Bỏng và cách phòng ngừa
Bỏng là một tai nạn thường gặp trong cuộc sống. Ở nước ta, 60% nạn nhân bỏng là trẻ em do gia đình không chăm nom cẩn thận, sơ suất để các cháu đến gần bếp lửa, thức ăn nóng, đèn dầu và đồ điện. Ở người lớn, tai nạn bỏng xảy ra chủ yếu do hỏa hoạn, bỏng điện.
Theo báo cáo của Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2010, có hơn 155 trường hợp bỏng phải vào nhập viện, trong đó 80% là trẻ em. Có thể kể ra một số trường hợp bỏng như: cháu Nguyễn Văn Tú (3 tuổi) ở xã Quỳnh Ngọc (Krông Ana) ở nhà một mình, khi khát nước cháu với tay lấy phải bình nước nóng để trên cao và bị nước nóng đổ vào người. Anh Y Kim ở huyện Dak Mil (tỉnh Dak Nông) nhập viện trong tình trạng bỏng độ 2 và độ 3, toàn thân cháy sém. Anh bị bỏng là do ngủ ngoài rẫy cà phê, sử dụng đèn dầu thắp sáng, sơ ý để đèn bén lửa cháy lều trong lúc đang ngủ. Trường hợp bỏng của anh Nguyễn Văn Tốt ở Buôn Triết (Krông Ana) cũng là do bất cẩn. Anh mua xăng về để trên bàn uống nước, khách đến gia đình chơi hút thuốc lá, vô ý làm rơi tàn thuốc và ngọn lửa bùng lên gây bỏng cho chủ nhà.
Bỏng có thể gây tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề như: mất chức năng vận động, biến dạng, mất thẩm mỹ. Bác sĩ Trần Minh Mẫn, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Thông thường trẻ bị bỏng sau khoảng 1 tháng, có khi 1 năm mới vào điều trị các di chứng, đó là các ngón tay bị dính, cong gập. Di chứng này không những ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây hại đến chức năng của bàn tay và phải trải qua 2, 3 lần phẫu thuật, bàn tay bị tật mới trở lại bình thường. Trong nhiều trường hợp, vết bỏng ở diện rộng, lan khắp vùng ngực để lại những di chứng nặng nề, đặc biệt ở bé gái, gây hỏng mầm tuyến vú khiến tuyến này sẽ không phát triển được. Một di chứng nữa hay gặp là các vết bỏng ở cổ thường gây ra dính cổ, khiến trẻ vận động khó khăn và biến dạng đốt sống cổ. Khi bị bỏng, da là bộ phận dễ bị tổn thương nhất và khi đó da không còn giữ được vai trò bảo vệ cơ thể chống nhiễm trùng. Ở vết thương bỏng có biểu hiện hoại tử viêm, sưng, phù nề, thoát dịch huyết tương làm cho bệnh nhân có cảm giác đau rát dữ dội, mất nước. Nếu vết bỏng không được xử lý kịp thời có thể gây nhiễm trùng huyết, lan rộng hoại tử nên làm tăng diện tích sẹo và di chứng sẹo sau này. Mức độ tổn thương của bỏng nặng hay nhẹ phụ thuộc vào việc xử lý ban đầu, nếu xử lý sớm và đúng cách sẽ tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra cho người bệnh. Những trường hợp bỏng nhẹ có thể sơ cứu tại nhà, người dân thường có thói quen bôi nước mắm, xát muối, kem đánh răng, chườm đá... Song, trên thực tế đây lại là phương pháp không phù hợp vì làm bệnh nhân đau đớn hơn. Người bị bỏng nên ngâm chỗ bị bỏng vào nước lạnh sạch, nếu để lâu sẽ không còn tác dụng vì nước lạnh là giải pháp tối ưu cho tất cả các trường hợp bị bỏng nặng hay nhẹ. Nó làm sạch, mát những hóa chất dính trên vết bỏng, giảm đau, giảm nguy cơ gây sốc cho bệnh nhân. Bỏng điện cũng vô cùng nguy hiểm, khi phát hiện phải dùng vật cách điện (bao tay, que, gậy khô) ngắt điện ngay, bị bỏng điện nhìn bên ngoài có thể là rất nhẹ nhưng nguy cơ thương tổn lại rất cao có thể ăn sâu bên trong lớp biểu bì và ảnh hưởng đến nhịp tim, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Bỏng là tai nạn dễ gặp phải, do đó phải cẩn thận, hoặc có các biện pháp an toàn để tránh bị bỏng. Những người chăm sóc trẻ cần phải hết sức chú ý trông nom trẻ, không để các vật dụng dễ gây bỏng cho trẻ như nồi cơm, nồi canh nóng, nước sôi... ở chỗ trẻ dễ va phải. Đồng thời, phải dặn dò trẻ không nên chơi thả diều, câu cá, bắt chim dưới đường dây điện... Bên cạnh đó, cần trang bị tốt những biện pháp xử lý khi bị bỏng để hạn chế tối đa những ảnh hưởng cho cơ thể; trong mỗi gia đình nên có các vật dụng sơ cứu và thuốc trị bỏng để chữa trị bỏng kịp thời.
Ý kiến bạn đọc