Multimedia Đọc Báo in

Những công nghệ mới giúp cải thiện cuộc sống

16:47, 26/09/2020

Khẩu trang kiêm chức năng phát hiện người nhiễm Covid-19

Mới đây Viện Nghiên cứu Khoa học – công nghệ Singapore (AStar) đã cho ra đời loại khẩu trang thông minh có chức năng tầm soát người mắc Covid-19. Loại khẩu trang này được gắn hệ thống cảm biến đặc biệt thu thập dữ liệu về nhiệt độ cơ thể, mức bão hòa oxy trong máu, huyết áp và nhịp tim để từ đó phát hiện các trường hợp nhiễm Covid-19. Thông tin thu thập được các cảm biến phát tín hiệu bluetooth gửi đến ứng dụng điện thoại thông minh để phân tích, giúp bác sĩ kết luận người mang khẩu trang có bị nhiễm vi rút Sars-CoV-2 hay không. Giáo sư Loh Xian Jun, thành viên nghiên cứu ở AStar cho biết, hệ thống cảm biến được bọc bằng vật liệu polymer, mềm dẻo và không thấm nước, có một van thông hơi ở mặt trước và dây cao su vòng qua đầu để giữ khẩu trang đúng vị trí nên sử dụng rất thoải mái và tiện lợi.

Robot hái dừa siêu nhanh

Đại học Amrita Vishwa Vidyapeetham, Ấn Độ (AVVU) mới phát triển loại robot tên Amaran có thể hái dừa siêu nhanh. Amaran có cấu trúc ôm tròn quanh thân cây dừa và sử dụng 8 bánh xe cao su đa hướng, lăn dần theo kiểu trèo cho tới khi chạm ngọn dừa, sau đó cắt những chùm dừa và thả xuống đất. Nhờ những cánh tay kim loại uyển chuyển, Amaran có thể hái dừa nhanh hơn con người. Phía cuối cánh tay là lưỡi cưa tròn dùng để cắt trái. Qua thử nghiệm, Amaran có thể leo lên những cây dừa cao trên 15 m với độ nghiêng của thân lên đến 30 độ và có tốc độ hái nhanh hơn cả những người có tay nghề hái lượm dừa thuần thục nhất.

Siêu máy ảnh có độ phân giải cực lớn

Siêu máy ảnh dự định sẽ được lắp đặt tại Đài quan sát Vera C. Rubin, Chile, có độ phân giải 3.200 MP, dùng cho mục đích khám phá không gian. Độ phân giải của máy này có thể chụp được ảnh quả bóng golf cách xa 24 km nhờ hệ cảm biến siêu mạnh. Dự kiến, khi hoàn thành chiếc máy ảnh này sẽ được đặt tên là LSST, thuộc sở hữu của Đài quan sát Vera C. Thực chất đây là mảng cảm biến hình ảnh được tích hợp trong một kính viễn vọng siêu nhạy có thể phát hiện các vật thể mờ hơn 100 triệu lần so với những vật thể có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Siêu máy ảnh có độ phân giải cực lớn.
Siêu máy ảnh có độ phân giải cực lớn.

Những bức ảnh đầu tiên do LSST chụp có độ phân giải 3.200 MP. Hình ảnh thu được lớn đến mức cần 378 màn hình 4K UHD để hiển thị đầy đủ.  LSST hoạt động bằng cách chuyển đổi ánh sáng nhìn thấy được phản xạ bởi các vật thể thành tín hiệu điện. Mặt phẳng tiêu cự hoàn chỉnh của LSST rộng hơn 60 cm và chứa 189 cảm biến riêng lẻ hoặc thiết bị tích hợp điện tích (CCD), sẽ tạo ra hình ảnh 3.200 megapixel. Nó đủ lớn để chụp được kích thước của một phần bầu trời có kích thước 40 mặt trăng.

Sắp có thuốc có thể chữa trị hoàn toàn Covid-19

Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Cell số ra trung tuần tháng 9-2020, các chuyên gia Đại học Y Pittsburgh (Mỹ) vừa phân lập thành công kháng thể sẽ được sử dụng để tạo ra thuốc Ab8 có khả năng vô hiệu hóa hoàn toàn vi rút gây bệnh Covid-19. Kháng thể này được phân lập từ huyết tương hiến của người từng mắc Covid-19. Qua các thử nghiệm cận lâm sàng trên chuột cho thấy, Ab8 hiệu quả cao trong việc ngăn chặn và điều trị nhiễm Sars-CoV-2. Chuột sử dụng thuốc có lượng vi rút hoạt động ít hơn 10 lần so với chuột dùng giả dược, Ab8 ngăn chặn vi rút xâm nhập tế bào và không để lại các tác dụng phụ.

Theo đánh giá sơ bộ của các chuyên gia thì Ab8 không chỉ là liệu pháp điều trị tiềm năng, nó còn có thể giúp phòng ngừa Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác.  Hy vọng đây là phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân Covid-19 và bảo vệ người chưa từng nhiễm vi rút, không có miễn dịch.

Robot siêu nhỏ hoạt động trong cơ thể người

Các chuyên gia cơ khí thuộc Đại học Cornell Mỹ (CU) vừa phát triển thành công robot siêu nhỏ có thể hoạt động ngay trong cơ thể con người, có thể ứng dụng để chữa bệnh. Robot siêu nhỏ đầu tiên này sử dụng chất bán dẫn để điều khiển từ ngoài cơ thể nhờ các xung laser. Nó có kích thước dài 40 - 70 micron, dày 5 micron và rộng 40 micron (1micron= 1/1.000.000 mét), có khả năng di chuyển nhờ 4 chân tích hợp và một bộ não làm từ silicon quang điện kèm theo 4 bộ truyền động dạng chân để giúp robot di chuyển. Hiện nay robot đang trong quá trình kiểm tra và thử nghiệm một số chức năng quan trọng, như hệ phân phối thuốc sau khi được đưa vào cơ thể. Nếu thành công, trước mắt robot sẽ được ứng dụng cho ngành y, dùng để truyền thuốc định kỳ trong cơ thể, chẩn đoán bệnh sớm ngay từ giai đoạn đầu.

Nguyễn Duy

(Dịch từ STC/NAC/ IMC/ACT/ELC-9/2020)

 


Ý kiến bạn đọc