Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa thiếu máu, thiếu sắt ở phụ nữ mang thai

10:00, 16/06/2010

Thiếu máu, thiếu sắt là tình trạng thường gặp ở phụ nữ mang thai và cho con bú. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có đến 1/3 dân số trên thế giới bị tình trạng thiếu máu, tập trung nhiều nhất ở phụ nữ mang thai, với hơn 50% lượng thai phụ trên thế giới bị thiếu máu, phần lớn là ở các nước đang phát triển. Đối với phụ nữ mang thai, nhu cầu sử dụng chất sắt rất cao. Nếu thiếu sắt sẽ dẫn đến chứng thiếu máu thiếu sắt, tăng nguy cơ đẻ non, tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong mẹ và con.... Do đó, phụ nữ mang thai nên lưu ý bổ sung viên sắt, sử dụng các thực phẩm có tăng cường chất sắt.
Nguyên nhân chính của tình trạng thiếu máu là do khẩu phần ăn của các gia đình hiện nay rất nghèo chất sắt, nhất là sắt có nguồn gốc từ động vật. Đặc biệt, trẻ em chỉ uống nhiều sữa mà không ăn thức ăn giàu chất sắt và phụ nữ theo chế độ ăn kiêng để giảm cân thì nguy cơ thiếu sắt rất cao.
Khi cơ thể thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu. Tuy nhiên, triệu chứng của thiếu máu thường không rõ rệt, người bị thiếu máu da dẻ thường xanh xao, hay mệt mỏi, có những cơn hồi hộp không thường xuyên, tim đập nhanh... Để phát hiện thiếu máu, cần phải làm xét nghiệm để chẩn đoán xác định có bị thiếu máu hay không, xét nghệm này là bắt buộc đối với phụ nữ mang thai. Phụ nữ khi mang thai mà bị thiếu máu có nguy cơ đẻ con nhẹ cân và dễ bị chảy máu ở thời kỳ hậu sản. Con sinh ra có tình trạng dự trữ sắt thấp. Vì vậy, người ta đã coi thiếu máu do thiếu sắt trong thời kỳ thai nghén là một đe dọa sản khoa.
Để phòng chống thiếu máu do thiếu sắt ở phụ nữ mang thai, các bà mẹ cần bổ sung viên sắt ngay khi có thai và đều đặn suốt thời gian mang thai cho tới khi sinh một tháng. Liều bổ sung là 60mg sắt nguyên tố hằng ngày (1 viên/ 1 ngày), thường kèm theo cả acid folic 400mcg mỗi ngày.
Ngoài ra, còn cần phải cải thiện chế độ ăn cho phụ nữ mang thai, lựa chọn các thức ăn động vật giàu sắt và acid folic như gan động vật, thịt các loại, rau có màu xanh thẫm. Nên ăn thức ăn giàu vitamin C và protein để hỗ trợ cơ thể hấp thu sắt như trái cây, đồ biển, cá, trứng. Hạn chế các yếu tố gây ức chế hấp thu sắt trong thức ăn như nước chè, đậu đỗ.
Trên thế giới, sắt được nghiên cứu bổ sung vào các loại thức ăn như sữa, bột ngũ cốc, bánh mì, bánh bích quy... Ở Việt Nam đã có sắt trong nước mắm, bánh bích qui tăng cường sắt và đa vitamin khoáng chất cho học sinh, phụ nữ mang thai; bột dinh dưỡng có tăng cường đa vitamin và khoáng chất cho trẻ em thời kỳ ăn dặm. Do đó, có thể tìm mua các thực phẩm có chứa sắt rất dễ dàng.

Minh Thu

Ý kiến bạn đọc