Dịch vụ truyền hình IPTV “lên ngôi”
Với cơ sở hạ tầng băng rộng hiện nay, cùng sự khuyến khích từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong ứng dụng hội tụ giữa hạ tầng viễn thông và hạ tầng truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình, không có lý do gì mà các doanh nghiệp viễn thông không bắt tay với các nhà đài cung cấp những dịch vụ hội tụ, đa phương tiện tiện ích nhất tới người dùng. Nhiều ý kiến cho rằng, đây chính là cơ hội để truyền hình IPTV phát triển.
Là dịch vụ truyền hình tiêu biểu thể hiện xu hướng hội tụ số, dù còn khá mới mẻ tại Việt Nam nhưng IPTV (Internet Protocol Television) được nhìn nhận như hình thức truyền hình của tương lai nhờ tính tương tác giữa người dùng và người cung cấp. IPTV cũng nổi trội bởi khả năng tạo ra “giá trị gia tăng” trong các công đoạn dịch vụ và đáp ứng được yêu cầu hội tụ chức năng đầu cuối người dùng.
Cách đây hai năm, tại Triển lãm và Hội nghị Truyền thông Quốc tế - Vietnam Comm 07 do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Công ty Dịch vụ Triển lãm Adsale (Hồng Kông) phối hợp tổ chức, chủ đề về IPTV đã không chỉ khiến nhiều người tham gia hội thảo quan tâm mà sự trình diễn IPTV của các nhà cung cấp giải pháp viễn thông, dịch vụ viễn thông như Huawei, ZTE và VNPT tại các gian trưng bày cũng đã thu hút được không ít khách tham quan.
Ngay vào thời điểm đó, Tập đoàn VNPT đã xác định, với nền tảng cơ sở mạng lưới hạ tầng viễn thông rộng khắp toàn quốc, cộng thêm công nghệ hiện đại, hướng tới việc cung cấp đa dịch vụ trên nền băng rộng, việc triển khai mạnh mẽ và rộng khắp dịch vụ IPTV tới người dùng là việc rất cần thiết.
Với đặc tính hội tụ giữa viễn thông - truyền hình, bản chất là một dịch vụ truyền hình truyền trên mạng tương tác hai chiều là mạng viễn thông, hơn hẳn truyền hình Cáp thông thường, IPTV bao gồm các loại hình truyền hình quảng bá, đặc biệt bao gồm các tính năng tương tác với truyền hình tương tác, truyền hình theo yêu cầu và các dịch vụ giá trị gia tăng khác cung cấp trên kết nối băng rộng sử dụng giao thức IP phục vụ cho người sử dụng đầu cuối. Khách hàng có thể xem chương trình truyền hình, phim, các dịch vụ giá trị gia tăng,… trên máy thu hình phổ thông CRT, đặc biệt truyền hình độ nét cao trên màn hình LCD/Plasma qua thiết bị Giải mã tích hợp đa phương tiện (Multimedia IRD). Đây chính là dịch vụ có thể tận dụng các kết nối Internet băng rộng đến khách hàng mà các doanh nghiệp viễn thông hiện đang cung cấp như ADSL2+, AON, GPON,..., qua đó tận dụng sức mạnh của mạng viễn thông.
Không chỉ thể hiện xu hướng hội tụ giữa viễn thông - truyền hình, ở Việt Nam, việc cung cấp dịch vụ IPTV còn thể hiện sự bắt tay giữa các doanh nghiệp viễn thông - truyền hình hàng đầu Việt Nam là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT, Công ty phần mềm và truyền thông VASC, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện Việt Nam VTC. Để có sự bắt tay hợp tác này, VTC và VASC đã ra mắt dịch vụ sau 6 năm thử nghiệm trước đó. Ngoài việc xây dựng các kênh chương trình nhiều nhất từ trước đến nay (60 kênh), VTC Digicom cũng như VASC còn xây dựng thành công kho dữ liệu khổng lồ với hơn 2.000 bộ phim đặc sắc có thuyết minh phụ đề tiếng Việt, hơn 1000 video ca nhạc, chưa kể đến các phóng sự phim tài liệu khác… phục vụ cho VOD. VNPT đang kỳ vọng vào thành công của dịch vụ này khi doanh nghiệp này hiện đang nắm giữ 70% thị phần thuê bao Internet băng rộng tại Việt Nam, mạng lưới viễn thông bao cần thiết cho IPTV gồm đường ADSL2+ có tốc độ download 25Mbit/s trong khoảng cách 1,5km, băng thông rộng lên tới 2.2MHz.
Mới đây, VNPT Dak Lak – Dak Nông đã phối hợp với VASC và VTC Digicom chính thức cung cấp hai dịch vụ trên nền IPTV là MyTV và BaZanTV. Ở thời điểm này, dịch vụ đã được VNPT Dak Lak – Dak Nông cung cấp đại trà đến khách hàng đang sử dụng dịch vụ Internet MegaVNN, Internet FTTH và các khách hàng mới trên địa bàn hai tỉnh Dak Lak và Dak Nông.
Ý kiến bạn đọc