Đề xuất hỗ trợ triển khai nhiệm vụ bảo tồn nguồn dược liệu tại địa phương
Thực hiện Công văn số 194/BKHCN-KHTH, ngày 19-1-2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về hướng dẫn xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách KH&CN năm 2017, UBND tỉnh đã đề xuất đặt hàng Bộ KH&CN xem xét hỗ trợ địa phương triển khai nhiệm vụ: “Khai thác và phát triển nguồn gen Bạch truật, Sâm bố chính và Hà thủ ô trắng làm nguyên liệu sản xuất thuốc” góp phần bảo tồn nguồn dược liệu tại địa phương.
Khảo sát nguồn dược liệu ở huyện Buôn Đôn: (Ảnh minh họa) |
Đây là các nhiệm vụ khoa học có quy mô lớn, phức tạp, cần thiết và có tính liên ngành, liên vùng cần được giải quyết ở cấp Quốc gia và sự hỗ trợ của Bộ KH&CN cũng như các tổ chức KH&CN trong nước và quốc tế trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Mục tiêu nhằm xây dựng các quy trình nhân giống, trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và bảo quản dược liệu để khai thác và phát triển nguồn gen Bạch truật, Sâm bố chính và Hà thủ ô trắng tại Đắk Lắk tạo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc.
Được biết, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ KH&CN về quỹ gen do Bộ KH&CN là cơ quan chủ quản, các nguồn gen cây thuốc là đối tượng được quan tâm trên địa bàn tỉnh. Chính sự đa dạng tài nguyên cũng như phù hợp về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển các vùng nguyên liệu ở quy mô lớn nên UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH&CN phối hợp với Viện Dược liệu, Công ty cổ phần khoa học và công nghệ Vinature thu thập, bảo tồn, đánh giá khả năng phát triển khoảng trên 100 loại nguồn gen cây thuốc khác nhau tại vườn bảo tồn cây dược liệu ở xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) với diện tích 5.000 m2. Các đối tượng bảo tồn gồm phần lớn là các nguồn gen thu thập tại địa phương như: Sâm bồ chính, Hà thủ ô trắng, Xạ cạn, Hoàng nam…và một số nguồn gen đã được đưa vào Việt Nam từ lâu và có khả năng thích nghi như nguồn gen bản địa, có khả năng phát triển vùng trồng lớn tại Đắk Lắk như: Bạch truật, Đương quy, Bạch chỉ, Đan sâm…Hiện các nguồn gen đang sinh trưởng phát triển tốt.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc