Multimedia Đọc Báo in

Thông tin nông nghiệp nước ngoài

08:59, 17/09/2010

1. Phương pháp tạo mưa tháp kết tủa
Công ty kiến trúc Atelier Raondan (Pháp) mới đây đã thực hiện hợp đồng thiết kế cho Italia một công trình tạo mưa nhân tạo, có tên là Castle in the Sky (gọi tắt là tháp Castle) được xây dựng trong công viên xung quanh một chiếc hồ. Một trong những lợi thế chính của Castle là có khả năng tạo mưa bằng cách sử dụng bể chứa nước phía dưới, nước được hút vào tháp sau đó bốc hơi lên đỉnh, chất bốc sau đó rơi xuống những vùng xung quanh, tạo hơi ẩm mát lạnh, vừa có tác dụng điều tiết khí hậu lại giúp cây cối xung quanh phát triển, lợi cho cả mục đích canh tác, du lịch lẫn giáo dục.

2. Rô bốt "ăn"  dầu trên biển

 
Hãng Globe Response Group (Mỹ) mới đây đã nghiên cứu và phát minh ra một hệ thống rôbốt độc đáo có tên là Aeros (Airborne Robotic Oil Spill Recovery System) có khả năng làm sạch dầu trên mặt biển. Những con rôbốt kiểu này có thể làm sạch tới 13.620 lít nước trong một phút. Đây là hệ thống làm sạch dầu mới nhất, lần đầu tiên được sản xuất và dự kiến sẽ đưa vào thử nghiệm trong năm 2011. Nguyên lý làm việc của Aeros có thể được tóm tắt 4 bước chính sau:
- Máy bay sẽ thả Aeros xuống vùng biển gần nơi ô nhiễm dầu (kích thước bằng khoảng một chiếc xe tải nhỏ), nổi trên mặt nước và tự nó sẽ tiếp cận với khu vực có dầu nổi.
- Sau khi định vị trên mặt nước, Aeros sẽ tiến gần đến nơi có dầu thông qua hệ thống định vị GPS và tiến hành "ăn"  dầu làm sạch nước.
- Quá trình "ăn" dầu: Trường hợp gặp những nơi có dầu nhiều nó sẽ dùng chiếc mũi hình côn để hút. Một đầu có áp lực thấp để hút dầu và sau khi lọc xong, nước sạch sẽ được thoát ra ở đầu còn lại   có áp lực lớn.
- Thu gom vàng đen: Aeros có một số cánh quạt làm nhiệm vụ gom dầu qua khâu xử lý, trung bình một phút Aeros có thể tẩy sạch khoảng 13.620 lít nước, như vậy một vùng rất rộng sẽ được tẩy sạch trong vòng vài ngày.

3. Nhân bản thành công ngựa vô tính sử dụng noãn bào từ một con ngựa sống
Các chuyên gia ở ĐH Texas A&M (Mỹ) vừa nhân bản thành công một con ngựa bằng kỹ thuật vô tính từ noãn bào một con ngựa sống. Đây là sản phẩm đầu tiên được sinh ra bằng cách dùng noãn bào của những con ngựa sống giống như kỹ thuật sinh sản trong ống nghiệm ở con người, có nghĩa là dùng noãn bào để nhân bản, một công việc vô cùng phức tạp và cũng nhờ phương pháp trên nên giảm được tỷ lệ chết khi sinh. Dự án nói trên được bắt đầu bằng việc sinh thiết các tế bào da của một con ngựa đã được nhân bản có tên là Marc. Phôi thai này sau đó được phát triển và đưa vào dạ con của một con ngựa mang thai hộ có tên là Minnie và sau gần 200 ngày nó đã cho ra đời một con ngựa nhân bản mới có tên là Mouse, giống y ngựa Marc.

4. Phương pháp mới phát hiện nhanh sán Anisakis ở các loài cá
Các chuyên gia ở Hiệp hội Sản xuất cá đóng hộp quốc gia (NMCF) của Tây Ban Nha vừa tìm ra một phương pháp mới phát hiện nhanh các loại sán ấu trùng có trong các sản phẩm cá, kể cả cá tươi, cá lạnh đông và cá đóng hộp. Đây là kỹ thuật phân tử có nhiều tính năng ưu việt, khắc phục được những nhược điểm của các kỹ thuật truyền thống, phù hợp cho việc phát hiện các loài sán có trong cá như sán Anisakis Pseudoterranova, Contracaeum và Hysterothylacium genera thậm chí ở mức cực thấp (0,05 pg). Anisakis thường có trong cơ bắp, nội tạng của cá như cá tuyết, cá thu, cá ngừ, cá cơm, cá hồi, cá trích... và trong các loại động vật thân mềm, nhất là mực và bạch tuộc, thủ phạm gây bệnh về đường tiêu hóa nếu nấu nướng không chín kỹ.

5. Rơm rạ có tác dụng giữ màu và nitơ cho đất

 

Tạp chí Nông học (Mỹ) số ra mới đây đăng tải một nghiên cứu chuyên sâu của các nhà khoa học Mỹ phát hiện thấy việc sử dụng rơm rạ, phế thải của nông nghiệp để làm phân bón mang lại nhiều lợi ích to lớn cả về môi trường lẫn lợi ích cho đất đai, tiết kiệm được một lượng vật liệu khá lớn mà lâu nay người ta vẫn bỏ phí, đốt bỏ hay cho trôi sông gây ô nhiễm môi trường. Khi các chất thải này được dùng làm phân bón nó sẽ bài tiết nitơ chậm vào trong đất, bổ sung thêm nhiều carbon cho đất, hạn chế tình trạng tổn thất nitơ hữu cơ của đất tới 7,3% và rất có lợi cho cây trồng dạng hạt, giúp đất sử dụng nitơ hiệu quả hơn. Với kết quả nghiên cứu trên, các nhà khoa học khuyến cáo không nên bỏ phí chế phẩm từ nông nghiệp, không nên đốt bỏ, cho trôi sông... mà dùng làm phân bón, hay bón trực tiếp cho đất, vừa tiết kiệm được phân bón hóa học lại vừa cải thiện chất đất, và lâu dài sẽ mang lại nhiều lợi ích cho môi trường lẫn con người. 

Nam Bắc Giang (Theo SD -31/7/2010)

 


Ý kiến bạn đọc