Multimedia Đọc Báo in

Giải quyết những tác động của biến đổi khí hậu đối với an ninh thế giới

05:56, 26/02/2021

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (LHQ) ngày 23-2 đã tổ chức phiên họp cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ để thảo luận vấn đề tác động của biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh thế giới. Phiên họp diễn ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ chính thức quay trở lại Thỏa thuận khí hậu Paris 2015.

Phiên họp do Thủ tướng Anh Boris Johnson - nước chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an LHQ chủ trì, với sự tham dự của Tổng thống Pháp, Thủ tướng Ireland, Na Uy và lãnh đạo các nước khác. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Đặc phái viên Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu John Kerry cũng tham dự hội nghị.

Lãnh đạo và đại diện các nước thành viên Hội đồng Bảo an đã chia sẻ quan ngại chung về những tác động nghiêm trọng và đa chiều của biến đổi khí hậu, khẳng định mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và tình trạng bất ổn, xung đột, đồng thời bày tỏ mong muốn và đề xuất các giải pháp nhằm giúp Hội đồng Bảo an phát huy vai trò, tiếng nói phù hợp trong giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu đối với hòa bình, an ninh quốc tế.

Ngoài ra, cuộc họp cũng nhằm đánh giá về cam kết của các quốc gia phát triển hỗ trợ tài chính cho những nước kém phát triển, đối phó với tác động của biến đổi khí hậu. Hiện có nhiều lo ngại về nguy cơ không đạt được cam kết cung cấp 100 tỷ USD tài chính khí hậu hằng năm cho các quốc gia kém phát triển đối phó với biến đổi khí hậu. Dữ liệu mới nhất cho thấy số quỹ đạt được trong năm 2018 là 78,9 tỷ USD, giảm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris. Phần lớn nguồn tài chính hiện có cũng dành cho hoạt động giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thay vì giúp các quốc gia dễ bị tổn thương thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã nêu bật bốn lĩnh vực ưu tiên của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết những nguy cơ mà cuộc khủng hoảng khí hậu gây ra đối với nền an ninh và hòa bình. Ông Guterres khẳng định ưu tiên đầu tiên là cần tập trung hơn nữa vào công tác phòng ngừa "thông qua hành động khí hậu tham vọng và mạnh mẽ". Về vấn đề ưu tiên thứ hai, người đứng đầu LHQ cho rằng thế giới cần hành động khẩn trương để bảo vệ các quốc gia, cộng đồng và người dân trước những tác động tiêu cực của khí hậu đang ngày một gia tăng và nghiêm trọng hơn.

Cộng đồng quốc tế cần có sự đột phá về khả năng thích ứng và phục hồi, điều đó đồng nghĩa cần nâng mức đầu tư hơn nữa vào các biện pháp cho vấn đề này. Ưu tiên thứ ba là thế giới phải kiên trì theo đuổi quan điểm an ninh đặt con người làm trung tâm. Theo ông Guterres, những thiệt hại do đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra cho thấy sự tàn phá mà cái gọi là các mối đe dọa an ninh phi truyền thống có thể gây ra trên quy mô toàn cầu. Đối với vấn đề ưu tiên cuối cùng, ông Guterres cho rằng cần thúc đẩy và tăng cường hơn nữa các mối quan hệ đối tác trong và ngoài LHQ. Tổng Thư ký LHQ nêu rõ: "Chúng ta phải tận dụng và xây dựng dựa trên thế mạnh của các bên liên quan khác nhau, bao gồm Hội đồng Bảo an, Ủy ban Xây dựng hòa bình, các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức khu vực, khu vực tư nhân, giới học giả và các tổ chức khác".

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Nhận lời mời của Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại phiên họp. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tham dự và phát biểu tại một sự kiện trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an LHQ, thể hiện vai trò và đóng góp trách nhiệm của Việt Nam vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thách thức toàn cầu hàng đầu hiện nay.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh những hậu quả nghiêm trọng đối với trái đất và nhân loại do tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có tác động tiêu cực đối với an ninh, ổn định ở nhiều khu vực trên thế giới, đồng thời đưa ra khuyến nghị về bốn nhóm giải pháp căn cơ mà Hội đồng Bảo an cần tập hợp nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế trong hành động. Theo Thủ tướng, Hội đồng Bảo an cần có cách tiếp cận toàn diện, cân bằng khi xử lý vấn đề này, nhất là cần loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ của xung đột như nghèo đói, bất bình đẳng, chính trị cường quyền và can thiệp, áp đặt đơn phương.

Thủ tướng kêu gọi việc tuân thủ nghiêm túc Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế cần trở thành một chuẩn mực hành xử trong quan hệ quốc tế, nhấn mạnh Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế cần dành thêm nguồn lực hỗ trợ các nước chịu tác động của biến đổi khí hậu; mong muốn Hội đồng Bảo an tăng cường năng lực về cảnh báo, trung gian hòa giải, ngăn ngừa và giải quyết xung đột; bảo đảm tôn trọng chủ quyền, quyền tự chủ của quốc gia; đặt lợi ích chung của cộng đồng và mọi người dân, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương ở vị trí trung tâm trong các chiến lược, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp độ quốc gia và toàn cầu.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định mạnh mẽ chủ trương và quyết tâm chính trị cao của Việt Nam trong việc chủ động thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, đề cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, đồng thời khẳng định ủng hộ mọi nỗ lực giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu tại Hội đồng Bảo an và các diễn đàn đa phương khác, luôn hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ ASEAN và tích cực ủng hộ hợp tác ASEAN – LHQ trong lĩnh vực này.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.