Khám phá cơ sở sản xuất kháng nọc rắn lớn nhất thế giới
Viện nghiên cứu Instituto Clodomiro Picado (ICP) được đánh giá là cơ sở sản xuất các loại thuốc kháng nọc rắn lớn nhất thế giới, cứu mạng hàng triệu người trên thế giới trước lưỡi hái tử thần.
Cơ sở này rộng hơn 4 ha ở Coronado, nằm ở phía đông bắc của thủ đô San Jose (Costa Rica). Bên trong ICP là khu nuôi ngựa và tòa nhà phòng thí nghiệm, hầm chứa những con rắn chết được bảo quản cẩn thận trong các hũ thủy tinh xếp ngay ngắn thành từng tầng, tạo nên một cảnh tượng rùng rợn y như nghĩa địa thời cổ đại.
Là quốc gia Trung Mỹ, Costa Rica là quê hương của nhiều loài động và thực vật hoang dã, trong đó có rắn. Hiện có 23 loài rắn độc ở Costa Rica, gồm mãng xà Trung Mỹ (dài đến 3,3 m); rắn Bocaraca, dân địa phương còn gọi là loài “hắc quỷ”, hay Bothrops asper, loài rắn sống trải dài từ Mexico đến miền Bắc Peru, có nọc độc nhiều gấp 10 lần rắn hổ mang... Theo một báo cáo điều tra, với dân số hơn 5 triệu người nhưng Costa Rica có số người bị rắn cắn thuộc diện cao nhất thế giới, cao hơn tỷ lệ người chết do ung thư phổi trên toàn cầu hiện nay.
Ngoài việc đáp ứng nguồn kháng nọc cho người dân trong nước, Costa Rica và Viện nghiên cứu Instituto Clodomiro Picado còn cung cấp các đơn hàng kháng nọc hoặc phát triển thuốc kháng nọc cho bốn châu lục. Mỗi phương pháp điều trị sẽ được tùy chỉnh để chống lại nọc độc của các loài rắn, từ loài rắn lục thảm Tây Phi cho đến rắn Đài Bản Papua. Nhờ kháng nọc của ICP mà số ca tử vong do rắn cắn ở Costa Rica đã giảm mạnh, trung bình 1 - 2 năm mới có người chết do rắn cắn, tỷ lệ này tương đương với số ca tử vong vì tai nạn máy cắt cỏ ở Mỹ.
Lọ đựng xác rắn tại Viện nghiên cứu Instituto Clodomiro Picado dùng cho nghiên cứu, sản xuất kháng nọc. |
ICP có thể sản xuất khoảng 100.000 lọ kháng nọc/năm theo công nghệ truyền thống kết hợp kỹ thuật hiện đại. Theo ông Jose Maria Gutierrez, cựu Giám đốc ICP kiêm Giáo sư danh dự Đại học Costa Rica, nơi tư vấn giám sát hoạt động của ICP thì năm 1895, ICP bắt đầu sản xuất các loại kháng nọc đầu tiên bằng cách cấy vào cơ thể ngựa một lượng nọc rắn hổ mang châu Á, sau đó trích xuất máu ngựa rồi tách các kháng thể kháng nọc và trộn lẫn chúng để tạo ra một chất dịch để tiêm vào cơ thể nạn nhân bị rắn cắn. Giờ đây nguyên lý sản xuất kháng nọc của ICP cũng theo cách cũ nhưng hiện đại hơn nên có sản phẩm chất lượng cao, tinh khiết hơn.
ICP có khoảng 110 con ngựa sống chủ yếu trong trang trại ở cạnh một khu rừng mây, chúng được thay phiên nhau sản xuất kháng nọc theo định kỳ. Trong một quý, cứ 10 ngày một lần, nọc độc sẽ được tiêm thẳng vào cơ thể ngựa với liều lượng đủ để cho hệ miễn dịch ngựa nhận biết và tạo ra kháng thể chống lại nọc độc theo thời gian, nhưng không đủ độc để làm ngựa chết. “Máu ngựa sẽ được chiết xuất với số lượng kiểu như hiến máu tại ngân hàng máu dưới sự giám sát nghiêm ngặt của thú y”, Giáo sư Gutierrez tiết lộ. Khi máu lắng xuống, huyết tương chứa kháng thể được tách ra, thẩm lọc, làm sạch, vô trùng và trộn thành một chất lỏng trung tính. Tiếp đó, kháng độc được chuyển tới các bệnh viện, phòng khám và các trạm y tế ban đầu, nơi đó kháng nọc được pha với nước muối, tiêm vào tĩnh mạch nạn nhân bị rắn cắn.
Kháng nọc chống lại nọc độc diễn ra một cách chính xác ở cấp độ phân tử, hiểu nôm na như ổ khóa và chìa khóa. Do nọc độc có sự khác biệt về thành phần hóa học giữa các loài rắn khác nhau, nên kháng nọc cho một vết cắn cụ thể thì nó phải được tạo ra từ cùng loài rắn đó, hoặc từ một loại nọc tương tự. Để tạo ra kháng nọc chống lại nọc nhiều loài rắn được gọi là “đa hóa trị”, thì phải kết hợp các loại nọc khác nhau theo một công thức hợp lý.
Về nguyên liệu, ngoài ngựa nuôi, ICP còn có kho rắn nuôi nhốt với hàng trăm con rắn độc, kể cả rắn san hô. Nọc rắn san hô độc hại gấp 4 lần loài rắn Terciopelo, nếu khử hết nước thì nọc có màu trắng tinh khiết. Quy trình trích xuất nọc rắn sống cũng rất công phu và nghệ thuật. Trước tiên là công đoạn “vắt sữa”, người ta dùng chiếc xô có chứa khí carbon dioxide để nhốt rắn sống, nhằm làm dịu tính hung hãn của chúng.
Với những con rắn không dùng carbon dioxide thì các kỹ thuật viên phải dùng tay. Người bắt rắn phải có chuyên môn, kinh nghiệm, cảm nhận được chuyển động của con vật kể cả khi đã đeo găng và lấy nọc bằng cách đặt đầu con rắn lên một miệng phễu có bọc một lớp màng mỏng, để rắn cắn vào phễu và phun nọc ra.
Nguyễn Duy (Dịch từ LSC/ SMC/SDC- 10/2020)
Ý kiến bạn đọc