Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường hệ miễn dịch bằng thực phẩm

10:14, 04/04/2020

Ăn uống khoa học, cân bằng đủ dưỡng chất sẽ giúp cơ thể tăng sức đề kháng chống lại vi rút gây các bệnh truyền nhiễm. Trong đó, 9 thực phẩm dưới đây được xem là có tác dụng hữu hiệu.

Tỏi

Tỏi là thực phẩm gia vị kiêm thuốc quý bởi  giàu chất chống vi rút, vi khuẩn và chống nấm. Nó có tác dụng giúp củng cố hệ miễn dịch chống lại nhiễm trùng nhẹ, cảm lạnh thông thường bằng cách kích thích sản xuất các tế bào bạch cầu. Tỏi rất tốt để kháng lại các loại vi rút, trong đó có vi rút gây bệnh cúm và cảm lạnh thông thường. Ngoài phòng tránh cảm cúm, tỏi còn có tác dụng trị mụn trứng cá, giảm huyết áp và ngăn ngừa khối u ung thư, điều này đã được khẳng định trong nghiên cứu của Viện nghiên cứu Ung thư Mỹ.

Nấm hương

Nấm hương (hay còn gọi là nấm đông cô) là loại nấm ăn có nguồn gốc từ Đông Á. Loại nấm này có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch vì nó chứa một lượng lớn beta-glucan được tìm thấy trong thành tế bào của vi khuẩn, nấm, nấm men và tảo. Bổ sung beta-glucan thường được sử dụng để điều trị tăng lipid máu, tăng huyết áp và lở loét. Chưa hết, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng beta-glucan cũng có tác dụng chống vi rút gây ra bệnh cúm, cúm lợn và viêm gan. Trung bình giá trị dinh dưỡng 100 g nấm hương chứa 33 calo, lipid 0,5 g, natri 9 mg, kali 304 mg, cacbohydrat 7 g, chất xơ 2,5 g, đường thực phẩm 2,4 g, protein 2,2 g, canxi  2 mg, sắt 0,4 mg, vitamin D 18 IU, vitamin B6 0,3 mg và magie 20 mg...      

Các loại thực phẩm giúp cơ thể tăng sức đề kháng.
Các loại thực phẩm giúp cơ thể tăng sức đề kháng.

Cây cơm cháy

Cây cơm cháy (Elderberry) là một chi thực vật có hoa trong họ Adoxaceae, được gọi chung trong tiếng Việt là cơm cháy hay sóc dịch hoặc mậu ma. Theo nghiên cứu, cây cơm cháy thường được sử dụng để làm giảm các triệu chứng cúm vì sở hữu các đặc tính chống oxy hóa và chống viêm giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, cây cơm cháy còn có  hiệu quả chống lại viêm nhiễm do vi rút Herpes Simplex (HSV, một bệnh nhiễm trùng gây ra Herpes, xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau trên cơ thể, phổ biến nhất trên bộ phận sinh dục hoặc miệng) và HIV gây ra.

Giá đỗ

Giá đỗ là hạt đậu xanh nảy mầm, dài chừng 3 - 7 cm. Nhiều loại rau mầm, như giá đỗ xanh và mầm bông cải xanh, cung cấp cho cơ thể một lượng lớn vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng thiết yếu. Trong đó, tốt nhất là giá đỗ đậu xanh bởi có đặc tính chống vi rút và kháng khuẩn rất cao. Trong khi đó, mầm bông cải xanh đã được chứng minh là tăng cường phản ứng bảo vệ vật chủ chống vi rút nhờ hoạt động của một hợp chất gọi là sulforaphane.

Trái cây có múi

Trái cây họ cam quýt như cam, chanh, quýt, bưởi, dứa... chứa lượng vitamin C rất cao. Vitamin này rất cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể, như chuyển hóa, phát triển xương và sửa chữa tế bào. Nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố hệ thống miễn dịch chống lại bệnh tật và nhiễm vi rút. Ngoài nhóm quả trên, nhiều loại rau lá xanh chứa vitamin C như ớt, húng tây, rau mùi tây, rau bina, cải xoăn và bông cải xanh cũng có tác dụng tốt. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc thì vitamin C không chỉ giúp phòng ngừa mà còn có tác dụng điều trị nhiều bệnh liên quan đến nhiễm trùng, trong đó có bệnh do vi rút Corona gây ra.

Hương thảo

Hương thảo (Rosemary) là  thảo dược thơm có lịch sử lâu dài về cả ẩm thực lẫn dược liệu. Hương thảo mọc trong bụi cây với thân gỗ và những cây lá kim ngắn như cây thông. Tuy khá giống cây thông cả về hình dáng và mùi hương, nhưng nó lại là một loại cây thuộc họ bạc hà. Nó có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch, giảm đau cơ, cải thiện trí nhớ và kích thích mọc tóc. Hương thảo có chứa một hợp chất thực vật được gọi là axit oleanolic, giống như tìm thấy trong ô liu, tỏi và anh đào; ngoài tác dụng chống oxy hóa và kháng khuẩn, axit oleanolic có tác dụng chống vi rút mạnh đối với vi rút Herpes Simplex, HIV, cúm và viêm gan A. Rửa sạch cành hương thảo tươi dưới vòi nước lạnh và lau nhẹ cho khô và sử dụng như gia vị. Thân cây có thể được sử dụng cho các món hầm rất bổ ích.

Sữa chua

Sữa chua là sản phẩm bơ sữa được sản xuất bởi vi khuẩn lên men của sữa. Sữa chua đặc và yaourt là sản phẩm lên men lactic từ sữa bò tươi, sữa bột hay sữa động vật nói chung sau khi đã khử chất béo và thanh trùng vi khuẩn gây bệnh bằng phương pháp tiệt trùng Pasteur ở nhiệt độ 80 - 90°C. Sữa chua nguyên chất, không đường rất giàu men vi sinh giúp cải thiện tiêu hóa và thúc đẩy đường ruột khỏe mạnh. Sữa chua là nguồn bổ sung canxi, kẽm và các vi khuẩn có lợi cho đường ruột. Ngoài ra, sữa chua có rất nhiều các vi sinh vật probiotic giúp tăng cường sức đề kháng, giảm cân, ngăn ngừa cao huyết áp, giảm cholesterol (mỡ máu), bảo vệ răng miệng, bổ sung canxi giúp xương và răng chắc khỏe và giúp làm đẹp da và bảo vệ tóc. Đặc biệt một số chủng men vi sinh cũng có tác dụng chống vi rút gây bệnh đường hô hấp.

Trà xanh

Trà xanh rất giàu Epigallocatechin-3-gallate (EGCG) là một hợp chất thực vật độc đáo có đặc tính chống viêm và chống vi rút. Trà xanh được biết là có khả năng chống lại HIV, vi rút Herpes Simplex và viêm gan B rất hiệu nghiệm.

Ngoài ra, còn có nhiều loại thảo mộc có đặc tính chống vi rút, củng cố hệ thống miễn dịch như:

- Kinh giới cay (Origanum vulgare Oregano) có chứa một hợp chất chống vi rút được gọi là carvacro có khả năng chống lại norovirus ở chuột, một loại vi rút rất dễ lây lan gây bệnh cúm dạ dày ở người.

- Cây xô thơm, loại thảo mộc thơm cũng có thể được sử dụng để điều trị nhiễm vi rút nhờ vào hóa chất tự nhiên được gọi là safficinolide.

- Húng quế, một loài rau thơm đa niên thuộc họ Hoa môi, lá rậm, xanh thẫm, mùi vị nồng. Húng quế là vị thuốc quý giàu các hợp chất thực vật apigenin và axit ursolic, có khả năng chống lại vi rút gây viêm gan B, Herpes Simplex và enterovirus.

- Tía tô đất (Lemon balm), lá có mùi chanh nhẹ, chứa các hợp chất thực vật có tác dụng chống vi rút gây bệnh cúm gia cầm.

Khắc Duy

(Dịch từ Herbs- 3/2020)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.