Multimedia Đọc Báo in

Đài tưởng niệm Holocaust ở Berlin (Đức):

Ý tưởng độc đáo về lên án nạn diệt chủng

16:55, 25/05/2021

Có dịp đến Berlin (CHLB Đức), du khách không thể bỏ qua một địa chỉ: Công viên Holocaust  - Đài tưởng niệm những nạn nhân bị Đức quốc xã thảm sát trong các trại tập trung mà chủ yếu là người Do Thái.

Cánh đồng bia mộ

Công viên Holocaust nằm ngay cạnh Cổng Bradenburg (công trình cổ biểu tượng của thành phố Berlin). Đó là một khu đất khoảng 2 ha với các khối xi măng xám mịn, kích thước dài rộng tầm 1 m x 2,7 m, còn cao thì không đồng đều, được xếp đặt theo hàng lối cách đều nhau. Khoảng cách các hàng chỉ vừa đủ một người đi. Thoạt nhìn người ta liên tưởng đến mô hình những chiếc quan tài hay những nấm mộ khối chữ nhật.

 

Du khách tham quan Đài tưởng niệm Holocaust.
Du khách tham quan Đài tưởng niệm Holocaust.

 

Đi dọc các hàng ra giữa công viên thấy mặt đất ngày càng thấp dần. Ban đầu các khối xi măng chỉ cao tầm vài tấc đến nửa mét, càng đi các khối xi măng cao dần vượt quá đầu người tới vài mét... Đến lúc thấy tối sầm, thoáng chút rờn rợn, lo lắng, sợ hãi, phải quay đầu lại, cố đi thật nhanh để chạy thoát khỏi khu vực gần giống với một khu hầm mộ. Trở về nơi xuất phát, nhìn bao quát toàn bộ khung cảnh, du khách có cảm tưởng vừa đi qua “một tầng địa ngục” –  đó là cánh đồng bia mộ mà các khối bê tông như những tấm bia không ghi tên.

Và đó là chính là “khúc dạo đầu”, một cánh cửa mở vào “Holocaust”.

Holocaust – cuộc diệt chủng của Đức Quốc xã

Từ “Holocaust” được nhiều ngôn ngữ sử dụng với các nghĩa “thiêu đốt”, “hủy diệt”, “thảm họa lớn”… Còn nghĩa chính là chỉ cuộc diệt chủng do Đảng Quốc xã Đức cùng bè phái tiến hành dẫn tới cái chết của 11 triệu người, trong đó có khoảng 6 triệu người Do Thái ở châu Âu, diễn ra từ năm 1941 đến 1945. Chính điều này đã biến “Đế chế thứ ba” do Adolf Hitler đứng đầu thành một “nhà nước diệt chủng”. Các thành phần nạn nhân ngoài người Do Thái còn có người Di-gan, người Slav, tù binh chiến tranh Liên Xô, người cộng sản, người đồng tính, những người khuyết tật về tinh thần và thể trạng…

Vì sao người Do Thái là đối tượng chính của Hitler? Đó là một câu chuyện dài, nhưng có thể tóm tắt như sau: Người Do Thái có nhiều nổi trội trên các lĩnh vực như kinh tế, khoa học kỹ thuật, nghệ thuật, có nhiều người xuất chúng. Từ chỗ lo sợ, ghen ghét đến căm hận, Hitler với đầu óc quân phiệt cực đoan đến mức bệnh hoạn của mình đã cho rằng người Do Thái (và các dân tộc “hạ đẳng” khác) sẽ làm cho “chủng tộc Aryan cao quý” của nước Đức bị lai tạp cần phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội! Thế là bắt đầu vào đêm 9-11-1938, hàng trăm ngôi giáo đường đạo Do Thái đã bị phóng hỏa, vô số ngôi nhà và cửa tiệm do người Do Thái làm chủ đã bị cướp phá, khoảng 1.000 người bị giết vô cớ và hơn 30.000 người Do Thái đầu tiên đã bị lùa vào các trại tập trung, mở đầu cho làn sóng diệt chủng người Do Thái sau này bằng hệ thống phòng hơi ngạt và các lò thiêu. (Chỉ đến ngày 9-5-1945, khi Hồng quân Liên Xô tiến vào Berlin, sào huyệt của Đức Quốc xã và trùm diệt chủng Hitler phải tự tử, cuộc diệt chủng mới bị chặn đứng). Sự kiện đêm 9-11-1938 được người Đức gọi là đêm Kristallnacht – đêm kính vỡ.

Năm 2013, nhân kỷ niệm 75 năm sự kiện đau buồn này, đương kim nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng cái đêm Kristallnacht là “một sự kiện làm nhục người Do Thái theo một cách thức không thể tin nổi… một điểm thấp thật sự trong lịch sử nước Đức mà người ta đã chạm tới. Thật đáng tiếc, sau đó lịch sử Đức đã phát triển theo một cách thậm chí còn tệ hại hơn mà cuối cùng đã kết thúc trong thảm kịch Shoah” (tức diệt chủng người Do Thái, tiếng Đức – PV). Bà kêu gọi người Đức không bao giờ được quên cái quá khứ đó.

Khắc sâu tội ác của Đức Quốc xã

Người Đức, với bề dày lịch sử và văn hóa đã làm mọi cách để an ủi những thân nhân của người Do Thái nói riêng và các nạn nhân Holocaust nói chung; đồng thời lên án chiến tranh, lên án nạn diệt chủng.

Năm 1999 nước Đức đã phát động một cuộc thi kiến trúc Đài tưởng niệm Holocaust (Holocaust Memorian). Kiến trúc sư người Mỹ Peter Eisenman đã vượt qua gần 600 tác phẩm gửi đến tham gia cuộc thi để trở thành tác giả của “cánh đồng bia” độc đáo. Ngoài “cánh đồng bia mộ” trên mặt đất, phía dưới lòng đất bên rìa phía Tây của khu vực Đài tưởng niệm còn thiết kế Trung tâm thông tin rộng 800 m2 để lưu trữ thông tin cá nhân của các nạn nhân và gia đình của họ, cùng những bản ghi và thông tin về các Đài tưởng niệm trên lãnh thổ nước Đức và châu Âu.

Sau gần 7 năm thi công, tháng 5-2005  “cánh đồng bia mộ” với 2.711 khối xi măng hoàn thành, bắt đầu mở cửa đón du khách. Nhiều nhà nghiên cứu tâm lý nói rằng, “Tượng đài” khác thường nhất thế giới này mang đến cho du khách những cảm giác khác nhau. Đài tưởng niệm màu xám giống như một khu rừng chết, không có cành cây, từ đó không có lối ra, tạo nên cảm giác tuyệt vọng; một số người nhận thức các tấm bê tông như một thành phố chết, hoang vắng… Để rồi từ đó thôi thúc họ tìm đến những thông tin về Holocaust, về chiến tranh và hòa bình, về các giải pháp để gìn giữ cho hành tinh của chúng ta không bao giờ lặp lại những đau buồn trong quá khứ.

Thế Nhân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.