Multimedia Đọc Báo in

Sốt xuất huyết vào mùa: Bệnh nhi tăng đột biến, thể bệnh nặng

10:54, 25/06/2010
Theo số liệu thống kê của khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đầu quý II đến nay, khoa đã tiếp nhận cấp cứu cho 37 trường hợp bệnh nhi mắc SXH. Con số này bằng với tổng số trường hợp trẻ mắc SXH của 6 tháng đầu năm 2009 (quý I là 19 ca, quý II là 18 ca).
 

Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Nhi cho biết: Qua theo dõi của ngành y tế, cứ khoảng 3 - 4 năm, SXH sẽ gây dịch 1 lần. Gần đây nhất, năm 2007 đã xảy ra dịch SXH. Vì vậy, dự báo năm 2010 sẽ xảy ra dịch SXH theo chu kỳ và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, thời điểm này, mặc dù mới vào đầu mùa mưa nhưng tỷ lệ mắc đã tăng cao nên dự báo nguy cơ quý III (thời điểm bùng phát của bệnh SXH) số lượng bệnh nhi nhập viện cấp cứu sẽ tăng so với cùng kỳ năm trước (quý III năm 2009, khoa Nhi tiếp nhận 68 trường hợp bệnh nhi mắc SXH). Năm nay, lượng bệnh nhi vào điều trị tại khoa đều mắc SXH độ 3, một số độ II nhưng sau đó chuyển độ rất nhanh. Hầu hết trẻ nhập viện đều có các biểu hiện rất nặng như: suy tuần hoàn, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt, hạ huyết áp và kèm theo da lạnh, ẩm, bứt rứt, vật vã, li bì, tiểu ít. Thậm chí, nhiều trường hợp còn có biểu hiện xuất huyết tiêu hóa, rối loạn đông máu, xuất huyết nặng… Đặc biệt, có những trẻ mặc dù đã điều trị đến ngày thứ 7, sức khỏe ổn định, chuẩn bị xuất viện lại tái sốc. 

 

Qua tìm hiểu được biết, hầu hết số trẻ nhập viện trong tình trạng bệnh nặng là do các bậc cha mẹ khi phát hiện trẻ bị bệnh chỉ đưa trẻ đi khám tại các phòng khám bệnh tư nhân. Đến khi bệnh chuyển nặng mới đưa đến bệnh viện. Vì thế, khi vào đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh nhi thường ở trong tình trạng sốc. Với 37 trường hợp trẻ mắc SXH nhập viện từ đầu năm đến nay, sau khi đưa đến bệnh viện đã được xử trí cấp cứu ngay như: thở ô xy, truyền dịch, truyền phân tử cao, truyền máu và các chế phẩm của máu, dùng thuốc vận mạnh… nên không có trường hợp nào tử vong và chỉ có một trường hợp phải chuyển lên tuyến trên.

 

Trẻ em mắc sốt xuất huyết đang được điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Trẻ em mắc sốt xuất huyết đang được điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh

 

Mặc dù số trẻ mắc SXH liên tục gia tăng trong thời gian gần đây, song tính chủ động phòng bệnh của các bậc phụ huynh và gia đình vẫn còn yếu. Theo bác sĩ Tuấn, trẻ mắc bệnh SXH nguyên nhân chủ yếu là do muỗi đốt. Muỗi gây bệnh SXH là loại muỗi vằn, có nhiều khoang trắng ở lưng và chân, thường sống ở trong nhà, đậu dưới gầm giường, gầm bàn, hốc tủ, những xó tối và đẻ trứng ở các ổ nước đọng, dụng cụ đựng nước. Chính vì vậy, để phòng bệnh sốt xuất huyết, các gia đình cần phải vệ sinh xung quanh nhà, phát quang bụi rậm, dẹp bỏ các nơi đọng nước, dụng cụ chứa nước bẩn, xúc rửa hồ nước thường xuyên, đậy nắp lu, hồ.. Ngoài ra, khi thấy trẻ có các dấu hiệu như: sốt cao 39-40oC đột ngột liên tục; có biểu hiện xuất huyết như nổi chấm xuất huyết, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đau bụng; sốt cao trên 2 ngày phải nghĩ ngay đến nguy cơ trẻ mắc SXH và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị. Trường hợp trẻ hết sốt nhưng bứt rứt, li bì, tay chân lạnh vã mồ hôi, kèm theo nôn nhiều, đau bụng, nôn ra máu, đi ngoài ra máu, chảy máu chân răng, chảy máu mũi cũng phải đưa đến bệnh viện để được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc