Multimedia Đọc Báo in

Đề án 1816 về tăng cường cán bộ y tế tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới: Làm thay đổi “chất” cho y tế Dak Lak

11:14, 30/12/2011

Gần 2 năm triển khai Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” theo Quyết định số 1816/QĐ-BYT được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt ngày 26-5-2008 (gọi tắt là Đề án 1816), chất lượng của hệ thống y tế ở tỉnh ta đã được cải thiện rõ rệt, nhiều bệnh viện đã tiếp cận và làm chủ các kỹ thuật cao mà các bệnh viện đầu ngành đang có, rút ngắn khoảng cách vùng miền và giảm tải cho tuyến trên… 

Những ngày cuối năm 2010, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Dak Lak đã được đón PGS.TS Nguyễn Chi Lăng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến đến khảo sát và trực tiếp chuyển giao kỹ thuật nội soi phế quản bằng ống mềm. Đây là một kỹ thuật tương đối hiện đại, giúp chẩn đoán và điều trị các bệnh phế quản, phổi. Thông qua nội soi có thể lấy dịch xét nghiệm, làm sinh thiết, điều trị, cầm máu, cắt khối u trong phổi và phế quản. So với phương pháp cũ (chụp X.quang), nội soi bằng ống mềm giúp chẩn đoán bệnh nhanh và chính xác hơn, phát hiện được khối u sớm và quan trọng hơn cả là người bệnh đã có cơ hội được điều trị ngay tại địa phương, không cần phải chuyển lên tuyến trên (Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP. Hồ Chí Minh)  như trước, qua đó tiết kiệm được thời gian và chi phí điều trị. Bác sĩ Trần Vinh, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh cho biết: “Chuyển giao kỹ thuật nội soi phế quản bằng ống mềm là một hoạt động nằm trong khuôn khổ thực hiện Đề án 1816. Để có thể triển khai kỹ thuật này ngay tại địa phương, ngoài việc được đơn vị đầu ngành chuyển giao kỹ thuật, trước đó, bệnh viện còn được Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ thiết bị, máy móc trị giá trên 1 tỷ đồng. Với sự đầu tư đồng bộ này, Bệnh viện là đơn vị đầu tiên trong khu vực Tây Nguyên áp dụng phương pháp nội soi phế quản bằng ống mềm vào khám chữa bệnh cho người dân. Có thể nói, đây chính là hiệu quả rõ ràng nhất mà Đề án 1816 đem lại. Tính từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ 3, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Dak Lak được Bệnh viện Phổi Trung ương chuyển giao kỹ thuật. Các kỹ thuật đều tập trung vào chẩn đoán, điều trị và cấp cứu bệnh nhân. Qua đó, tay nghề của cán bộ, y bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện được nâng cao, phục vụ người bệnh tốt hơn”.

Các y bác sĩ Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Dak Lak đang áp dụng kỹ thuật nội soi phế quản bằng ống mềm.
Các y bác sĩ Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Dak Lak đang áp dụng kỹ thuật nội soi phế quản bằng ống mềm.

Cùng với Bệnh viện Lao và bệnh Phổi thời gian qua, Bệnh viện Tâm thần Dak Lak cũng được tiếp nhận và thực hiện thành công kỹ thuật đo lưu huyết não, điều trị sốc điện từ Bệnh viện Tâm thần Trung ương II chuyển giao. Bệnh viện Đa khoa Dak Lak được Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) chuyển giao nhiều kỹ thuật trên các lĩnh vực huyết học, tiết niệu, ngoại khoa, truyền máu, tai - mũi - họng, mắt…; trong đó có một số kỹ thuật nổi bật như: mổ phaco, tán sỏi ngoài cơ thể qua da, tán sỏi ngược dòng qua niệu đạo, đặt máy tạo nhịp tim (một kỹ thuật tiên tiến được thực hiện đầu tiên trên khu vực Tây Nguyên); Viện Huyết học Truyền máu Trung ương chuyển giao cho Trung tâm huyết học Truyền máu của tỉnh các kỹ thuật về xét nghiệm tế bào máu, đông máu, điều trị các bệnh về máu, tổ chức thu gom máu và vận động hiến máu…

Song song với hoạt động tiếp nhận các kỹ thuật mới, kỹ thuật khó từ tuyến Trung ương, các đơn vị y tế tuyến tỉnh cũng cử cán bộ, y bác sĩ về hỗ trợ cho tuyến huyện và tuyến huyện lại về hỗ trợ tuyến xã để cùng nâng cao chất lượng ở cả 3 tuyến. Theo thống kê, toàn tỉnh đã có gần 150 lượt cán bộ, y bác sĩ tuyến tỉnh luân phiên về hỗ trợ tuyến huyện; gần 300 lượt cán bộ, y bác sĩ tuyến huyện về hỗ trợ cho tuyến xã. Theo bác sĩ Nguyễn Phi Tiến, Giám đốc Sở Y tế, Đề án 1816 của Bộ Y tế là một chủ trương đúng đắn nhằm hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị tuyến dưới để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, rút ngắn khoảng cách vùng miền và giảm tải cho tuyến trên. Giá trị của Đề án 1816 đem lại là người dân ở các vùng sâu, vùng xa đã được thụ hưởng nhiều kỹ thuật cao, được bác sĩ trực tiếp thăm khám, điều trị. Nhờ có Đề án 1816, 100% xã, phường trên địa bàn tỉnh đã có bác sĩ khám chữa bệnh cho người dân, tỷ lệ chuyển tuyến đã giảm được 30%. Bên cạnh đó, với việc triển khai Đề án 1816, ngoài việc người bệnh không phải điều trị xa nhà, tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại, ăn ở, người thầy thuốc cũng không phải đi xa mà vẫn có thể vừa học tập vừa làm chuyên môn ngay tại địa phương, đơn vị mình, bởi các thầy đã về tận nơi để truyền thụ kinh nghiệm. Việc đào tạo trong Đề án 1816 được thực hiện dựa trên cơ sở tuyến dưới đề xuất, và đào tạo trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị của tuyến dưới nên rất thiết thực hiệu quả. Qua đó, chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến huyện đã được nâng lên. Điều này không chỉ thể hiện ở công suất sử dụng giường bệnh luôn đạt và vượt chỉ tiêu mà quan trọng hơn là người bệnh đã tin tưởng, hài lòng hơn đối với công tác chẩn đoán, điều trị bệnh của y tế cơ sở.

Có thể thấy, Đề án 1816 có ý nghĩa quan trọng trong công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân tại cộng đồng. Việc cán bộ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới không chỉ đơn thuần là hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn mà còn là truyền đạt kinh nghiệm trong nghề nghiệp giúp cán bộ y bác sĩ tuyến dưới có thêm kỹ năng, thực hiện được nhiều kỹ thuật khó ngay tại địa phương. Đặc biệt, thông qua Đề án 1816, khoảng cách về chăm sóc sức khỏe giữa nông thôn và thành thị, giữa trung ương và địa phương đang dần được rút ngắn, tạo cho người dân sự tin tưởng đối với y, bác sĩ khi đến khám chữa bệnh ở bất cứ nơi nào trong tỉnh. 

 

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc