Ứng dụng chữa bệnh từ nghiên cứu trên động vật
Những thử nghiệm về hóa chất, thuốc chữa bệnh trên động vật của các nhà khoa học đã giúp y học kiểm chứng các liệu pháp chữa bệnh mới cho con người trong tương lai.
Nhện dệt mạng bừa bãi sau khi dùng chất kích thích
Ai cũng biết chất kích thích, gây nghiện rất độc cho hệ thần kinh; tùy dạng thuốc và nồng độ mà phản ứng của con người khác nhau. Để kiểm chứng, năm 1995 các nhà khoa học ở Trung tâm Bay vũ trụ Marshall (MSFC) Mỹ đã thử nghiệm cho loài nhện dùng nhiều loại thuốc kích thích khác nhau như: cần sa, caffeine và amphetamine..., sau đó quan sát việc di chuyển, dệt mạng của chúng.
Sau khi tiếp xúc với hóa chất gây nghiện, loài nhện có những hoạt động thật kỳ lạ. Chúng trở nên chậm chạp hơn, "lười" hơn, mạng dệt có vẻ lộn xộn hơn, bỏ qua những đường nét cơ bản, những đường tơ giăng dài khó và quan trọng. Hầu hết nhện đều "mất hứng" giữa chừng, riêng nhóm dùng amphetamine lại rất năng nổ nhưng mạng dệt bị lỗi, đầy lỗ hổng. Đối với nhóm dùng caffeine thì mạng nhện lại có cấu hình rất lạ theo kiểu xoắn ốc.
Với nghiên cứu trên, các nhà khoa học MSFC cho rằng, nếu chỉ dùng ở liều kiểm soát, các chất kích thích có tác dụng giảm đau, chữa bệnh như y học từng ứng dụng, nhưng vượt ngưỡng sẽ dẫn đến nguy hiểm khó lường. Thời gian lạm dụng càng dài thì mối nguy càng lớn.
Dùng loa rung giun đất
Năm 2020, hai nhà khoa học ở Melbourne (Australia) đã sử dụng loa để rung giun đất - nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng đối với công nghệ thần kinh. Trong nghiên cứu, hai nhà khoa học dùng rượu làm an thần cho giun, sau đó đặt chúng trên một cái loa, tăng âm lượng và quan sát khi giun bắt đầu chao đảo. Bằng cách sử dụng tia laser, khoa học có thể theo dõi tác động của loa với giun. Cơ thể của giun đất chủ yếu là nước, điều này đồng nghĩa, khi chúng bị rung, cơ thể sẽ hoạt động như những giọt nước và gợn sóng. Những rung động từ loa đã tạo ra một loại sóng gợn đặc biệt được gọi là sóng Faraday, đặt theo tên của nhà khoa học tiên phong về điện từ Michael Faraday.
Nghiên cứu rung bằng loa trên giun đất để tìm cách kết nối não người với máy tính. |
Hai nhà khoa học tin rằng phát hiện của họ có thể được sử dụng để phát triển một phương pháp không xâm lấn để kết nối não người với máy tính. Về cơ bản, khi những con giun này say xỉn, đầu chúng lắc lư trên loa, tạo ra ý tưởng giúp khoa học tìm ra một phiên bản Neuralink mới giống như của tỷ phú Elon Musk, ít độc hại hơn. Neuralink xuất hiện tháng 3-2017, với nhiệm vụ tạo ra những thiết bị nhỏ (chips) có thể cấy ghép vào não.
Khỉ dùng cánh tay robot điều khiển tâm trí
Mới đây, các nhà nghiên cứu từ Đại học Pittsburgh (UoP) Mỹ đã thực hiện một thử nghiệm là cho khỉ dùng cánh tay robot được điều khiển bằng não của nó. Đây là một cánh tay rất phức tạp được UoP chế tạo ra, sau đó dạy khỉ sử dụng cánh tay này để tự ăn kẹo dẻo nhờ thiết bị cấy ghép não tiên tiến. Cơ chế hoạt động của cánh tay có thể tóm tắt như sau: điện cực liên thông vào vỏ não vận động của khỉ để phát hiện tín hiệu từ não, tín hiệu này được bộ cấy ghép chuyển thành lệnh cho cánh tay. Nhóm đề tài đã rất cẩn thận để làm cho chuyển động của cánh tay càng chân thực càng tốt. Tay giả có vai động, khuỷu khớp gập được một chiều và bàn tay có cả móng vuốt y như bàn tay khỉ thật.
Theo giáo sư A.Schwartz, chuyên gia thần kinh, nghiên cứu mở đường cho việc ứng dụng ở người tàn tật, cho ra đời chi giả, giúp người bị liệt sống được độc lập.
Thử nghiệm heli cho cá sấu
Điều gì xảy ra khi cá sấu hít phải khí heli? Một câu hỏi kỳ lạ, nhưng một nhóm các nhà sinh học thực nghiệm tin rằng câu trả lời đã giúp họ hiểu rõ hơn về cách giao tiếp của loài bò sát ăn thịt này. Ở người, khi hít phải khí heli, giọng nói sẽ bị rè bởi khí heli nhẹ hơn không khí, có nghĩa là sóng âm thanh tăng tốc khi chúng truyền qua nó. Điều này làm cho các phân tử heli rung ở tần số cao hơn nhiều so với không khí, khiến giọng trở nên khàn khàn.
Để tìm hiểu thêm, nhóm nghiên cứu từ Đại học Vienna, Áo đã đặt một con cá sấu Trung Quốc nhỏ vào một bể kín khí, sau đó đổ đầy heliox (hỗn hợp an toàn của heli và oxy vào trong bể). Cá sấu thực sự nghe sâu hơn trong bể heliox, nhưng phân tích sau đó xác nhận rằng tần số giao tiếp ở ngưỡng cực thấp của cá sấu đã thực sự tăng lên. Điều này cho thấy rằng cá sấu giao tiếp với nhau như chim và người bằng cách làm cho không khí trong âm vực của chúng cộng hưởng. Và, rất có thể, khủng long cũng giao tiếp theo cách này trước khi chúng tuyệt chủng.
Nguyễn Duy (Dịch từ Listverse- 10/2020)
Ý kiến bạn đọc