Multimedia Đọc Báo in

Máy tính và linh kiện: Năng lực cạnh tranh rất thấp

06:30, 24/09/2011

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), mặc dù kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm máy tính và linh kiện điện tử của Việt Nam ngày càng tăng mạnh nhưng năng lực cạnh tranh lại rất thấp.

Trung tâm trên cho biết, máy tính và linh kiện điện tử hiện đứng thứ 5 trong số những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao. 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã đạt 2,04 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2010. Riêng trong tháng 7, Việt Nam đã xuất khẩu được 344,08 triệu USD giá trị ngành hàng trên, tăng 7,9% so với tháng 6. Dự báo con số này trong tháng 8 sẽ ở mức 350 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này 8 tháng đầu năm lên 2,4 tỷ USD.

Mặt hàng điện tử xuất khẩu của Việt Nam hiện đã được xuất khẩu sang 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vài năm trở lại đây, các thị trường chính của những sản phẩm này là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đông Á, ASEAN và châu Âu. Đáng chú ý, trong tháng 7-2011, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ, trở lại ngôi vị thị trường nhập khẩu máy tính và linh kiện điện tử số 1 của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,81 triệu USD. Tính chung 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất sang Trung Quốc 329,9 triệu USD giá trị ngành hàng, chiếm 16% trong tổng kim ngạch chung, tăng 7,11% so với cùng kỳ năm 2010. Đứng ở vị trí thứ hai là Mỹ, với hơn 49,73 triệu USD trong tháng 7 và 289,15 triệu USD trong 7 tháng. Nhật Bản được xếp ở ngôi thứ 3 với 206,92 triệu USD trong 7 tháng đầu năm 2011, chiếm 10% tổng giá trị xuất khẩu ngành hàng, giảm 5,8% so với giá trị đạt được trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7-2010.

Có thể thấy, phần lớn doanh số xuất khẩu nhiều năm nay đều từ các nhà máy của các tập đoàn điện tử nước ngoài tại Việt Nam. Ông Shim Won Hwan, tổng giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, năm 2011, doanh số xuất khẩu của các nhà máy thuộc tổ hợp Samsung tại khu công nghiệp Yên Phong 1 (Bắc Ninh) có thể đạt con số 5 tỉ USD, trong đó chiếm tỷ trọng lớn là nhóm sản phẩm điện thoại di động. Ngoài ra, xuất khẩu sản phẩm điện tử Việt Nam còn có đóng góp của Fujitsu, Sanyo, Canon, Intel...

Trong năm tới, khi nhà máy sản xuất bo mạch đa lớp, sản xuất tủ lạnh và máy giặt của Panasonic (tháng 8-2012), cùng với nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Kyocera (tháng 10-2012) có những sản phẩm đầu tiên…, doanh số xuất khẩu của công nghiệp điện tử Việt Nam có thể chạm ngưỡng 10 tỉ USD.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Việt Nam đang trở thành nơi thu hút nhiều tập đoàn quốc tế lớn đầu tư vào lĩnh vực điện tử bởi có nhiều lợi thế như quỹ đất lớn với nhiều vị trí đẹp, thuận lợi cho sản xuất điện tử và giá nhân công rẻ. Hơn nữa, sản xuất điện tử được coi là lĩnh vực công nghệ cao nên Việt Nam có các chính sách ưu đãi lớn. Trong khi đó, tại Trung Quốc, Malaysia… giá thuê đất và phí nhân công đang tăng.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư ở Việt Nam chủ yếu sử dụng đất đai và lao động địa phương là chính. Việc sử dụng các nguyên vật liệu tại chỗ là rất ít, đa số vẫn phải nhập khẩu và chỉ gia công tại Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu có tăng nhưng năng lực cạnh tranh lại rất thấp. Do đó, hiện tại, giá trị gia tăng trong sản phẩm chiếm chưa đến 17%, thể hiện ở hoạt động gia công và lắp ráp. Tính riêng trong năm 2010, xuất khẩu trong lĩnh vực điện tử của Việt Nam đạt 3,4 tỷ USD, nhưng giá trị gia tăng chỉ đạt từ 5 – 10%.

Quan sát thực trạng của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hơn 20 năm qua, ông Lê Văn Chính, cố vấn của công ty Sonca Media nhận xét, làm thế nào để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến sản xuất tại Việt Nam mới là điều quan trọng, không nên khư khư quan niệm “phải xây dựng một ngành công nghiệp điện tử từ sản xuất linh kiện cho đến một sản phẩm hoàn chỉnh”. Ông Chính cho biết: quy luật phát triển công nghiệp điện tử của các quốc gia đang phát triển là cần có những tập đoàn lớn sản xuất, các doanh nghiệp trong nước tham gia vào quy trình sản xuất để từng bước tiếp nhận công nghệ và trình độ sản xuất. Ông Đỗ Khoa Tân, giám đốc công ty cổ phần điện tử Biên Hòa (Belco), một người gắn bó hơn 30 năm với ngành sản xuất điện tử, cũng đồng tình với quan điểm trên khi cho rằng: “Xu thế sản xuất toàn cầu đã phân định như vậy. Quan trọng là các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị đó như thế nào. Làm tốt được khâu nào hay khâu đó”.

(Theo VneconomySài Gòn tiếp thị )

 


Ý kiến bạn đọc