Nguyệt thực toàn phần tại Việt Nam
Lúc 21 giờ 06 tối nay, 10-12, mọi người dân Việt Nam đều có thể thấy nguyệt thực toàn phần bằng mắt thường, sự việc 3 năm nữa mới lại xuất hiện.
Nguyệt thực toàn phần lần này sẽ kéo dài 51 phút, bắt đầu từ 21 giờ 6 phút 16 giây, đạt cực đại lúc 21 giờ 31 phút 49 giây và kết thúc lúc 21 giờ 57 phút 24 giây. Đây là lúc mặt trăng nhuốm màu đỏ đậm nhất.
Các nơi có thể quan sát hiện tượng này gồm có khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Bắc Á và Alaska. Việt Nam có thuận lợi năm trọn trong vùng này. Các khu vực Châu Âu, Châu Phi, Trung Đông, Ấn Độ và Bắc Mỹ chỉ theo dõi được hiện tượng khi Trăng đang mọc hoặc đang lặn.
Hiện tượng nguyệt thực xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất, Mặt Trăng nằm trên một đường thẳng, bóng tối của Trái Đất sẽ che khuất Mặt Trăng và xảy ra hiện tượng nguyệt thực. Khi Mặt Trăng đi vào sâu hơn bóng của Trái Đất, Mặt Trăng sẽ dần dần thay đổi màu, chuyển từ bạc sang màu cam hoặc đỏ. Điều này là do một số ánh sáng Mặt Trời gián tiếp vẫn vươn tới Mặt Trăng sau khi đi qua bầu khí quyển của Trái Đất, vốn khuếch tán ánh sáng màu xanh. Chỉ những ánh sáng đỏ mới chạm tới Mặt Trăng, khiến nó có màu đỏ.
Không giống như nhật thực, nguyệt thực không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, khi quan sát nguyệt thực, người xem hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường, mà không cần thiết bị bảo vệ mắt. Đây là lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng trong năm nay xuất hiện nguyệt thực toàn phần. Trước đó, hiện tượng này đã diễn ra vào ngày 16-6. Các nhà thiên văn học cho biết, sau ngày 10-12, nguyệt thực sẽ không xuất hiện cho đến năm 2014.
G.T (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc