Multimedia Đọc Báo in

Khai thác nguồn nước ngầm: Lợi bất cập... hại !

14:37, 23/04/2010

Khai thác nguồn nước ngầm để phục vụ cho đời sống sinh hoạt và sản xuất là một việc làm cần thiết, đặc biệt ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, việc khai thác nước ngầm trong bối cảnh đô thị hóa phát triển hiện nay đã và đang nảy sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tác động xấu tới nguồn tài nguyên nước ngầm trong tương lai.

Báo động suy kiệt tài nguyên nước ngầm
Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh có xu hướng làm biến đổi mạnh mẽ các điều kiện môi trường và tài nguyên. Tình trạng ô nhiễm môi trường đang trở nên trầm trọng bởi các hoạt động công nghiệp, sản xuất nông nghiệp và giao thông. Ô nhiễm bởi khí thải, bụi đã ở mức báo động; ô nhiễm do chất thải rắn đang trở thành mối lo ngại của cả cộng đồng. Bên cạnh đó, tình trạng suy giảm nguồn tài nguyên nước (cạn kiệt và nhiễm bẩn) đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế và đời sống người dân.
Với tốc độ đô thị hóa phát triển, sự gia tăng dân số ngày càng cao như hiện nay thì nhu cầu dùng nước không ngừng tăng lên. Theo thống kê sơ bộ, lượng nước khai thác sử dụng cho TP. Buôn Ma Thuột mỗi ngày 32.000 đến 35.000 m3/ngày đêm, trong đó nguồn nước cung cấp được khai thác từ nguồn nước dưới đất bằng các giếng khoan và các mạch lộ tự nhiên. Hầu hết các nguồn nước này được khai thác từ các công trình nằm trong phạm vi của thành phố hoặc vùng phụ cận như Krông Pak, Cư M’gar và Cư Kuin. Riêng TP. Buôn Ma Thuột hiện đang khai thác khoảng gần 11.680.000m3/năm, chưa tính một lượng nước khá lớn khai thác nhỏ lẻ rải rác khắp trên địa bàn thành phố chưa thống kê được. Theo chiều hướng phát triển hiện nay thì dân số TP. Buôn Ma Thuột vào năm 2020 tăng lên đến 50 vạn người, theo đó nhu cầu về nước sinh hoạt sẽ là 65.000 m3/ngày. Trong khi đó, lượng nước khai thác sử dụng hiện tại trên toàn tỉnh đã lên tới trên 50.000 m3/ngày.
Việc khai thác nguồn nước ngầm hiện nay chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất công nghiệp, sinh hoạt, tưới cây công nghiệp,... Tình trạng khai thác nước ngầm đã và đang có những biểu hiện suy thoái cả chất và lượng khá rõ, thậm chí một số nơi ở mức báo động. Tại TP. Buôn Ma Thuột đang khai thác nước ngầm với công suất gần 50.000 m3/ngày, thị trấn Krông Pak, Krông Buk khai thác từ 2.000 đến 2.500 m3/ ngày... Do khai thác quá mức, tầng nước ngầm ngày càng sâu.
Những năm gần đây, nước ngầm đang có chiều hướng suy giảm, đặc biệt mùa khô 2004-2005 công suất khai thác chỉ đạt 50-60%. Lượng nước khai thác tối đa đạt 20.000-27.000m3/ngày. Các giếng có lưu lượng khai thác thiết kế lớn khi được đưa vào sử dụng công suất không đạt tiêu chuẩn, chứng tỏ ở thời điểm đó tầng chứa nước  khai thác đã suy giảm về lượng. Một số giếng khoan khai thác mực nước động vượt quá giới hạn cho phép và phải ngừng hoạt động, công suất khai thác tại 3 điểm lộ (CoTam, Cư Pul và Ea M’sen có lưu lượng đạt 3000-5000m3/ngày) giảm 30 - 50 %, TP. Buôn Ma Thuột thiếu nước sinh hoạt và phải tạm ngừng cấp nước luân phiên. Phần lớn giếng đào tưới cà phê của dân trong các rẫy vùng khai thác bị khô cạn, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân trong vùng. Theo thống kê của Sở NN và PTNT thì 86.000 ha diện tích cây trồng được tưới từ nước hồ, đập, trạm bơm trên các sông, suối; 98.000 ha được tưới bằng nguồn nước dưới đất thông qua giếng khoan, giếng đào và khai thác mạch lộ đầu nguồn. Lượng nước tưới cho 1ha cà phê  trong mùa khô trung bình 2640m3/mùa khô, tương đương 17,6 m3/ngày/ha. Như vậy lượng nước ngầm sử dụng tưới cho cà phê trong 5 tháng mùa khô là rất đáng kể, đây cũng là vấn đề người dân và xã hội hết sức quan tâm.
Ông Lê Ngọc Đỉnh, Đoàn trưởng Đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước 704 thuộc Liên đoàn Quy hoạch Điều tra Tài nguyên Nước miền Trung cho biết: “Qua kết quả thăm dò khẳng định, khả năng chứa nước rất không đồng nhất, lưu lượng của các lỗ khoan biến đổi từ 0,2 đến 10,0 l/s. Trên diện tích thăm dò, đã xác định được 4 vùng chứa nước tốt nhất phân bố ở phía Đông, Đông Bắc và Đông Nam, TP. Buôn Ma Thuột (tại Đạt Lý, Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột; Thắng Lợi huyện Krông Pak, và Trung Hòa - huyện Cư Kuin). Lưu lượng các giếng khoan trong các vùng này thường đạt 4 - 10 l/s. Hiện tại nước ngầm đang có biểu hiện suy kiệt, nguồn nước ngầm liên tục giảm từ 1 đến gần 3 mét, có nơi lên đến 8m trong những tháng mùa khô này, nếu cứ thực trạng khai thác như vậy thì khoảng 10 năm nữa chúng ta sẽ nhận thấy hậu quả rõ rệt là không còn nước ngầm”.

Nông dân sử dụng nguồn nước ngầm để tưới cho cây trồng ở phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột)
Nông dân sử dụng nguồn nước ngầm để tưới cho cây trồng ở phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột)

Hành động để bảo vệ nguồn nước ngầm
Theo điều tra sơ bộ, trên địa bàn tỉnh có khoảng 5.000 giếng khoan, hàng trăm ngàn giếng đào. Trong khi nhu cầu nước để sản xuất nông nghiệp là 1.037 triệu m3, chỉ có 553 công trình thủy lợi với  trữ lượng 421,17 triệu m3. Như vậy, gần 600 triệu mét khối nước còn thiếu nông dân phải trông chờ vào việc khai thác nước ngầm. Nên khi lượng nước ngầm bị suy giảm nhanh chóng như vậy, người dân gặp rất nhiều khó khăn. Tại một số nơi như TP. Buôn Ma Thuột, Cư M’gar, Krông Buk, Krông Năng những năm trước có thể khai thác tối đa 0,6 triệu m3/ngày, thì nay chỉ còn chưa đầy 0,4 triệu m3/ngày. Gần đây, quá trình đánh giá hiện trạng môi trường ủa Đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước 704 đã gặp một số trường hợp nước ngầm đã bị ô nhiễm và phát hiện hàm lượng thủy ngân cao hơn giới hạn cho phép (0,0028mg/l trên giới hạn cho phép là 0,001mg/l). Riêng hiện tượng “mất nước” gặp khá nhiều trong tầng chứa nước  phun trào bazan ở một số khu vực trên địa bàn, độ sâu thường từ 45 đến 80m.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, ông Đỉnh cho biết thêm, rừng bị phá, độ che phủ ngày càng giảm không giữ được mức độ điều tiết nước mưa cấp cho nước dưới đất; người dân khai thác nguồn nước để tưới cho cây trồng quá mức; sự phát triển hệ thống thủy điện mạnh mẽ dẫn đến nước mặt vào mùa khô bị cạn kiệt; quá trình ô nhiễm từ các nguồn chất thải của người dân, các nhà máy sản xuất,… đã góp phần làm cho mực nước ngầm ngày càng suy kiệt, đặc biệt là trong mùa khô.
Công tác quản lý tài nguyên môi trường nói chung, nguồn nước ngầm nói riêng còn chưa theo kịp với sự phát triển của xã hội. Thời gian qua, mặc dù đã có rất nhiều cố gắng trong việc tăng cường công tác quản lý, tuy nhiên công tác quản lý tài nguyên môi trường còn rất bị động ở nhiều khía cạnh, cả về hành chính, kỹ thuật, tổ chức, trang thiết bị, thiếu nhân lực, trình độ chuyên môn... Để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này, theo ông Nguyễn Văn Tuyền, Phó trưởng phòng Quản lý tài nguyên nước và khoáng sản (Sở Tài nguyên – Môi trường) thì việc cần làm ngay là lập đề án điều tra hiện trạng sử dụng tài nguyên nước, qua đó đánh giá, kiểm tra tài nguyên nước ngầm, nước mặt. Trên cơ sở đó tiến hành xây dựng quy hoạch khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên nước dưới đất, tức là vừa khai thác được lượng nước lớn nhất mà ảnh hưởng đến môi trường ở mức thấp nhất. Ngoài ra trong trường hợp phải đáp ứng nhu cầu cấp nước lớn hơn so với hiện có phải áp dụng giải pháp bổ sung nhân tạo để làm giàu thêm trữ lượng nước dưới đất.
Bên cạnh đó, cần ưu tiên phát triển, bảo vệ rừng. Trồng cây bóng mát để hạn chế việc sử dụng tràn lan nước tưới cho cây cà phê. Mặt khác, cần đầu tư thích đáng cho các hồ chứa lớn để giữ nước trong mùa mưa, tạo sự ổn định trong cấp nước vào mùa khô. Chủ động trong việc quy hoạch, khai thác sử dụng nguồn nước ngầm hợp lý để phục vụ tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc