9 phát minh y học có ảnh hưởng đến cuộc sống con người trong tương lai
1.Mắt sinh học
Hằng năm trên thế giới có hàng triệu người mắc phải 2 căn bệnh chính dẫn đến mù lòa vĩnh viễn là bệnh võng mạc và bệnh thoái hóa điểm vàng. Để khắc phục căn bệnh này, các chuyên gia Viện công nghệ Massachussett, Mỹ (MIT) hiện đang nghiên cứu tạo ra một loại mắt sinh học (bionic eyaball). Thực chất đây là một camera nhỏ xíu gắn vào kính để bệnh nhân đeo, có khả năng thu thập hình ảnh giống như nguyên lý làm việc của mắt, sau đó truyền gửi thông tin nhận được theo kiểu vô tuyến lên cho một chip bọc titanium gắn trong mắt người. Chip này có nhiệm vụ kích hoạt các tế bào thần kinh võng mạc sau đó truyền ảnh cùng với thần kinh thị giác tới cho não. Theo các chuyên gia ở MIT, tuy không phục hồi lại thị lực một cách hoàn toàn song nó có thể giúp bệnh nhân nhìn rõ mọi vật, đi lại bình thường mà không cần tới sự trợ giúp từ bên ngoài. Thiết bị này dự kiến sẽ có mặt trên thị trường trong vòng 3 năm tới.
2. Chữa răng không cần khoan
Các chuyên gia ở Công ty sản xuất vật liệu nha khoa DMG (Mỹ) vừa tìm ra phương pháp mới điều trị răng cho con người mà không cần khoan, đặc biệt là những trường hợp bị sâu răng được phát hiện sớm. Theo phương pháp này, các nha sĩ sẽ tiêm một loại nhựa lỏng vào vùng răng sâu, nó có thể ngấm nhanh vào những vùng chân răng bị sâu, hơn so với các chất độn vật liệu bằng kim loại hay vật liệu composite. Một khi chất lỏng dạng nhựa này vào được bên trong thì nó sẽ cứng hóa nhanh, hạn chế bệnh sâu răng phát triển, không cần gây tê, không gây đau mà hiệu quả nhanh. Phương pháp trên đã được áp dụng ở châu Âu và sẽ được dùng tại Mỹ ngay trong năm 2010.
3. Ra đời bơm tim mới
Cơ quan quản lý Thực- Dược phẩm Mỹ (FDA) vừa phê duyệt cho phép lưu thông một loại bơm tim mới có tên là Heart Mate II dùng cho những bệnh nhân mắc bệnh đau tim, sức khỏe quá yếu không thể phẫu thuật được. Loại bơm tim này nó được cấy ghép ở bụng của bệnh nhân, dẫn động nhờ một động cơ turbin kích thước nhỏ xíu, làm nhiệm vụ tuần hoàn máu có chứa ôxy từ trái tim yếu ớt của người bệnh qua turbin của nó tới cho những bộ phận còn lại của cơ thể. Qua thử nghiệm lâm sàng do các chuyên gia ĐH Duke (Mỹ) thực hiện cho thấy khả năng kéo dài tuổi thọ cho người bệnh ít nhất 2 năm, nhất là những người bị bệnh tim đã hết phương cứu chữa.
4.Viên thuốc nội soi
Do thủ tục phiền hà hoặc không thuận lợi, hiện nay có tới 40% số người trên 50 tuổi tại Mỹ không đi khám ung thư ruột kết. Nhiều trường hợp khi phát hiện thấy bệnh thì đã quá muộn. Để khắc phục tình trạng trên, các nhà khoa học vừa nghiên cứu chế tạo thành công một phương pháp khám bệnh mới, đó là sử dụng một viên nhộng trong đó có một camera siêu nhỏ có thể ghi được các hình ảnh bên trong ruột và truyền đến cho máy tính của bác sĩ, giúp bác sĩ chuẩn đoán nhanh mức độ mắc bệnh, kể cả những hiện tượng bất thường trong ruột non, trong vòm họng hay những nơi nào mà viên thuốc đi qua. Viên thuốc này đã được thử nghiệm thành công và đưa vào sử dụng ở châu Âu, riêng tại Mỹ sẽ được đưa vào thử nghiệm lâm sàng trong năm nay.
5. Kính đeo “tự tạo”
Kính tự tạo (Do-it-yourself glasses) là sản phẩm độc đáo sau 10 năm nghiên cứu của giáo sư vật lý J. Silver ở ĐH Oxford, rất hữu ích cho nhóm người mắc bệnh cận thị. Nguyên lý làm việc của kính tự tạo này là dựa vào dịch dầu lỏng chứa trong mắt kính, tùy theo độ rõ mà người dùng có thể điều chỉnh bằng cách bổ xung hay rút bớt dịch ra. Đây là dự án mang tính khả thi rất tiện lợi cho nhóm người nghèo ở các nước đang phát triển. J.Silver hiện đang có kế hoạch sản xuất 1 tỷ cặp kính kiểu này bán tại các nước nghèo trong vài ba năm tới.
6. Viagra cho phụ nữ
Cách đây trên thập kỷ, FDA đã phê duyệt thuốc Viagra dùng cho đàn ông mà người ta quen gọi là thuốc xanh. Mới đây, một công ty dược phẩm của Đức đã sản xuất thành công một loại thuốc tương tự có tên là Flibanserin dùng cho phụ nữ. Qua thử nghiệm ở 1.500 phụ nữ tiền mãn kinh suy giảm tình dục cho thấy có tác dụng tốt. Đây là thuốc chống suy giảm sex đầu tiên ở phụ nữ thông qua cơ chế kích hoạt các chất biến đưa thần kinh (neurotransmitter) trong não, chứ không phải kích hoạt các hormone trong cơ thể, bởi vậy không để lại các phản ứng phụ như đông máu hoặc gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư như các liệu pháp hormone truyền thống.
7. Vắc xin chống hút thuốc lá
Bỏ thuốc lá là một công việc không mấy dễ dàng đối với những người nghiện thuốc lâu năm và thiếu sự kiên trì mặc dù tác hại của nó ai cũng biết rõ. Dự kiến đến năm 2012, Mỹ sẽ sản xuất một loại vắc xin chống hút thuốc lá hay còn gọi là vắc xin cai thuốc có tên là NicVax, có tác dụng tới 90% đối với những người tái nghiện, Sáu tháng sau khi tiêm vắc xin nói trên, nó sẽ tạo ra các chất kháng thể kháng lại nicotin. Các chất kháng thể này sau đó sẽ bám vào các phân tử nicotin làm cho chúng lớn nhanh về kích thước nên không thể lọt vào trung tâm gây khoái cảm của não, làm cho người nghiện không thấy thèm thuốc nữa. Không giống các phương pháp cai nghiện khác, vắc-xin nói trên không có tác động đến hệ thần kinh trung ương nên không có các phản ứng phụ như khô miệng, khó ngủ. Qua thử nghiệm lâm sàng cho thấy những người nghiện nặng có hàm lượng kháng thể cao gấp đôi sẽ bỏ được thuốc trong vòng một năm.
8. Vải y học
Hãng iFyber của Mỹ hiện đang nghiên cứu cho ra đời một loại công nghệ mới có thể sản xuất sản phẩm sợi dùng dệt quần áo hoặc các đồ dùng tương tự có khả năng khử nước chống vi trùng, đẩy lùi mầm bệnh, phát hiện nhanh các loại hóa chất độc hại, chất gây nổ và có khả năng sinh điện đủ dùng cho một máy ipod. Nguyên lý của công nghệ này là sử dụng quá trình đặc biệt để liên kết các hạt nano đa năng với các loại sợi tự nhiên và sợi tổng hợp. Dự kiến 5 năm nữa quần áo hoặc đồ dùng làm từ loại sợi này sẽ được dùng trong bệnh viện, khách sạn, quân đội hoặc các lĩnh vực ứng dụng tương tự khác.
9. Vắc xin không cần tiêm
Các chuyên gia ở ĐH Boston (Mỹ) hiện đang thử nghiệm giai đoạn cuối loại vắc xin không cần tiêm (Needle-free vaccines). Thuốc chủng này được gửi trong các hạt nano, mỗi hạt không lớn hơn một lỗ chân lông của con người, được đặt trên một màng mỏng dạng lá sau đó dán vào da giống như băng dính nhả nicotin dùng cho người bỏ thuốc lá và nhờ vào một dòng điện cực nhỏ truyền từ thiết bị bé xíu giống như một khẩu súng gây kích hoạt đẩy các hạt nano vào trong da và từ đây nó truyền vào trong cơ thể. Phương pháp tiêm vắc xin kiểu này không gây đau, không cần xơranh, dễ cho cả bác sĩ lẫn bệnh nhân. Hiện loại vắc-xin này đang được thử nghiệm và sẽ có mặt trên thị trường trong thời gian không xa.
Ý kiến bạn đọc