Multimedia Đọc Báo in

Những phát minh - sáng chế mới đem lại lợi ích cho con người

06:49, 17/07/2016
1. Đồng hồ báo thức kiêm kiêm pha chế đồ uống
Hãng Barisieur Ltd., (London, Anh) vừa trình làng một thiết bị đặc biệt: đồng hồ báo thức đa năng Barisieur có tác dụng giúp mọi người "vùng dậy" đúng giờ, không mệt mỏi nhờ được cung cấp đồ uống nóng hổi bởi chính thiết bị báo thức kiêm "ô-sin" này. Barisieur thực chất là một chiếc máy báo thức có thêm chức năng pha chế đồ uống như chè, cà phê, sữa nóng… theo sở thích của gia chủ và dùng hương vị đồ uống để đánh thức. Khi sử dụng Barisieur, công việc cần làm là đặt báo thức và chuẩn bị sẵn nguyên vật liệu như nước, cà phê hay trà tùy thích và hẹn thời gian để Barisieur hoàn tất các công việc pha chế. Nó sẽ đánh thức mọi người vào buổi sáng hôm sau bằng âm thanh pha chế như tiếng nước sôi, hương vị từ đồ uống giúp con người tỉnh giấc và bật khỏi giường để vệ sinh cá nhân trước khi thưởng thức đồ uống khoái khẩu. 
Máy báo thức đa năng
Máy báo thức đa năng

2. Thiết bị giám sát sức khỏe cá nhân dựa trên chuyển động quai hàm

Thiết bị có tên HeadScan là sản phẩm hợp tác giữa Đại học Michigan và Phòng thí nghiệm Bell Labs (Mỹ) có thể theo dõi tình trạng sức khỏe, như thói quen ăn uống và các hoạt động xã hội dựa trên sự chuyển động của quai hàm nhờ các tín hiệu radar không dây. Hai ăngten radio nhỏ xíu đặt trên vai làm nhiệm vụ ghi lại các chuyển động quai hàm, như ăn, nói, ho hay hắt hơi... Ngoài theo dõi thói quen ăn uống, HeadScan còn có khả năng theo dõi ngôn ngữ phát ra để chẩn đoán các dấu hiệu sức khỏe tâm thần, nhất là dấu hiệu trầm cảm và các triệu chứng sớm của bệnh béo phì, tiểu đường hay hen suyễn.
 
3.  Đèn thông minh điều khiển bằng thao tác tay 
Đèn Roome của hãng Kickstarter và Gadget Flow (Mỹ) phối hợp nghiên cứu được xem là đèn thông minh nhất thế giới, cho phép người sử dụng dùng các thao tác, cử chỉ tay để điều chỉnh cường độ ánh sáng hay bật hoặc tắt khi cần thiết. Nội thất của Roome được tích hợp một vài cảm biến cần thiết như cảm biến hồng ngoại, cảm biến ánh sáng và âm thanh, hay cảm biến nhận dạng sóng điện từ của cơ thể con người. Đây là những thông số quan trọng giúp cho Roome mở/tắt nhằm tiết kiệm điện. Roome có kích thước 176 x 179 x 280 cm, nặng 1.440 gam, độ sáng cực đại 800 LM, tuổi thọ trên 2000 giờ, dự kiến sẽ được sản xuất hàng loạt vào tháng 8-2016.

 4. Ống nghe phát hiện nhanh chấn thương đầu gối

Các chuyên gia ở Viện Công nghệ Georgia (GT) vừa phát triển thành công một ống nghe (stethoscope) đặc biệt, được trang bị micro và màng rung cảm biến, có thể “nghe” và đo âm thanh bên trong khớp gối và so sánh với âm thanh của những người có khớp gối khỏe mạnh để chẩn đoán mức độ tổn thương và ra quyết định điều trị kịp thời. Đây là loại ống nghe đơn giản, hiệu quả, cơ động, rẻ tiền và tiện lợi hơn so với kỹ thuật quét MRI.
 
5. Viên thuốc đa liều đầu tiên được bào chế bằng kỹ thuật in 3D 
Nhóm chuyên gia đến từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS) vừa phát triển thành công kỹ thuật in thuốc 3D linh hoạt hơn về liều lượng. Để tạo ra loại dược phẩm này, bác sĩ sẽ kê đơn dựa trên chương trình máy tính, nói cách khác là tạo ra một mô hình thiết kế viên thuốc, sau đó gửi đến cho máy in 3D. Sản phẩm polymer lỏng có chứa các thuốc sau đó sẽ rót vào khuôn theo các định dạng khác nhau và được bọc lớp vỏ bảo vệ bên ngoài, giống như viên thuốc truyền thống. Khi uống vào, vỏ bọc sẽ tan ra để giải phóng thuốc ngấm vào cơ thể.  Với kỹ thuật bào chế mới nói trên, tương lai người ta sẽ cho ra đời viên thuốc dùng cho từng cá thể, những người mắc bệnh như viêm khớp, hen suyễn hay loét dạ dày sẽ rút ngắn thời gian  khám và điều trị phiền hà, phức tạp như hiện nay. 
 
6. Vòng tay giúp con người đoạn tuyệt với các tật xấu
Công ty Pavlok do bác sĩ tâm lý Maneesh Sethi (Mỹ) sáng lập vừa nghiên cứu phát triển thành công một chiếc vòng đặc biệt có khả năng phát ra những cú sốc điện cảnh báo cho người dùng biết nên từ bỏ những tật xấu như dậy muộn, cắn móng tay, thích đi mua sắm hay lướt web quá nhiều.... Vòng có tên Pavlok, có thể mang trên người, nhắc nhở người dùng từ bỏ tật xấu và khuyến khích phát triển các thói quen hữu ích như dậy đúng giờ, không dành quá nhiều thời gian vào chuyện vô bổ, nhất là truy cập Interrnet... Đặc biệt, Pavlok có thể giúp quý bà hạn chế thói quen nghiện mua sắm) tiêu tốn quá nhiều tiền của lẫn thời gian, nhờ một phần mềm đặc biệt của Intelligent Environments (Anh), kết nối Pavlok với tài khoản ngân hàng người dùng, nhằm hạn chế chi tiêu quá đà. Trong trường hợp người dùng "đốt" quá mức tiền chi tiêu, Pavlok sẽ tạo ra một sốc điện tới 255 volt ở cổ tay.
 
KN 
(Dịch từ KS/STV/IC/ICC - 6/2016)

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.