Multimedia Đọc Báo in

Rửa tay sạch để phòng bệnh

17:33, 23/06/2010

Rửa tay sạch là một trong những biện pháp phòng bệnh đơn giản nhất mà ai cũng có thể làm được.
Hằng ngày, chúng ta thường chỉ rửa tay khi tay dơ bẩn, sau khi đi vệ sinh, sau khi làm thức ăn. Mọi người rửa tay chủ yếu là để làm sạch vết bẩn trên tay, làm mất mùi hôi của thực phẩm hơn là để loại bỏ những loại vi trùng, siêu vi trùng có khả năng lây bệnh. Những loại vi trùng, siêu vi trùng này có thể gây nên những bệnh hết sức nguy hiểm như: tiêu chảy, thổ tả, thương hàn, kiết lỵ, cảm cúm, giun kim, hội chứng viêm não cấp... Mầm bệnh vào cơ thể chính là từ những vi khuẩn còn bám lại trên những bàn tay chưa rửa sạch và khi đưa tay lên mũi, miệng, hoặc cầm, nắm thức ăn bằng tay, vô tình chúng ta đã đưa vi khuẩn vào cơ thể.
Khi nào cần phải rửa tay?
Các cuộc nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng, bàn tay của chúng ta cực kỳ bẩn. Trên một diện tích rất nhỏ là 10cm2, da bàn tay của người bình thường chứa khoảng 40.000 vi khuẩn và không thể thấy chúng bằng mắt thường được. Các chuyên gia y tế khuyến nghị: rửa tay là biện pháp đơn giản nhất, dễ làm và hiệu quả nhất để ngăn ngừa các loại vi trùng nguy hiểm xâm nhập vào cơ thể. Rửa tay có thể làm giảm đến 10 lần số lượt mắc tiêu chảy, làm giảm nhiễm khuẩn đường hô hấp tới 19-45% và phòng tránh được cả Hội chứng não cấp do siêu vi trùng.
Việc thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn mà chúng ta có thể bị lây nhiễm do tiếp xúc với người bệnh, với động vật bị bệnh hoặc các vật dụng bị nhiễm khuẩn, giúp cho bản thân không bị bệnh cũng như hạn chế sự lây bệnh cho người khác.
Chúng ta nên thường xuyên giữ tay sạch sẽ, tuy nhiên trong những trường hợp sau nhất thiết phải rửa tay:
- Sau khi sử dụng nhà vệ sinh
- Sau khi xỉ mũi, ho, hắt hơi mà che mũi, miệng bằng tay.
- Trước và sau khi chuẩn bị thức ăn
- Trước khi ăn
- Sau khi cầm vào thịt, cá, tôm... và thực phẩm tươi sống nói chung
- Sau khi chạm tay vào thùng rác, đồ bẩn
- Trước và sau khi chăm sóc vết thương, vết đứt tay...
- Trước và sau khi tiếp xúc người bị thương hoặc người bệnh
- Sau khi thay tã cho bé.
- Sau khi tiếp xúc với động vật hoặc các đồ làm thí nghiệm
- Trước khi lắp và cất kính vào tròng.
Đặc biệt, những người làm dịch vụ ăn uống chưa có thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh. Các hành vi theo thói quen như: gãi, tiếp xúc vớ đầu tóc, mũi và các phần khác trên cơ thể đều có thể nhiễm bẩn và làm lây nhiễm nguồn bệnh. Theo thống kê của các chuyên gia y tế, cứ 10 vụ ngộ độc thực phẩm thì có đến 7  vụ liên quan đến bàn tay bẩn.
Bên cạnh đó, việc giữ bàn tay sạch cũng rất quan trọng đối với các nhân viên y tế. Các bác sĩ khi thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân phải rửa tay theo các quy trình rất nghiêm ngặt trước khi phẫu thuật: chấm cồn i ốt vào các đầu móng tay đã cắt ngắn, cọ sạch tay bằng bàn chải và dung dịch sát trùng, sau ít phút cọ lại tay bằng một bàn chải sạch khác, tiếp đó ngâm tay vào cồn rồi mới có thể phẫu thuật. Các nhân viên y tế khác khi chăm sóc bệnh nhân cũng phải rửa tay sạch theo quy trình rửa tay sạch của Bộ Y tế, nhằm tránh nhiễm khuẩn bệnh viện.
Các bước rửa tay sạch
Sau đây là các bước rửa tay để phòng bệnh hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế:
- Bước 1:  Làm ướt tay bằng nước sạch. Lấy xà phòng vào lòng bàn tay. Chà xát hai lòng bàn tay vào nhau.
- Bước 2: Dùng ngón tay và lòng bàn tay này cuốn và xoay lần lượt từng ngón của bàn tay kia và ngược lại.
- Bước 3: Dùng lòng bàn tay này chà xát chéo lên mu bàn tay kia và ngược lại.
- Bước 4: Dùng đầu ngón tay của bàn tay này miết vào kẽ giữa các ngón của bàn tay kia và ngược lại.
- Bước 5: Chụm 5 đầu ngón tay của tay này cọ vào lòng bàn tay kia bằng cách xoay đi, xoay lại.
- Bước 6: Xả cho tay sạch hết xà phòng dưới nguồn nước sạch. Lau khô tay bằng khăn hoặc giấy sạch.

Minh Thu

Ý kiến bạn đọc