Nỗ lực tìm giải pháp hóa giải xung đột Israel - Palestine
Dải Gaza đang yên bình trở lại sau khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas có hiệu lực vào ngày 21-5 sau 11 ngày giao tranh căng thẳng.
Nỗ lực duy trì thỏa thuận ngừng bắn
Cộng đồng quốc tế đang thúc đẩy những nỗ lực nhằm củng cố lệnh ngừng bắn này cũng như xúc tiến các cuộc đối thoại hòa giải giữa hai bên.
Ngày 25-5, người phát ngôn của phong trào Hamas kiểm soát Dải Gaza, ông Hazem Qassem cho biết, Ai Cập đã mời thủ lĩnh chính trị của lực lượng này Ismail Haniyeh tham gia hội đàm tại Cairo về việc thực thi lệnh ngừng bắn với Israel ở Dải Gaza. Một quan chức cấp cao khác của Hamas là ông Moussa Abu Marzouk cũng xác nhận rằng nhà lãnh đạo Ismail Haniyeh sẽ dẫn đầu một phái đoàn của Hamas đến Cairo trong những ngày tới.
Ai Cập là một bên tham gia làm trung gian cho lệnh ngừng bắn đạt được vào ngày 21-5 giữa Israel và các nhóm vũ trang do Hamas dẫn đầu ở Dải Gaza, chấm dứt 11 ngày giao tranh bắt đầu từ ngày 10-5. Các quan chức an ninh cấp cao của Ai Cập cũng đã hội đàm với các nhà lãnh đạo Hamas ở Dải Gaza, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở thành phố Ramallah (ở Bờ Tây) và các quan chức Israel ở Tel Aviv về việc thực thi lệnh ngừng bắn nói trên. Ai Cập đã công bố khoản viện trợ nhân đạo trị giá 500 triệu USD phục vụ quá trình tái thiết Gaza.
Người dân Palestine tìm kiếm đồ đạc còn sót lại trong toà nhà đã bị phá hủy bởi các cuộc không kích của máy bay Israel xuống Dải Gaza. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngoại trưởng Jordan Ayman al-Safadi cũng đã tới Ramallah và có cuộc gặp với Tổng thống Chính quyền Palestine (PA) Mahmoud Abbas.
Ngoại trưởng Mỹ cũng đang có chuyến công du tới Trung Đông để củng cố lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza.
Theo một thông báo của Văn phòng Tổng thống Abbas, các quan chức Palestine và Jordan đã thảo luận về sự liên hệ ngoại giao giữa PA, Liên hiệp quốc và Mỹ trong vấn đề phối hợp tái thiết Dải Gaza sau cuộc xung đột kéo dài 11 ngày vừa qua. Ngoại trưởng Jordan nêu rõ Gaza phải được tái thiết và tất cả các bên phải tích cực theo đuổi một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt các vụ bạo lực giữa hai bên.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã có chuyến thăm Trung Đông trong ngày 25-5, ông kêu gọi chấm dứt "vòng xoáy bạo lực" thông qua một giải pháp hai nhà nước. Trong một tuyên bố riêng rẽ, Ngoại trưởng Anh nhấn mạnh các vụ bạo lực diễn ra vừa qua cho thấy tính cấp bách trong việc kiến tạo bước đi thực sự hướng tới tương lai tích cực hơn cho người dân Israel và Palestine.
Theo số liệu từ Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hiệp quốc, trong 11 ngày xung đột, ít nhất 230 người Palestine ở Gaza, trong đó có nhiều trẻ em, đã thiệt mạng do các cuộc không kích của Israel, trong khi 12 người Israel thiệt mạng do rocket bắn từ Dải Gaza. Các cuộc không kích của Israel cũng phá hủy nhiều tòa nhà, cơ sở hạ tầng ở Gaza, làm ít nhất 6.000 người mất nhà ở. Ước tính hiện có tới 800.000 người không có nước sạch tại Gaza.
Trong chưa đầy 2 tuần xảy ra đụng độ giữa Israel và Hamas, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã nhóm họp tới 4 lần để tìm giải pháp ngăn chặn xung đột leo thang.
Tìm hướng giải quyết xung đột
Có thể thấy rằng hàng chục năm qua, cộng đồng quốc tế đã thúc đẩy nhiều nỗ lực chung nhằm tìm hướng giải quyết xung đột Israel - Palestine, trên cơ sở một giải pháp hai nhà nước.
Trong những nỗ lực đó có việc thành lập Nhà nước Palestine với Đông Jerusalem là thủ đô cùng tồn tại hòa bình bên cạnh Nhà nước Israel, với các đường biên giới được quốc tế công nhận trên cơ sở đường biên giới trước năm 1967 và thỏa thuận đàm phán, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hiệp quốc và các nghị quyết liên quan của Liên hiệp quốc, từ đó đạt được một nền hòa bình công bằng, toàn diện và lâu dài ở Trung Đông.
Trước đó, suốt hơn 70 năm qua, Hội đồng Bảo an cũng đã thông qua hàng loạt nghị quyết thúc đẩy giải quyết cuộc xung đột dai dẳng ở Trung Đông; thành lập Cơ quan Liên hiệp quốc về cứu trợ cho người tị nạn Palestine (UNRWA); tham gia nhóm Bộ Tứ hòa bình Trung Đông, gồm Liên hiệp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nga và Mỹ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, quan điểm khác biệt giữa các nước ủy viên khiến Hội đồng Bảo an không thể tìm được tiếng nói chung. Ngay lần này, sau cả 4 lần nhóm họp, do sự ngăn cản của Mỹ, Hội đồng Bảo an cũng không thể thông qua một tuyên bố chung có nội dung kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột.
Bên cạnh nỗ lực của Liên hiệp quốc, các tổ chức và các nước cũng đề xuất nhiều kế hoạch giải quyết cuộc xung đột, trong đó phải kể tới "Sáng kiến hòa bình" được Liên đoàn Arab (AL) đưa năm 2002. Theo sáng kiến trên, các nước Arab sẽ công nhận Israel nếu Israel rút khỏi vùng đất nước này chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, chấp nhận việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem và quyền hồi hương của người tị nạn Palestine. Tuy nhiên, sau gần 20 năm, sáng kiến hòa bình do AL đề xuất vẫn chỉ nằm trên giấy.
"Lộ trình hòa bình Trung Đông" được nhóm Bộ Tứ Trung Đông đưa ra năm 2003 cũng trong tình trạng bế tắc từ năm 2014. Đàm phán hòa bình Israel - Palestine dưới sự bảo trợ của nhóm Bộ Tứ được khởi động, nhiều lần đổ vỡ, được nối lại rồi lại đổ vỡ. Cả Israel và Palestine liên tục đổ lỗi cho nhau là bên phá vỡ tiến trình hòa bình Trung Đông khiến cơ hội đạt được một thỏa thuận ngày càng trở nên khó khăn, làm lu mờ hy vọng về giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại hòa bình.
Có lẽ, khi mà giữa các bên còn nhiều nghi kỵ và hiềm khích, những nỗ lực quốc tế lúc này cần tập trung vào gây dựng lại lòng tin, từng bước hóa giải các mâu thuẫn, bảo đảm quyền lợi chính đáng của cả Israel và Palestine, để có thể tìm ra một giải pháp giúp phá vỡ thế bế tắc đối với tiến trình hòa bình Trung Đông.
Hồng Hà (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc