Biện pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết
Thời tiết vào mùa mưa đã tạo môi trường thuận lợi cho các loại muỗi sinh sản và phát triển, đặc biệt là muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm vì tốc độ lan truyền nhanh, có thể gây thành dịch lớn; chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc-xin phòng bệnh; bệnh có thể gây tử vong, nhất là trẻ em. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm trên thế giới có khoảng 10 triệu người mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó 240.000 người chết vì bệnh sốt xuất huyết. Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên nước ta đã ghi nhận hơn 4.000 người mắc sốt xuất huyết tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2009. Tại khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh ta trong quý II năm 2010 đã tiếp nhận 34 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2009, số bệnh nhân nhập viện chủ yếu sống tại TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar, Cư Kuin. Dự báo tháng 7, tháng 8 sẽ là những tháng cao điểm của dịch sốt xuất huyết.
Nguyên nhân gây bệnh là do muỗi vằn đốt, truyền virút từ người bệnh sang người lành. Loại muỗi vằn này dễ nhận biết vì trên sống lưng và chân chúng có những vằn đen và trắng. Muỗi vằn thường đốt người vào ban ngày, nhất là vào lúc sáng sớm và chiều tối.
Sốt xuất huyết biểu hiện bởi hai triệu chứng đặc trưng là sốt và xuất huyết. Người bệnh sốt cao đột ngột từ 390C-400C, kéo dài liên tục từ 2-7 ngày; nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn; có các dấu vết bầm tím trên da hoặc chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Biểu hiện xuất huyết thường vào ngày thứ hai, thứ ba của bệnh.
Biện pháp điều trị bệnh sốt xuất huyết:
Bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phương pháp chủ yếu hiện nay vẫn là điều trị triệu chứng bằng hạ sốt và bù nước, điện giải cho người bệnh.
Trường hợp bệnh nhẹ hoặc chưa có điều kiện đưa người bệnh đến cơ sở y tế, có thể chăm sóc người bệnh tại nhà bằng cách cho uống nhiều nước, uống nước trái cây hoặc dung dịch Oresol; hạ sốt bằng cách lau nước ấm hoặc uống Paracetamol; cho ăn nhẹ với cháo hoặc súp.
Tuy nhiên cần phải lưu ý: Tuyệt đối không cho người bệnh uống thuốc Aspirin; không cạo gió, chích lể cho người bệnh. Phải đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế khi thấy có các dấu hiệu: Sốt cao liên tục, đau bụng, nôn, tay chân lạnh, chảy máu mũi, đi ngoài ra máu.
Bệnh sốt xuất huyết rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Vì muỗi vằn chính là thủ phạm truyền bệnh, cho nên tiêu diệt muỗi vằn đồng nghĩa với việc chặn được dịch bệnh sốt xuất huyết.
Loại bỏ những nơi muỗi vằn sinh sản bằng cách đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi vằn không vào đẻ trứng; thường xuyên lau rửa lu khạp, thùng, bể chứa nước, thả cá vào các lu khạp chứa nước để cá ăn loăng quăng; bỏ muối hoặc dầu vào các chén đựng nước kê chậu tủ thức ăn; vệ sinh môi trường, thu gom phế thải chứa nước như lốp xe, thùng, lon bỏ, không để nước đọng quanh nhà.
Tránh bị muỗi đốt bằng cách ngủ trong màn, kể cả ban ngày hoặc có thể sử dụng hóa chất nhằm tiêu diệt muỗi như nhang diệt muỗi, phun thuốc, tẩm màn.
Người mắc bệnh sốt xuất huyết phải nằm màn, mặc quần áo dài tay để tránh muỗi đốt làm lây bệnh sang người khác.
Ý kiến bạn đọc