Căng thẳng ngoại giao giữa Nga, Mỹ và phương Tây
Chỉ trong vài ngày qua, Mỹ, Ba Lan, Cộng hòa Séc và Bungari liên tiếp trục xuất các nhà ngoại giao Nga, đổi lại Nga cũng đưa ra các biện pháp tương tự. Có thể thấy rằng một vòng xoáy đối đầu mới lại xuất hiện trong mối quan hệ vốn chưa khi nào thôi căng thẳng giữa Nga và Mỹ nói riêng, Nga và phương Tây nói chung.
Liên tiếp các vụ trục xuất nhà ngoại giao
Ngày 20-4, Nga trục xuất hai nhà ngoại giao Bungari. Động thái này tiếp nối quyết định trước đó của Nga trục xuất các nhà ngoại giao Cộng hòa Séc và Ba Lan trong 5 ngày qua, cho thấy quan hệ giữa Nga và các nước châu Âu đang xấu đi rõ rệt.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, hai nhà ngoại giao của Bungaria là những "nhân vật không được hoan nghênh" và sẽ phải rời khỏi Nga trong vòng 72 giờ tới. Theo Bộ Ngoại giao Nga, hai nhà ngoại giao bị trục xuất là Bí thư thứ nhất phụ trách lãnh sự Nikolay Panayotov và Bí thư thứ nhất phụ trách kinh tế - thương mại Chavdar Khristozo.
Hồi tháng 3, Bungari cũng đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga sau khi công tố viên cáo buộc 6 người, trong đó có các sĩ quan tình báo quân sự, làm gián điệp cho Nga.
Vụ trục xuất các nhà ngoại giao Bungari là vụ việc mới nhất trong hàng loạt lệnh trục xuất các nhà ngoại giao giữa Nga và nhiều nước châu Âu. Làn sóng trục xuất ngoại giao giữa Nga và phương Tây bắt nguồn từ khi Cộng hòa Séc tuần trước bất ngờ tuyên bố trục xuất 18 nhà ngoại giao Nga do nghi ngờ các cơ quan tình báo của Nga dàn dựng một vụ nổ kho đạn trên lãnh thổ nước này vào năm 2014.
Trong tuyên bố ngày 20-4, Ngoại trưởng Séc Jan Hamacek cho biết, nước này sẵn sàng cho mọi khả năng, thậm chí là xây dựng các mối quan hệ từ sự đổ vỡ. Có nghĩa là Séc sẵn sàng trục xuất toàn bộ nhân viên ngoại giao Nga về nước. Ông Hamacek thậm chí còn đề nghị các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trục xuất các nhà ngoại giao Nga để thể hiện sự đoàn kết sau tranh cãi ngoại giao giữa Séc và Nga .
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga đã gọi việc Séc trục xuất các nhà ngoại giao Nga là “một bước đi thù địch nhằm làm hài lòng Mỹ trong bối cảnh các lệnh trừng phạt gần đây của Mỹ đối với Nga”. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, Nga không phải là phía khiến căng thẳng gia tăng: “Hành động của các nước này là gây hấn và khó lường. Nga coi đó là hành vi phá hoại quan hệ song phương. Chúng tôi kêu gọi các nước bình tĩnh và từ bỏ cơn loạn thần chống Nga ồ ạt như vậy”.
Đại sứ quán Nga ở Prague (Cộng hòa Séc). Ảnh: Reuters |
Xu thế đối đầu hay hợp tác?
Những vụ trục xuất các nhà ngoại giao ồ ạt giữa Nga và các nước phương Tây đánh dấu mối quan hệ giữa hai bên đang ở mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Những động thái này càng cho thấy hai bên dường như đang ngày càng đi xuống trong quan hệ song phương khi trước đó chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, Nga và các nước thành viên EU như Hà Lan, Italy, Đức, Thụy Điển liên tiếp trục xuất các nhà ngoại giao của nhau.
Việc trục xuất ngoại giao giữa Nga, Mỹ, Ba Lan và Cộng hòa Séc chỉ trong vài ngày qua được đánh giá là đợt trừng phạt và "ăn miếng trả miếng" cứng rắn nhất kể từ năm 2018, sau vụ cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal được cho là bị đầu độc tại Anh mà phương Tây luôn cáo buộc do Moskva gây ra, dù Nga nhiều lần bác bỏ.
Điều đáng nói, Washington đã công bố hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất một cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Ngoài việc trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga, trong gói biện pháp công bố ngày 15-4, phía Mỹ đã áp đặt trừng phạt khoảng 40 cá nhân và thực thể của Nga. Ba Lan và Séc ngay sau đó cũng thông báo trục xuất lần lượt 3 và 18 nhà ngoại giao Nga.
Đáp lại, phía Nga trục xuất 10 nhà ngoại giao Mỹ, 3 nhà ngoại giao Ba Lan và 20 nhà ngoại giao Séc.
Lâu nay, mối quan hệ Nga - Mỹ vẫn trong trạng thái "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" nhưng việc Washington áp đặt gói trừng phạt ngoại giao và kinh tế đối với Moskva chỉ vài ngày sau đề xuất về một cuộc gặp thượng đỉnh song phương được xem là dấu hiệu rõ ràng cho thấy chính quyền Tổng thống Biden đang theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn hơn trong quan hệ với Nga.
Chuyên gia Charles Kupchan thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Washington nhận định nếu như trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, chính sách đối với Nga bị đánh giá "mập mờ và thiếu cụ thể" thì định hướng này sẽ rõ ràng và quyết liệt hơn dưới thời Tổng thống Biden.
Chính quyền của ông Biden được cho sẽ không khơi lại hy vọng "cài đặt lại" quan hệ với Moskva và điều này làm dấy lên khả năng quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới sẽ chủ yếu nghiêng nhiều về cán cân "đối đầu" thay vì "hợp tác".
Trong khi đó, quan hệ giữa Nga và EU cũng đang ở mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tháng 3 vừa qua, Nghị viện châu Âu ra một nghị quyết tuyên bố Nga không còn là một "đối tác chiến lược" của EU, trong khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định nước này "sẵn sàng cắt đứt hoàn toàn quan hệ" nếu EU tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc với Moskva.
Giới phân tích nhận định về bản chất, đối đầu Nga - Mỹ hay Nga - phương Tây có liên quan tới cuộc cạnh tranh địa - chính trị và tranh giành ảnh hưởng, vị thế trên trường quốc tế cũng như những mâu thuẫn lợi ích cốt lõi. Tuy nhiên, trong gần 20 năm qua, không ít lần Nga - Mỹ hay Nga - EU nhắc tới khả năng “tái cài đặt” quan hệ song phương. Nói cách khác, Nga cũng như Mỹ và phương Tây vẫn nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ song phương ổn định. Bởi xét cho cùng, trong một thế giới toàn cầu hóa, Nga, Mỹ, EU hay các nước khác đều có sự ràng buộc nhất định cả về chính trị, an ninh, kinh tế.
Hồng Hà
(Theo TTXVN, VOV)
Ý kiến bạn đọc