Multimedia Đọc Báo in

Đến năm 2020, trên 50% số người sử dụng phải được tuyên truyền, phổ biến về an toàn thông tin

17:19, 23/06/2015

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin đến năm 2020.

Theo đó, mục tiêu của đề án là đến năm 2020, khống chế dưới 50% các sự cố mất an toàn thông tin xảy ra vì lý do bắt nguồn từ nhận thức yếu kém về các nguy cơ mất an toàn thông tin của con người; phấn đấu trên 50% người sử dụng nói chung, 60% học sinh và trên 70% sinh viên được tuyên truyền, phổ biến về các nguy cơ và kỹ năng phòng tránh mất an toàn thông tin, chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước về an toàn thông tin.

Đề án cũng nêu rõ mục tiêu trên 80% công chức, viên chức, cán bộ của các cơ quan, tổ chức Nhà nước được tuyên truyền, phổ biến về thói quen, trách nhiệm và kỹ năng đơn giản để bảo đảm an toàn thông tin khi ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan; trên 80% cán bộ, công nhân viên, người lao động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, CNTT được tuyên truyền, phổ biến về nguy cơ, quy trình điều phối ứng cứu, xử lý sự cố mất an toàn thông tin, trách nhiệm và quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực an toàn thông tin; trên 90% phóng viên hoạt động trong lĩnh vực CNTT và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị được phổ biến về các nguy cơ, hậu quả và trách nhiệm trong vấn đề mất an toàn thông tin; xu hướng và tình hình mất an toàn thông tin tại Việt Nam và trên thế giới.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, đề án cũng đã đưa ra các nhiệm vụ như: định hướng hoạt động và xây dựng, biên tập các tài liệu tuyên truyền thuộc phạm vi đề án; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin ở các cơ sở giáo dục, qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội, qua hệ thống thông tin cơ sở và các phương thức khác.


Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.