Công nghệ CAS giúp bảo quản nông, thủy sản tươi từ 3-10 năm
08:48, 28/03/2014
CAS (Cell Alive System) là công nghệ làm lạnh triệt để mang tính sáng tạo độc quyền của tập đoàn ABI (Nhật Bản). Nó có khả năng bảo quản nông thủy sản, thực phẩm tươi lâu tới 10 năm mà chất lượng vẫn tươi ngon đến 99,7% như khi mới thu hoạch.
1. Vài nét cơ bản về công nghệ
Công nghệ CAS (tạm dịch: Công nghệ bảo quản tế bào), nghĩa là bảo quản nông phẩm mà các cấu trúc tế bào của chúng vẫn còn nguyên vẹn, hoạt động bình thường, giống như khi vừa thu hoạch. Đây là công nghệ làm lạnh triệt để, luôn duy trì nhiệt độ lạnh từ -35oC đến -45oC mà không hề làm tổn thương các thành lẫn màng tế bào nên các thành phần, hương vị của thực phẩm vẫn tươi ngon tới 99,7% như vừa thu hoạch.
![]() |
Nguyên lý làm việc cơ bản của công nghệ CAS |
Công nghệ CAS thực chất là một thiết bị làm lạnh kiểu công nghiệp, có khả năng làm lạnh nhanh triệt để. Một trong những lợi thế chính của công nghệ CAS là phân tử nước vón cục có thể được ngăn ngừa bằng năng lượng yếu phát ra từ hệ thống CAS nên cấu trúc chất lượng, hương vị của nông phẩm được bảo toàn hầu như nguyên vẹn. Nguyên lý làm việc của công nghệ CAS có thể tóm tắt như sau: Hệ thống thiết bị phát từ trường, tạo năng lượng yếu phân bố đều, làm nới lỏng các phân tử tế bào thực phẩm mà không phá vỡ thành và màng, các tế bào này cùng với các phân tử nước tạo thành hỗn hợp cùng đông lạnh mà không bị tách biệt nên hạn chế tình trạng đóng băng như ở các công nghệ bảo quản truyền thống. Năng lượng hỗn hợp được tạo bởi máy phát chức năng CAS do ABI chế tạo, gây rung nhằm ngăn ngừa các phân tử nước liên kết tạo băng và giữ cho điều kiện lạnh luôn ở mức triệt để, ở dạng tinh thể băng cực nhỏ. Các tinh thể băng cực nhỏ này không hề làm phá vỡ thành lẫn màng tế bào thực phẩm nên vẫn duy trì được sự tươi nguyên như vừa thu hoạch.
Quá trình làm lạnh nhanh của CAS chia thành 3 giai đoạn, ban đầu dùng năng lượng yếu để hạn chế phân tử nước vón cục và duy trì ở điều kiện siêu lạnh nhằm gia tốc quá trình làm lạnh. Bước 2, các màng và thành tế bào được làm lạnh một cách ổn định nên không gây tổn thương đến nông phẩm bảo quản và bước 3 sản phẩm làm lạnh khi được lấy vẫn bảo đảm chất lượng như mới, có thể bảo quản từ 1-3 năm, thậm chí 10 năm.
![]() |
Sử dụng công nghệ CAS để bảo quản nông sản |
2. Triển vọng của công nghệ
So với những hệ thống công nghệ làm lạnh truyền thống, công nghệ CAS vượt trội hơn. Ví dụ, công nghệ truyền thống thực phẩm không thể lưu giữ được trong thời gian dài, thực phẩm bị biến màu, độ tươi ngon giảm mạnh sau vài ngày bảo quản. Công nghệ CAS khắc phục được tình trạng này, đặc biệt là giảm tổn thất sau thu hoạch, giúp con người có đủ thời gian để tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, do bị mất nước nên phương pháp bảo quản truyền thống dễ làm giảm chất lượng sản phẩm, còn trong công nghệ CAS, độ ẩm bên trong được bảo toàn, không bị "cháy xém làm lạnh". Chưa hết, công nghệ CAS còn có nhiều lợi thế khác như không phải khử tuyết sau khi làm lạnh, không làm giảm chất lượng sản phẩm, mùi vị lẫn axít amin, màu sắc thực phẩm được bảo toàn, ngăn ngừa được hiện tượng ôxi hóa và hạn chế mức thấp nhất chất thải công nghệ.
![]() |
Bảo quản nông sản bằng công nghệ CAS |
Theo thông tin của Viện ABI, công nghệ CAS rất phù hợp cho việc bảo quản nông phẩm, hải sản, thịt gia súc, gia cầm, rau xanh, hoa quả... Công nghệ này đã được công nhận ở trên 20 quốc gia trên thế giới phục vụ cho việc chế biến, bảo quản nông phẩm, ví dụ bảo quản cá ngừ ở Mỹ, trái cây ở Canada và Mehico. Cũng theo ABI thì việc ứng dụng công nghệ CAS sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho khách hàng đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, bảo quản nông phẩm sau sản xuất dùng cho xuất khẩu và những mục đích khác. Ngoài ứng dụng nói trên, công nghệ này còn phù hợp cho lĩnh vực y tế như phẫu thuật, nha khoa bảo quản mô, nội tạng và rất nhiều ứng dụng tương tự khác. Việc ứng dụng công nghệ tương đối đơn giản, ABI sẽ cung cấp trọn gói công nghệ thiết bị, đầu tư ban đầu ước khoảng 500.000 USD đến vài ba triệu USD.
Khắc Nam (Theo
ABI-2/2014)
Ý kiến bạn đọc