Street Art - Xu thế mỹ thuật thịnh hành và được ưa chuộng
Nghệ thuật đường phố thường là tác phẩm nghệ thuật tự do lấy cảm hứng từ môi trường đô thị, được biết đến nhiều nhất là graffiti và mang tính phi thương mại. Phổ biến bao gồm: graffiti sơn phun, graffiti tô khuôn (stencil), nghệ thuật áp phích (wheatpasted), nghệ thuật nhãn dán, thiết kế đường phố và tác phẩm điêu khắc, chiếu video và cột dán sợi đan móc (Yarn bombing)...
Nguyên thủy, nghệ thuật đường phố được sử dụng với mục đích thuần túy là công cụ đánh dấu lãnh thổ của những nhóm thanh niên trẻ sống trong thành phố hay thể hiện quan điểm chính trị. Nay xu hướng nghệ thuật này đã trở thành một phương tiện làm đẹp và tái tạo đô thị; đôi khi nó còn được sử dụng như mục đích truyền thông hoặc tiếp thị thương mại của một số công ty nối tiếng như Greenpeace, McDonalds…
StreetArt – Xu thế mỹ thuật đang thịnh hành. |
Một số người cho rằng Kilroy Was Here, nghệ sĩ graffiti người Mỹ thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai là người sáng lập loại hình nghệ thuật này. Nhưng cũng có giả thiết cho rằng, nó bắt đầu bùng nổ từ New York (Mỹ) vào đầu thập niên 60 thế kỷ trước và bắt đầu phân hóa mạnh vào thập niên 80, thủ phủ là vùng Bronx.
Một số nghệ sĩ đường phố tiên phong đã thu hút sự chú ý của dư luận như nghệ sĩ người Mỹ Keith Haring vào những năm 1980 với những tác phẩm graffiti và nghệ thuật đường phố truyền thống hay nghệ sĩ Haze, người có nhiều đóng góp cho các ban nhạc nổi tiếng, Beastie Boys và Public Enemy. Gần đây nhất, tranh đường phố của Shepard Fairey nói về ứng cử viên tổng thống lúc đó là Barack Obama đã được dư luận đánh giá cao, từng xuất hiện trên trang bìa tạp chí Time. Ngoài ra còn một số gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng và quen thuộc với công chúng như: John Fekner (Mỹ), Blek le Rat (Pháp), Nick Walker (Anh), Christian Guémy (Pháp) hay M-City (tên thật Mariusz Waras, người Ba Lan)... Nghệ thuật đường phố đã có nhiều đóng góp to lớn, góp phần đưa một số địa danh du lịch trở thành "điểm đến lý tưởng " ở châu Âu, châu Á hay Nam Mỹ… như Berlin, London, Paris, Hamburg, Hàn Quốc hay Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất hoặc Buenos Aires… Nhiều tổ chức cung ứng nghệ thuật đường phố trở nên quen thuộc và nổi tiếng như Alternative London (Anh), Paris StreetArt (Pháp) hay AlternativeBerlin (Đức)…
Theo tạp chí mỹ thuật trực tuyến Mỹ Bulbapp (BC), nghệ thuật đường phố rất đa dạng, phong phú, có tới 17 loại hình chính. Chẳng hạn, Stencil graffiti được hình thành bằng cách phun sơn qua khuôn giấy nến hoặc bìa các tông; Sticker graffiti, kiểu dán nhãn truyền tải một hình ảnh hoặc thông điệp ở không gian công cộng bằng những miếng dán tự chế hoặc thiết kế in sẵn; Mosaic graffiti là nghệ thuật tạo ra hình ảnh từ một tập hợp các thành phần nhỏ hoặc mảnh nhỏ, tương tự như hình thức sử dụng các thành phần đơn lẻ tập hợp trong một tác phẩm lớn của nghệ thuật.
Theo luật pháp Mỹ, các tác phẩm nghệ thuật đường phố sẽ được bảo vệ bản quyền miễn là hợp pháp và đáp ứng hai điều kiện: có nguồn gốc rõ ràng, được cố định dưới dạng hữu hình. Nếu thỏa mãn các tiêu chí này, bản quyền sẽ tồn tại trong suốt tuổi thọ của nghệ sĩ cộng 70 năm. Để bảo vệ những tác phẩm Street Art hợp pháp được công nhận, Mỹ đã ban hành đạo luật Visual Artists Right Act (Đạo luật quyền nghệ sĩ trực quan (VARA). Nếu vi phạm, phá hủy các tác phẩm này sẽ phải bồi thường. Hồi năm 2018, một nhóm nghệ sĩ đã được một tòa án ở Brooklyn (Mỹ) phán quyết được nhận 6,7 triệu USD tiền bồi thường vì tranh tường của họ bị phá hủy.
Nguyễn Duy
(Dịch từ THC/TSO/WP/MMC/BC-3/2020)
Ý kiến bạn đọc