Phát minh mới hỗ trợ đẩy lùi dịch bệnh
Xét nghiệm Covid-19 trực tiếp từ nước bọt
Theo hãng tin CNN, Cục Quản lý thực & dược phẩm Mỹ (FDA) vừa cấp phép cho một xét nghiệm Covid-19 mới trực tiếp từ mẫu nước bọt, có tên SalivaDirect. Đây là xét nghiệm giá rẻ, có thể được thực hiện mà không cần đến các công cụ cồng kềnh, tốn kém và mất nhiều thời gian. SalivaDirect là sản phẩm của các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Cộng đồng Yale (YSPH), từng được thử nghiệm cho các cầu thủ và nhân viên ở Hiệp hội Bóng rổ quốc gia Mỹ (NBA) và cho kết quả rất khả quan.
Ưu điểm của SalivaDirect là dùng nước bọt nên đơn giản, chỉ cần gom nước bọt vào bình chứa vô trùng. SalivaDirect không cần công đoạn phân ly, chiết axit nucleic như các xét nghiệm Covid-19 truyền thống. Mỗi xét nghiệm có chi phí không quá 10 USD (khoảng hơn 230.000 đồng) nên rất phổ thông và tiện lợi.
Máy lọc không khí kiêm khẩu trang chống Covid-19
Hãng LG Hàn Quốc vừa trình làng một loại khẩu trang mới chống Covid-19 kiêm máy lọc không khí có tên PuriCare Wearable Air Purifier (PCA) với cấu trúc đặc biệt, sử dụng lưới lọc kép H13 HEPA thay được, giống như cấu trúc thiết bị lọc truyền thống. LG gọi đây là khẩu trang lọc khí chủ động, dùng quạt điện và pin nên khi dùng thoải mái hơn so với các khẩu trang thụ động thông thường. Khẩu trang PCA được trang bị các cảm biến nhận biết nhịp thở người dùng để điều chỉnh tốc độ quạt gió phù hợp. Với pin 820 mAh, quạt có thể hoạt động trong 8 giờ liên tục ở chế độ năng lượng thấp và 2 giờ cao tải. LG hy vọng khẩu trang PCA có thể giải quyết đồng thời nhiều mục đích, vừa chống dịch bệnh lại có thể lọc khí, phù hợp với nhóm người phải làm việc trong môi trường căng thẳng, nguy hiểm như nhân viên y tế hay trong các môi trường có mức độ không khí ô nhiễm nặng.
Máy lọc không khí kiêm khẩu trang chống Covid-19. |
Robot chẩn đoán bệnh Covid-19 từ xa
Để hạn chế lây nhiễm cho nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch Covid-19, các chuyên gia ở Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ (MIT) và Bệnh viện Brigham and Women’s Hospital vừa phối hợp phát triển ứng dụng bác sĩ robot khám bệnh Covid-19 từ xa có tên Dr. Spot. Đây thực chất là một loại chó robot để đo các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân từ xa nhờ thiết bị cầm tay mà không cần phải đi vào phòng kín hay tiếp xúc trực tiếp.
Dr. Spot - Robot chẩn đoán bệnh Covid-19 từ xa. |
Với việc sử dụng công nghệ thị giác máy tính hiện đại, Dr. Spot có khả năng đo nhiệt độ da, nhịp tim mạch và độ bão hòa oxy trong máu của bệnh nhân ở khoảng cách xa 2 mét nhờ 4 camera hồng ngoại đơn sắc, kết hợp thuật toán. Các phép đo từ camera hồng ngoại cũng có thể được sử dụng để tính nhịp thở của bệnh nhân. Khi bệnh nhân hít thở, hơi thở của họ làm thay đổi nhiệt độ khuôn mặt. Việc đo sự thay đổi nhiệt độ này cho phép tính toán tốc độ thở của bệnh nhân. Chưa hết, Dr. Spot cũng mang theo một máy tính bảng giúp bác sĩ hỏi bệnh nhân về các triệu chứng mà không cần tiếp xúc kín trong phòng.
Biến mỡ trắng thành mỡ nâu để trị béo phì và tiểu đường
Cơ thể con người chứa nhiều tế bào mỡ khác nhau. Mỡ trắng gây béo bụng, còn mỡ nâu lại dễ đốt cháy hơn để tạo năng lượng nên không gây béo phì. Hiểu được cơ chế này, năm 2018 các nhà khoa học tại Đại học Columbia Mỹ (UoC) đã dùng kỹ thuật chỉnh sửa gen tạo ra loại mỡ tốt giúp giảm béo phì và tiểu đường. Và nay Trung tâm tiểu đường Joslin ở Boston, Mỹ (JDC) tiếp tục phát triển một phương pháp mới khả thi hơn tạo ra một loại mỡ nâu đích thực. Cơ chế chuyển đổi mỡ trắng thành nâu của JDC liên quan đến một số hormone mang hiệu ứng như tác động của tập thể dục, tiêm các hạt nano trực tiếp vào các vùng tích tụ chất béo, liệu pháp gen hoạt động giống như một công tắc chuyển đổi chất béo.
Hệ thống chỉnh sửa gen được sử dụng để tăng sự biểu hiện của UCP1, một loại gen khiến các tế bào sinh trưởng của tế bào mỡ trắng chuyển thành các tế bào mỡ nâu. Kết quả cho ra đời tế bào mỡ thành phẩm có tên HUMBLE mang màu nâu như trong cơ thể con người. Nghiên cứu trên mở ra triển vọng mới hứa hẹn điều trị béo phì, tiểu đường tuýp 2 và nhiều căn bệnh nan y do béo phì sinh ra.
Dùng cảm biến smartphone cảnh báo lạm dụng rượu
Để hạn chế tình trạng uống rượu quá chén, nhóm chuyên gia ở Đại học Y khoa Pittsburgh, Mỹ (UoP) đã nghiên cứu, cho ra đời một loại cảm biến dùng cho điện thoại thông minh cảnh báo con người khi uống quá chén nhờ “đo” được độ say của người dùng.
Nguyên lý làm việc của điện thoại cảnh báo say rượu là sử dụng cảm biến gia tốc và con quay hồi chuyển tích hợp để đo mức độ lắc lư của cơ thể sang phải trái, lên xuống, tiến và lùi khi bước đi. Các thông số đo được so sánh với dữ liệu cơ sở lúc không uống rượu, nhất là khi độ cồn trong hơi thở đạt tới ngưỡng trên 0,8%. Cảm biến nói trên đã được thử nghiệm cho nhóm đàn ông từ 21 - 43 tuổi và cho kết quả chính xác khoảng 90%.
Hùng Duy
(Dịch từ CNN/IC/NAT/IEC/NAC- 8 và 9/2020)
Ý kiến bạn đọc