Những thiết bị thông tin hỗ trợ cho cuộc sống
Quạt tự quay theo người dùng
Hai kỹ sư khởi nghiệp người Mỹ tên là Nate Oelke và Aj Sakher ở bang Minnesota vừa chế tạo thành công chiếc quạt có tên Following Fan (FF) có thể quay theo hướng của người dùng khi họ di chuyển. FF nặng 9,5 kg, đường kính cánh quạt 50,8 cm, góc quay tới 135 độ. FF có hình thức như một chiếc quạt cây thông thường nhưng điều khác biệt là nó được gắn một chiếc camera gắn ở giữa lồng quạt để theo dõi chuyển động của người dùng.
Quạt tự quay theo người dùng. |
Trong camera được cài đặt thuật toán quan sát máy tính chạy trên một vi xử lý tích hợp, đảm nhận phân tích hình ảnh thu được, có thể phát hiện vị trí của con người trong video. Hệ thống sẽ chọn người đứng gần camera nhất, điều khiển quạt sang trái hay phải khi người này di chuyển. Quạt sẽ tự động dừng chạy khi mục tiêu rời khỏi phòng và tiếp tục hoạt động khi người này quay lại.
Loại pin dẻo có mật độ năng lượng mạnh nhất
Nhóm chuyên gia tại Đại học California (UoC) đã hợp tác với Công ty Zpower phát triển thành công loại pin dẻo đặc biệt, có thể xô đổ kỷ lục của pin mạnh nhất hiện nay. Đây là loại pin sạc được có năng lượng cao gấp 5 - 10 lần so với loại mạnh nhất hiện nay. Cấu trúc pin này có thành phần bạc oxide - kẽm, sử dụng các linh kiện điện tử mềm, co giãn nên có dải ứng dụng lớn. Với đặc tính độc đáo như vậy nên loại pin này dễ sản xuất, không cần môi trường vô trùng, chân không. Theo ông Lu Yin, thành viên nhóm nghiên cứu, dung lượng loại pin này là 50 miliampe/cm2 ở nhiệt độ phòng, lớn hơn 10 - 20 lần so với dung lượng chung của pin lithium ion thông thường. Nó có thể được sạc lại đến hơn 80 chu kỳ mà vẫn không có dấu hiệu giảm điện dung và bị biến dạng.
Xe ô tô điện chạy 1.600 km “không cần sạc”
Hãng Aptera, một doanh nghiệp khởi nghiệp tại bang California (Mỹ), vừa trình diễn mẫu xe ôtô chạy điện mới (xe EV) có 3 bánh, 2 chỗ ngồi có thể chạy được quãng đường lên tới 1.600 km mà "không cần sạc". Xe được trang bị pin 100 kWh, trên nóc gắn hàng loạt pin mặt trời, đủ cung cấp năng lượng cho phương tiện chạy được 72 km mỗi ngày.
Xe ô tô điện chạy 1.600 km “không cần sạc”. |
Theo ông Chris Anthony, đồng sáng lập Aptera, xe chạy được quãng đường rất dài mà không cần ghé vào trạm sạc nhờ pin tích năng lượng và pin mặt trời cùng hoạt động. Xe dùng công nghệ Never Charge (không bao giờ phải sạc), nó gom ánh sáng mặt trời để chạy hơn 17.500 km/năm tại các vùng nhiều gió.
Cảm biến phát hiện gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh đang có nguy cơ tăng nhanh trong cuộc sống hiện đại, xảy ra khi các tế bào gan tích trữ quá nhiều chất béo dẫn đến viêm, xơ hóa, gây mô sẹo, vàng da, xơ gan và suy gan. Hiện nay, người ta phải sinh thiết tế bào để chẩn đoán; phương pháp này không chỉ gây đau đớn mà còn có độ tin cậy thấp. Để khắc phục, nhóm kỹ sư ở Viện Công nghệ Massachussett, Mỹ (MIT) đã cho ra đời công cụ chẩn đoán mới, dựa trên cộng hưởng từ hạt nhân (NMR) có thể phát hiện nhanh và sớm hai tình trạng chính là tế bào gan nhiễm mỡ và mô sẹo. Công cụ này thực chất là cảm biến siêu nhạy NMR có nguyên lý hoạt động giống như đo mức độ hydrat hóa trong cơ thể bệnh nhân trước và sau khi chạy thận. Cảm biến có thể quét tới độ sâu khoảng 6 mm dưới da, đủ để theo dõi gan chuột trong thí nghiệm. Trong thời gian khoảng 10 phút, nó có thể xác định chứng xơ hóa gan với độ chính xác 86% và bệnh gan nhiễm mỡ với độ chính xác 92%.
Camera tích hợp AI tìm được người lạc trong rừng
Ba nhà nghiên cứu gồm David Schedl, Indrajit Kurmi và Oliver Bimber ở Đại học Johannes Kepler (Áo) đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào camera bay, có thể ứng dụng tìm kiếm người lạc trong rừng sâu.
Theo nhóm đề tài, nguyên lý hoạt động của hệ thống bay này giống như trực thăng tìm kiếm cứu hộ được hỗ trợ thêm ống nhòm và máy ảnh nhiệt hồng ngoại. Tuy nhiên trong một số trường hợp, phương pháp ảnh nhiệt không mang lại hiệu quả như mong muốn bởi cây cối che khuất tầm nhìn hoặc ánh sáng mặt trời làm nóng môi trường khiến dễ bị nhầm lẫn. Nay các nhà nghiên cứu tích hợp AI “học triệt để” để cải thiện chất lượng hình ảnh. AI cho phép hợp nhất nhiều ảnh nhiệt hồng ngoại chụp từ trực thăng hoặc camera tạo thành một bức ảnh giống như được chụp bởi một chiếc máy ảnh có ống kính cực lớn. Sau khi xử lý, hình ảnh sẽ có độ sâu trường ảnh cao hơn, các ngọn cây sẽ nhòe còn người ở dưới đất sẽ dễ dàng được nhận diện. Thử nghiệm cho thấy phương pháp này có độ chính xác 87 - 95% so với mức 25% của các ảnh nhiệt truyền thống.
Khắc Duy
(Theo UCSD/DM/Verge/MIT/IEC-12/2020)
Ý kiến bạn đọc