanh nghiệp, qua đó giảm bớt nguy cơ bất ổn xã hội.
Trong khi đó, ngay trước thềm Giáng sinh, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, một số nước châu Âu bắt đầu áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn; đồng thời đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân.
Về mặt chính trị, gói phục hồi kinh tế sau đại dịch là một cột mốc lịch sử của châu Âu vì là lần đầu tiên toàn bộ các nước chấp nhận vay nợ chung và trả nợ chung để vực dậy sau đại dịch. Đây là một liên kết chính trị rất lớn, thể hiện quyết tâm chung của toàn bộ châu Âu trong việc duy trì khối này như một thực thể chính trị - kinh tế có chung vận mệnh. |
Những ngày qua, Đức ghi nhận thêm hàng chục nghìn ca mắc Covid-19, đưa tổng số người nhiễm ở nước này lên con số hàng triệu. Trước tình hình này, chính quyền Đức đã quyết định áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Toàn bộ các cửa hàng không thiết yếu tại Đức được lệnh đóng cửa, trừ cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc và ngân hàng. Các trường học tại Đức cũng kéo dài kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới đến ít nhất 10-1-2021. Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo, nước Đức sẽ phải đối mặt với hai tháng trước mắt vô cùng khốc liệt và kêu gọi dân chúng Đức hy sinh một phần kỳ nghỉ lễ cuối năm để kiểm soát dịch.
Chính quyền thủ đô Berlin của Đức cũng thông báo, bắt đầu từ ngày 27-12 tới, thủ đô Berlin cùng nhiều bang khác tại Đức sẽ chính thức tiến hành tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho những đối tượng ưu tiên, là những người già tại các trung tâm dưỡng lão. Vắc xin được Chính phủ liên bang Đức bật đèn xanh cho sử dụng sản phẩm được hai hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech nghiên cứu, chế tạo.
Tại Anh, Bộ trưởng Nhà ở Anh Robert Jenrick cho biết người dân nên tự quyết định về việc có nên gặp gỡ, tụ tập trong dịp lễ Giáng sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 hay không. Chính phủ Anh đang đối mặt với áp lực điều chỉnh kế hoạch nới lỏng hạn chế trong 5 ngày vào dịp Giáng sinh, do có nhiều lo ngại điều này sẽ tạo điều kiện cho người dân gặp gỡ và làm lây lan dịch bệnh. Dịch Covid-19 đang hoành hành mạnh tại Anh. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Anh chỉ xếp thứ hai tại châu Âu sau Italy. Số ca nhiễm tại Anh cũng không ngừng tăng, đặc biệt tại thủ đô London sau khi thành phố này áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hơn. Điều này đồng nghĩa với việc các quán rượu và nhà hàng sẽ đóng cửa, nhưng các cửa hàng vẫn tiếp tục hoạt động.
Trong khi đó tại Pháp, Thủ tướng Pháp Jean Castex cũng thông báo cho biết, Pháp sẽ tiêm vắc xin từ ngày 30-12. Chính phủ Italy cũng phát đi thông tin cho biết nước này sẽ triển khai tiêm vắc xin trong thời gian từ lễ Giáng sinh đến năm mới. Hiện Italy đã nhận được gói ban đầu 1,83 triệu liều vắc xin từ hai hãng Pfizer và BioNtech.
Ngoài Đức, Pháp, Italy, có ít nhất 5 nước châu Âu khác cũng đã ký văn bản phối hợp hành động trong đợt tiêm vắc xin tới. Trước diễn biến dịch nghiêm trọng và yêu cầu khẩn từ nhiều nước, Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) sẽ đẩy nhanh quy trình phê duyệt vắc xin.
Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc