15:28, 10/02/2011
Các nhà vật lý Đức đã cho ra đời một nguồn ánh sáng hoàn toàn mới, bằng cách làm lạnh các phân tử photon, được đặt tên là "Siêu photon" (Super-photon), nó tạo ra khi các hạt photon bị làm lạnh tới một trạng thái vật chất được gọi tên là "trạng thái ngưng tụ Bose-Einstein".
Cũng giống như các chất rắn, lỏng và khí, khám phá mới về ánh sáng, với tên gọi "trạng thái ngưng tụ Bose-Einstein" này thể hiện một trạng thái của vật chất. Nó từng được tạo ra vào năm 1995 thông qua các nguyên tử siêu lạnh của một chất khí, nhưng các nhà khoa học từng nghĩ không thể tạo ra nó bằng các hạt photon (quang tử) - những đơn vị cơ bản của ánh sáng.
Các hạt trong "trạng thái ngưng tụ Bose-Einstein" truyền thống được làm lạnh tới độ không tuyệt đối, cho tới khi chúng hòa vào nhau và trở nên không thể phân biệt được, tạo thành một hạt khổng lồ. Các chuyên gia từng cho rằng, các photon sẽ không thể đạt được trạng thái này vì việc vừa làm lạnh ánh sáng vừa ngưng tụ nó cùng lúc dường như là bất khả thi, do photon là các hạt không có khối lượng nên chúng đơn giản có thể bị hấp thụ vào môi trường xung quanh và biến mất - điều thường xảy ra khi chúng bị làm lạnh. Tuy nhiên, bốn nhà vật lý Jan Klärs, Julian Schmitt, Frank Vewinger và Martin Weitz thuộc Đại học Bonn (Đức) mới đây thông báo đã hoàn thành "nhiệm vụ bất khả thi" trên. Họ đặt tên cho các hạt mới là "các siêu photon".
Để nhốt giữ các photon, các nhà nghiên cứu đã sáng chế ra một thùng chứa làm bằng những tấm gương chỉ cách nhau khoảng 1/1.000.000m (1 micron). Giữa các gương, nhóm nghiên cứu đặt các phân tử "thuốc nhuộm" (về cơ bản chỉ có một lượng nhỏ chất nhuộm màu). Khi các photon va chạm với những phân tử, chúng bị hấp thu và sau đó được tái phát.
Các tấm gương đã "tóm" các photon bằng cách giữ cho chúng nhảy tiến - lui trong một trạng thái bị giới hạn. Trong quá trình đó, các hạt quang tử trao đổi nhiệt lượng mỗi khi chúng va chạm với một phân tử thuốc nhuộm. Và cuối cùng, chúng bị làm lạnh tới mức nhiệt độ phòng, mặc dù mức nhiệt độ phòng không thể đạt độ không tuyệt đối nhưng nó đã đủ lạnh để các photon kết lại thành một "trạng thái ngưng tụ Bose-Einstein".
Thử nghiệm trên là một thành tựu mang tính bước ngoặt. Các tác giả của nghiên cứu này cho biết thêm, công trình của họ có thể giúp mang tới những ứng dụng trong việc chế tạo các loại laser mới, với khả năng sinh ra ánh sáng có bước sóng vô cùng ngắn trong các dải tia X hoặc tia cực tím. Kết quả nghiên cứu này cũng có thể ứng dụng vào các lĩnh vực khác như quang phổ học hoặc quang điện.
G.T (
dịch, tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc