Multimedia Đọc Báo in

Những sai lầm gây ảnh hưởng đến giấc ngủ

10:50, 25/06/2010

1. Thói quen ngủ vô tội vạ
Nhiều người có thói quen ngủ thiếu khoa học, lúc  thì ngủ quá nhiều, khi thì thức quá khuya và sau đó lại ngủ bù, không theo một thói quen nhất quán. Thực tế thì đồng hồ sinh học của cơ thể sinh ra để  đảm nhận nhiệm vụ này, có nghĩa là ngủ thức phải tuân thủ theo những thời gian nhất định, không được phá vỡ quy luật tự nhiên vốn có. Vì vậy nên áp dụng một chế độ ngủ nghỉ khoa học, nhất quán, kể cả những ngày nghỉ cuối tuần. Thói quen này giúp cho đồng hồ sinh học và các bộ phận cơ thể làm việc tốt hơn, duy trì quá trình sản xuất hormone điều phối giấc ngủ được ổn định.

 

2. Ngủ ngày quá nhiều
Ngủ ngày quá nhiều là để bù đắp lại thời gian mất ngủ trong đêm. Đây là thói quen không có lợi cho sức khỏe con người. Trước hết là nó gây ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm, nhất là đối với nhóm người cao tuổi, người có tật lo lắng suy nghĩ quá nhiều.
- Cách khắc phục: Trừ những trường hợp đặc biệt (những người đi làm ca đêm hoặc phải làm việc nhiều về ban đêm) cần duy trì giấc ngủ ban ngày không quá 30 phút và không nên ngủ quá sau 4 giờ chiều, có thể ngủ 30 phút ngay sau lúc ăn trưa hoặc 20 phút trước lúc 4 giờ chiều sẽ có lợi cho cơ thể, giảm mệt mỏi và giúp cho giấc ngủ ban đêm chất lượng hơn.
3. Chưa sẵn sàng đi ngủ
   Nếu chưa sẵn sàng đi ngủ mà lên giường quá sớm cũng không ngủ được. Lý do, cơ thể cần phải có thời gian nhất định để sản xuất ra các chất biến đưa thần kinh, đủ để truyền các tín hiệu phản hồi tới cho trung tâm điều phối giấc ngủ của não, nhằm tiết ra các loại hormone nhằm giúp cơ thể ngủ được dễ dàng.
- Cách khắc phục: Nên đi ngủ vào một giờ nhất định, trước khi đi ngủ cần có giai đoạn chuyển tiếp, nghỉ ngơi, không xem truyền hình, làm việc trên máy tính hoặc các thiết bị điện tử khác. Ngoài ra, có thể tắm nước nóng, nghe nhạc êm dịu, tập yoga hoặc các bài tập nhẹ nhàng, tạo cho cơ thể thói quen thuận lợi để dễ ngủ hơn.
4. Môi trường ngủ không thuận lợi
   Môi trường nóng quá, lạnh quá, sáng quá, gió quá, ẩm thấp, tối tăm đều không tốt cho giấc ngủ. Khi ngủ cần bảo đảm độ tối thích hợp để giúp cơ thể sản xuất ra các loại hormone và melatonin giúp ngủ tốt.
- Với lý do này, giới chuyên môn khuyến cáo mọi người không nên dùng đèn ngủ, nên duy trì độ càng tối càng tốt, hạn chế tối đa ánh sáng, kể cả ánh sáng phát ra từ các thiết bị điện tử dân dụng. Khi đi tiểu ban đêm không nên bật đèn mà dùng thiết bị chiếu sáng nhấp nháy hoặc điện thoại di động phát sáng sẽ có lợi hơn cho sức khỏe.
5. Ăn uống khi đi ngủ
Đây là tật xấu nhiều người mắc phải, lâu ngày thành thói quen khó sửa, không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Thói quen này tạo ra những cơ chế trao đổi chất bất thường, làm tăng lượng đường huyết, stress, đặc biệt là can thiệp đến quá trình sản xuất hormone ngủ, tạo ra giấc ngủ chập chờn, nhất là khi ăn các loại thực phẩm có hàm lượng protein cao.
- Cách khắc phục: Tốt nhất là không nên ăn uống trước khi đi ngủ.
6. Dùng thuốc ngủ
 Dùng thuốc ngủ không phải là giải pháp tối ưu để giải quyết bệnh mất ngủ. Theo nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy dù dùng thuốc theo đơn hoặc không theo đơn, nhất là dùng dài kỳ sẽ gây nghiện và không tốt cho sức khỏe, làm cho bệnh tình thêm trầm trọng.
- Cách khắc phục: Để mang lại lợi ích dài kỳ thì nên nghỉ ngơi, thư giãn nhằm giảm căng thẳng giúp người ta dễ ngủ hơn. Thực tế cho thấy một số bài tập như thở sâu, yoga, ngồi thiền có tác dụng rất tích cực giúp mọi người an tâm, giảm căng thẳng và cuối cùng ngủ dễ hơn.
7. Dùng rượu để ngủ
 
Do ảnh hưởng của rượu, nhiều người mất ngủ đã dùng rượu để thúc đẩy giấc ngủ. Thực tế thì rượu có hiệu ứng kích thích giấc ngủ ban đầu, nhưng sau khi cơ thể xử lý rượu thì nó lại tạo ra tác dụng ngược, gây  ảnh hưởng đến giấc ngủ từ sau nửa đêm trở ra làm cho người ta thức trắng và gây ra nhiều tác hại khác một khi vừa nghiện rượu lại mất ngủ.
- Cách khắc phục: Tốt nhất là không dùng rượu để tạo thói quen ngủ, thay bằng các liệu pháp dưỡng chất như dùng axít amino, các loại thảo dược, bổ sung dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, kể cả melatonin, nhất là nhóm người trung cao tuổi. Nên ăn uống cân bằng khoa học, từ đó tạo ra thói quen ngủ tốt.
8. Xem ti vi để ngủ thiếp đi
   Thói quen này rất nhiều người mắc phải, theo đó thay vì lên giường nhiều người đã ngủ ngay trên ghế hoặc trên nền nhà, hậu quả tạo ra thói quen khó sửa, gây mất ngủ và phát sinh chứng nghiện ti vi.
- Cách khắc phục: Chỉ nên xem tivi có chừng mực, không nên vừa nằm vừa xem hoặc dùng ti vi để dụ ngủ.
9. Nằm chờ ngủ
Có người nằm tới 30-45 phút chờ nhưng vẫn không ngủ được. Lý do "cánh cửa ngủ" vẫn đóng kín hoặc cơ thể chưa gặp "cơn sóng ngủ". Qua nghiên cứu các nhà khoa học phát hiện thấy trước khi ngủ não bộ xử lý rất nhiều thao tác, qua nhiều chu kỳ, mỗi chu kỳ kéo dài hàng tiếng, nếu các chu kỳ này chưa kết thúc, “cửa chưa mở” thì giấc ngủ vẫn không tới được.
- Cách khắc phục: Làm thế nào để bắt được các “cơn sóng ngủ”, đây là một việc làm không mấy đơn giản và rất đa dạng. Theo khuyến cáo thì nên đọc sách báo, tập yoga và thực hiện những công việc thư giãn, một khi không ngủ được nằm hàng giờ trên gường lại càng mệt. Nói tóm lại, mất ngủ là tập hợp của nhiều nguyên nhân nhưng để giấc ngủ đến nhanh và bắt được sóng ngủ tốt thì mọi người phải duy trì chế độ ăn uống căn bằng, khoa học, giảm stress, năng luyện tập, sống vui sống khoẻ, trường hợp mắc bệnh thì nên đi khám và điều trị đồng thời những căn bệnh này.
Khắc Nam
(Theo Net/DC- 6/2010)

 


Ý kiến bạn đọc