Phát hiện Trái Đất phiên bản 2
Proxima b quay quanh ngôi sao gần nhất có tên Proxima Centauri thuộc thái dương hệ Alpha Centauri. Proxima Centauri được phát hiện thấy năm 1915, gần Hệ Mặt trời nhất, khoảng 4,24 năm ánh sáng. Đây là hành tinh đá mà người ta tin rằng có người ngoài hành tinh sinh sống, kích thước gấp 1,3 lần Trái Đất. Nó có cấu trúc địa chất giống như Trái Đất, nhiệt độ nằm trọn trong vùng có thể "sinh sống được". Cụ thể hơn, hành tinh này có nước trên bề mặt, một thành phần vô cùng quan trọng cho sự sống ngoài hành tinh. Nhiệt độ bề mặt của Proxima b vào khoảng -90°C đến 30°C. Bầu không khí của Proxima b gồm nước và carbon dioxide (CO2), còn địa chất gồm chủ yếu là đá, đây là những thành phần cơ bản cho sự hình thành các chu trình sinh hóa cần thiết mà khoa học quen gọi là sự sống.
Proxima b đang ở vị trí cách chúng ta 4,2 năm ánh sáng, tức 4,6 triệu dặm hay 7,5 triệu km, tương đương 5% khoảng cách giữa Trái Đất với Mặt Trời, và cứ 11,2 ngày quay hết một quỹ đạo. Proxima Centauri là một ngôi sao lùn đỏ mờ tỏa ra ít nhiệt hơn so với nhiệt của Mặt Trời nhưng vẫn nằm trong vùng các ngôi sao "có sự sống". Điều này có nghĩa là nhiệt độ đủ để cho phép nước tồn tại trên bề mặt dưới dạng chất lỏng. Tuy nhiên, có một vấn đề liên quan đến sự sống của Proxima b mà các nhà khoa học đang phân vân, đó là ngôi sao chủ của Proxima b phát tán nhiều tia cực tím và tia X-quang nên bất kỳ sự sống nào xuất hiện trên bề mặt Proxima b phải đủ mạnh mới có thể kháng lại các tia bức xạ này.
Từ lâu, khoa học đã tiến hành nghiên cứu Proxima Centauri, nhất là khoảng không cận kề với ngôi sao này và phát hiện thấy Proxima b thông qua kính viễn vọng thiên Doppler. Theo giả thiết của các nhà thiên văn học, Proxima Centauri sẽ tồn tại lâu hơn vài trăm hoặc vài nghìn lần so với Mặt Trời của Trái Đất. Bất kỳ sự sống nào có trên hành tinh này cũng có thể phát triển lâu hơn sau khi Mặt Trời của chúng ta chết đi. Mặt Trời đã tồn tại 4,6 tỷ năm, nhưng Proxima Centauri thì đã tồn tại được 4,9 tỷ năm có dư. Tuy nhiên các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn Proxima b có các mùa như Trái Đất hay không.
Ngoài Proxima b, khoa học đã phát hiện thấy 20 hành tinh có cấu trúc tương tự với Trái Đất trong số 4.000 hành tinh mới ngoài hệ mặt trời được phát hiện thấy trong thời gian gần đây. Ví dụ, năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết đã phát hiện ra một số hành tinh dạng "phiên bản Trái Đất" có sự sống trong dải Ngân hà như Kepler-186f, Kepler-62f, Kepler-283c, Kepler-296f và Kepler-452b. Riêng Kepler-452b lớn hơn trái đất khoảng 60% và có thể có núi lửa hoạt động, tồn tại biển, ánh nắng mặt trời, có trọng lực lớn gấp đôi so với Trái Đất và một năm kéo dài 385 ngày. Tuy nhiên, nó lại nằm cách chúng ta tới 1.400 năm ánh sáng nên các nhà khoa học cho rằng con người có ít hy vọng đặt chân sớm lên hành tinh này.
Việc tìm thấy Trái Đất phiên bản 2 Proxima b được xem là "điểm nhấn" giúp con người có cơ hội hiểu sâu thêm về sự sống ngoài Trái Đất. Con người sẽ có kế hoạch đưa tàu thăm dò lên Proxima b để nghiên cứu nhằm phục vụ cho chương trình chinh phục hành tinh này trong tương lai.
Nguyễn Khắc Nam
(Theo Daily Mail- 8/2016)
Ý kiến bạn đọc